Doanh nghiệp thực hành ESG để hướng đến sự bền vững

Phát triển bền vững theo tiêu chí ESG (Enviromental-Môi trường; Social-Xã hội; Gorvernance-Quản trị) đã và đang trở thành xu hướng chung của thế giới. Tại các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, xu hướng này đang được thành phố, doanh nghiệp tập trung thực hiện. Tuy nhiên, để đạt kết quả nhanh hơn, đòi hỏi nhiều cơ chế, chính sách hiệu quả cùng nỗ lực lớn của các doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc khu đô thị Gamuda tại quận Tân Phú.
Một góc khu đô thị Gamuda tại quận Tân Phú.

ESG từ nhiều năm nay đã trở thành vấn đề chung của các doanh nghiệp nói chung bởi việc thực hành ESG tốt sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nhà đầu tư, tăng cường hợp tác thương mại quốc tế.

ESG ngày càng cần thiết

Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), thực hành ESG đã được Ban lãnh đạo định hình và phát triển từ rất sớm. Theo bà Trần Phương Ngọc Thảo, thành viên Hội đồng quản trị PNJ, Trưởng tiểu ban ESG, trong lịch sử 35 năm hình thành PNJ đã có định hướng phát triển bền vững với triết lý "đặt lợi ích khách hàng và lợi ích xã hội vào lợi ích của doanh nghiệp". Trong đó, PNJ đặc biệt quan tâm đến "thân-tâm-trí" của người lao động. Sau này, hoạt động đó được chiến lược hóa và được cam kết mạnh mẽ trong trụ cột xã hội (Social). Bà Trần Phương Ngọc Thảo cho rằng, ESG là tương lai, là cơ sở để nâng cấp hoạt động của doanh nghiệp lên một tầm cao mới. Khi đó, dù là chiến lược điều hành vĩ mô hay những sáng kiến, hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp cũng sẽ đều lấy ESG làm kim chỉ nam.

Khu đô thị kiểu mẫu của Gamuda Land tại quận Tân Phú là địa chỉ sinh sống lý tưởng của nhiều người dân thành phố bởi không gian thoáng đãng, quy hoạch bài bản và chiến lược xây dựng hướng đến tương lai của doanh nghiệp này. Gamuda Land là một trong những doanh nghiệp tiên phong thực hiện ESG với cam kết cụ thể và bài bản thông qua nhiều hoạt động hướng đến sự phát triển bền vững. Trong lĩnh vực bất động sản, Gamuda Land là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thực hành cam kết ESG bài bản và thống nhất với mục tiêu thực hiện quy trình thi công xây dựng tuần hoàn, bảo vệ môi trường, phát triển con người và đầu tư cho cộng đồng...

Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực thực hành ESG, trong đó có việc giảm thải khí các-bon và rác thải; sử dụng nguồn đầu vào có trách nhiệm xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng và mảng hậu cần. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng đã có những thay đổi trong tư duy quản trị về phát triển bền vững và đưa ESG vào trong chiến lược kinh doanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng như ngành hàng lương thực, thực phẩm và đồ uống từng bước thực hiện phát triển bền vững, như sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, quan tâm đến phát triển kinh tế địa phương, các hoạt động hỗ trợ cộng đồng. Theo nhiều chuyên gia, so với nhiều quốc gia khác, Việt Nam có sự ổn định về địa chính trị-xã hội, nguồn lao động trẻ dồi dào, tiềm năng thị trường gần 100 triệu dân, là những lợi thế để doanh nghiệp tiếp cận với xu hướng này.

Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ

Thực hành ESG mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, bởi lẽ, việc tập trung vào ESG sẽ giúp doanh nghiệp nhận diện và giảm thiểu các rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị. Hơn nữa, việc đưa ESG vào hoạt động thực tiễn sẽ thúc đẩy doanh nghiệp hướng tới các phương pháp hoạt động bền vững và tiết kiệm chi phí hơn. Quá trình chuyển đổi này đòi hỏi doanh nghiệp phải có nhìn nhận đúng đắn về ESG cũng như chủ động hơn trên hành trình này. Phát triển bền vững đang được xem là xu thế tất yếu và là trọng tâm trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia và doanh nghiệp. Trong đó, việc thực hành ESG để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng dần trở thành hoạt động quan trọng của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các khảo sát về nhu cầu thực hành ESG cho thấy, mức độ tham gia ESG của các doanh nghiệp vẫn là một câu hỏi lớn khi đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, bản thân doanh nghiệp chỉ có cơ cấu không chính thức, hoặc không có cơ cấu quản trị về các vấn đề ESG. Ngoài ra, sự thiếu hụt về vai trò lãnh đạo ESG trong các doanh nghiệp tư nhân cũng là một rào cản đối với việc thực hành mục tiêu này; nhiều ban lãnh đạo không tham gia hoặc chưa xác định rõ việc thực hành ESG.

Ðơn cử, trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, việc thực hành ESG cũng khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu kiểm kê phát thải nhà kính của Bộ Xây dựng, đối với vật liệu xây dựng, năm 2015 ngành này phát thải 63 triệu tấn CO2 ra môi trường và tăng lên đến 87 triệu tấn vào năm 2020. Dự báo con số này có thể tăng tiếp tục lên 125 triệu tấn vào năm 2030 và đến năm 2050 có thể lên tới 148 triệu tấn (gấp từ 2 đến 3 lần so với năm 2015). Ông Ðinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng: Ðây là thực trạng cho thấy ngành vật liệu xây dựng đang là một trong những ngành cần nhanh chóng thực hành ESG. Ông Ðinh Hồng Kỳ cho biết, đối với ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, hầu như các doanh nghiệp đều nghe đến Net Zero và giảm phát thải bằng 0, nhưng các doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu khi thực hành ESG. Do vậy số doanh nghiệp thực hành ESG trong ngành vật liệu xây dựng rất ít.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, thời gian qua, thành phố nhận thức việc thực hiện chuyển đổi xanh là mục tiêu hướng đến, thông qua việc triển khai các hoạt động, dự án, trong đó có vấn đề ESG. Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng có đủ điều kiện để sử dụng năng lượng tái tạo thay thế. Các doanh nghiệp cần chủ động hành động, đi sâu vào bộ tiêu chuẩn ESG để tăng năng lực cạnh tranh, tồn tại phát triển theo xu hướng. Ðiều này sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp thành phố đi sâu và đi nhanh hơn vào chuỗi cung ứng của thế giới.

Ðể chuyển đổi xanh thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, doanh nghiệp cần phải hành động một cách đồng bộ, lần lượt từ nhỏ tới lớn, từ thấp tới cao, từ cơ sở đến thành phố. Thành phố sẽ nghiên cứu xem xét yếu tố tăng trưởng xanh trong GDP, lượng hóa được yếu tố khoa học công nghệ, sử dụng công nghệ để giảm phát thải trong sự phát triển kinh tế, đồng thời triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu, thực hành ESG.