Trong chương trình, Tiến sĩ y khoa Trần Chí Cường, Chủ tịch Liên chi hội Can thiệp Thần kinh Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ đã cảnh báo về sự nguy hiểm khi thiếu kiến thức về căn bệnh đột quỵ. Nhiều người tưởng nhầm bệnh nhân đột quỵ là bị trúng gió nên thay vì đưa người bệnh vào bệnh viện thì lại bôi dầu, cạo gió, giác hơi, cho người bệnh nằm nghỉ ngơi, đến khi vào được bệnh viện thì người bệnh đã không qua khỏi.
Theo Tiến sĩ Trần Chí Cường, thế giới hiện ghi nhận khoảng 15 triệu người đột quỵ mỗi năm, cứ mỗi 45 giây lại có một người đột quỵ và mỗi ba phút có một người tử vong. Tỷ lệ tử vong do đột quỵ tại Việt Nam cao hơn thế giới. Người bệnh đột quỵ có xu hướng ngày càng trẻ hóa, đặc biệt với những người làm việc căng thẳng tại các doanh nghiệp, làm thêm giờ, bắt đầu khởi nghiệp... “Rất nhiều người đột ngột ra đi ở tuổi dưới 50, đang ở tuổi cống hiến với rất nhiều trọng trách. Vì thế, các doanh nhân phải đặc biệt lưu ý căn bệnh này”, Tiến sĩ Cường nói.
Còn Bác sĩ Phạm Hồng Nam Trân (chuyên gia về Nhãn khoa, làm việc cho nhiều cơ sở y tế quốc tế) chia sẻ về nguy cơ bị bệnh về mắt với các doanh nhân nói chung và những người làm việc trong môi trường công sở, doanh nghiệp hiện nay khi tuổi tác ngày càng cao. Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Tường, Giám đốc Y khoa phòng khám Victoria Healthcare đã chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về tầm soát ung thư tiêu hóa… Đặc biệt, tại tọa đàm, đông đảo đại biểu đã được nghe nhiều ý kiến, chia sẻ; qua đó, hiểu sâu hơn về hành trình và sứ mệnh của những người làm nghề y.
Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong chăm sóc sức khỏe người dân
Bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch Câu lạc bộ Tam nông, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Sản xuất-Thương mại MEBIPHA cho biết: Như nhiều doanh nhân khác, đối mặt với áp lực từ nhiều phía, thường xuyên làm việc thâu đêm suốt sáng, không ít lần bỏ qua bữa ăn… Trải qua nhiều biến cố, gần đây bà Ái đã bắt đầu quan tâm hơn đến sức khỏe, đi khám bệnh tổng quát đều đặn, hạn chế thức khuya, chịu khó ăn uống đúng giờ… Không những vậy, bà Ái còn khuyến khích nhân viên thường xuyên đi khám sức khỏe, duy trì lối sống lành mạnh, chọn lựa thực phẩm an toàn, cân bằng giữa công việc và gia đình để có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Bà Ái tâm sự: Các doanh nhân hãy dành thời gian nhiều hơn đến sức khỏe của bản thân, để có đủ sức lực chèo lái “con thuyền doanh nghiệp” vượt qua thách thức, phát triển hơn nữa.
Đồng quan điểm, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, cho biết: Tôi nhận thấy rất nhiều người thường tập trung vào phát triển và quản lý doanh nghiệp mà quên đi việc chăm sóc sức khỏe bản thân. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là các bệnh về mắt hay nguy cơ đột quỵ. Vì thế, các doanh nhân nên dành sự quan tâm đúng mực cho sức khỏe của mình. Doanh nhân khỏe mạnh chính là nền tảng cho sự vững chắc của doanh nghiệp”.