Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân cần tiếp tục đổi mới tư duy, lớn mạnh và trưởng thành hơn nhằm hiện thực hóa khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Giữ vai trò dẫn dắt
Trong những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đảng đã ban hành hai Nghị quyết về doanh nhân, thể hiện sự coi trọng và quyết tâm trong xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được ban hành nhằm định hướng cho hoạt động của những doanh nghiệp, doanh nhân khi môi trường chính sách có nhiều thay đổi.
Nối tiếp thành công, đội ngũ doanh nhân tiếp tục được định hướng, hỗ trợ tích cực bằng chủ trương, đường lối đúng đắn, sáng tạo, linh hoạt của Đảng khi ngày 10/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Trong đó, Đảng ta xác định vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nhân là một trong những lực lượng nòng cốt, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đề ra bảy nhóm nhiệm vụ giải pháp đồng bộ nhằm bảo đảm thực hiện các quan điểm, mục tiêu đã xác định phù hợp với bối cảnh và tình hình mới.
Nhờ có sự quan tâm đó, đến nay, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam ngày càng đông đảo, với khoảng 10 triệu doanh nhân, hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực này giữ vai trò then chốt trong việc tạo ra của cải, vật chất, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước khi tạo ra khoảng 15 triệu việc làm, đóng góp khoảng 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Hiện nay, nước ta đã xuất hiện các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như: Viettel, PVN, Vingroup, FPT, Thaco, Hòa Phát, TH,...
Theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nhân không chỉ là người dẫn dắt doanh nghiệp mà còn là người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất và mở rộng thị trường. So với 20 năm trước đây, GDP Việt Nam đã tăng khoảng 9,5 lần, từ mức 45,4 tỷ USD năm 2004 lên khoảng 430 tỷ USD vào năm 2023; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng gần 12 lần, từ mức 57,5 tỷ USD lên 683 tỷ USD, trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu tăng gần 13,7 lần, lên mức 355,5 tỷ USD.
Đáng chú ý, đến nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã vươn lên làm chủ công nghệ, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có thương hiệu, tạo dựng được hệ sinh thái cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước cùng phát triển, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Tuy nhiên, trước bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến chuyển, đội ngũ doanh nghiệp tư nhân hiện nay dù đông nhưng chưa mạnh, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, và hộ kinh doanh gia đình (chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp).
Bên cạnh quy mô nhỏ, ít vốn, công nghệ thấp, nhiều doanh nghiệp còn chậm hoặc không đầu tư đổi mới, quản trị doanh nghiệp, chủ yếu vẫn theo quy mô doanh nghiệp gia đình, cho nên tính liên kết, hợp tác thấp, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần sớm có cơ chế, chính sách đột phá, tạo điều kiện xây dựng, phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân, trong đó có các doanh nghiệp lớn, đầu ngành của Việt Nam.
Sản xuất, lắp ráp ô-tô tại Nhà máy Ford Việt Nam (Công ty TNHH Ford Việt Nam), tỉnh Hải Dương. (Ảnh TRẦN HẢI) |
Sát cánh cùng doanh nghiệp
Mặc dù trong nhiều năm qua, Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục những bất cập về chính sách, thông qua các hoạt động rà soát, sửa đổi các quy định gây vướng. Tuy nhiên, một số chính sách ban hành chưa phù hợp tình hình thực tế. Những hoạt động này chỉ mang tính chất "giải quyết tình huống", sửa chữa khiếm khuyết ở phần ngọn mà chưa xem xét tổng thể từ gốc rễ của vấn đề trong việc ban hành hệ thống văn bản pháp luật.
Các vấn đề về môi trường đầu tư kinh doanh, chi phí tuân thủ, thủ tục hành chính còn rườm rà dù đã được "chỉ mặt, điểm tên" nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đây cũng đang là những "điểm nghẽn" cản trở sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam, khiến tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam Nguyễn Văn Đệ bày tỏ vui mừng khi lĩnh vực y tế tư nhân đã có tốc độ phát triển nhanh chóng trong hơn 20 năm qua nhờ chủ trương, chính sách xã hội hóa của Đảng, Nhà nước. Xã hội hóa góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, cùng ngành y tế nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, tạo điều kiện cho người dân được hưởng lợi. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm bất cập trong việc triển khai thực hiện khi cùng là chủ trương thu hút đầu tư dự án bệnh viện tư nhân nhưng mỗi địa phương hướng dẫn nhà đầu tư áp dụng quy định theo cách khác nhau.
"Phần lớn các địa phương đều thực hiện lựa chọn nhà đầu tư dự án xây dựng bệnh viện tư nhân thông qua hình thức chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư, không phải thực hiện quy trình đấu thầu hay đấu giá đất, nhằm tạo thuận lợi về trình tự, thủ tục, có chính sách miễn, giảm tiền thuê đất công bằng như bệnh viện công lập.
Nhưng hiện nay, một số địa phương áp dụng quy định Luật Đấu thầu, Luật Đất đai để đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án bệnh viện tư nhân, không thống nhất áp dụng chính sách xã hội hóa theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, khiến chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y tế khó đi vào cuộc sống, tốc độ triển khai đầu tư các bệnh viện tư chậm so với tiềm năng và chỉ tiêu định hướng của Nghị quyết mà Đảng, Chính phủ đặt ra"- ông Nguyễn Văn Đệ phản ánh.
Tại cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp về những khó khăn, vất vả trong thời gian qua và khẳng định, Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, triển khai mạnh mẽ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch, hoạt động đúng pháp luật.
Thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung thực hiện phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, toàn diện, góp phần giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Nhà nước sẽ luôn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế-dân sự. Thủ tướng mong muốn, với tinh thần thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh, cơ chế, chính sách sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển, lớn mạnh cùng đất nước.
Thủ tướng tin tưởng rằng, lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam luôn thể hiện sự tiên phong trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, vì lợi ích của quốc gia và dân tộc, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.