Đáng chú ý, Bộ Công thương yêu cầu tất cả doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối trên địa bàn phải thực hiện ký biên bản cam kết bảo đảm cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, hoàn thành trước ngày 16/11 tới.
Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tập trung giám sát các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm; nếu phát hiện hành vi vi phạm, kiến nghị thu hồi giấy phép ngay dù bất kể thương nhân ở loại hình nào; thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Thủ trưởng cơ quan Quản lý thị trường chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo, tổ chức giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Trả lời báo chí một số vấn đề liên quan xăng dầu, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu, Chính phủ, Bộ Công thương đã giao nhà máy lọc dầu nâng công suất, doanh nghiệp tăng lượng nhập khẩu, sẵn sàng cung ứng cho các địa bàn cũng như đơn vị ngoài hệ thống. Các địa phương cũng được yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho vận chuyển, lưu thông xăng dầu trong phạm vi toàn quốc, kể cả trong giờ cao điểm.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nguồn cung xăng dầu không thiếu nhưng trên thực tế bị đứt gãy ở một số phân khúc. Do định mức chi phí và định mức chi phí phát sinh trong công thức tính giá xăng cơ sở chưa được cập nhật đầy đủ, kịp thời đã khiến các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối hạn chế xuất hàng, bán ra. Chính phủ đã giao Bộ Công thương phối hợp các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý theo quy định các hành vi đầu cơ, trục lợi, găm hàng chờ tăng giá; xử lý nghiêm minh các hành vi tung tin giả, gây nhiễu loạn thị trường xăng dầu.