Bên lề Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV:

Điều chỉnh giá xăng dầu phù hợp thực tế thị trường

NDO - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần thiết phải điều tiết giá xăng dầu hợp lý theo diễn biến thị trường, qua đó góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ như đang diễn ra tại một số địa phương hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00

Nguyên nhân của hiện tượng “găm hàng” xăng dầu

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn trước tình trạng khan hiếm xăng dầu xảy ra cục bộ ở một số địa phương, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, một số cây xăng “găm hàng”, bán hàng nhỏ giọt, khiến người dân gặp phiền toái trong sinh hoạt.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cân đối cung cầu và điều tiết giá xăng dầu chưa hợp lý, dẫn đến việc đại lý xăng dầu có xăng mà không dám nhập vì sợ lỗ.

Theo đại biểu, hiện nay xăng dầu cung cấp trong nước chủ yếu là phải nhập khẩu từ nước ngoài về và do đó giá xăng dầu trong nước cũng phải theo sự lên xuống của giá quốc tế.

Điều chỉnh giá xăng dầu phù hợp thực tế thị trường ảnh 1

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chia sẻ với phóng viên bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

“Ở nước ngoài giá xăng dầu lên xuống thậm chí hằng giờ còn ở ta thì cả chục ngày mới điều tiết giá 1 lần, làm sao phù hợp với tình hình thực tiễn khi mà chúng ta chủ yếu là nhập?”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu câu hỏi.

Theo đại biểu, đề xuất của Bộ Công thương và Bộ Tài chính giảm chu kỳ điều tiết giá xăng dầu trong nước từ 10 ngày xuống còn 5 ngày là rất phù hợp.

“Nếu còn tình trạng 10 ngày mới điều tiết 1 lần, sẽ dẫn đến thực trạng là khi đại lý xăng dầu có xăng mà không dám nhập về, vì sợ nhập về mà điều tiết chậm thì xăng để đó cũng tuột giá, dẫn đến thua lỗ”, đại biểu nói.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “găm hàng” xăng dầu, bán hàng nhỏ giọt không phải vấn đề của riêng Bộ Công thương, dù trong thời gian qua ngành cũng đã rất nỗ lực.

Điều chỉnh giá xăng dầu phù hợp thực tế thị trường ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương chia sẻ với phóng viên bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Theo đại biểu, vấn đề là ở đây là do công thức tính giá của chúng ta không đáp ứng kịp thời với sự nhanh nhạy của thị trường. Bên cạnh đó, cơ chế sử dụng Quỹ bình ổn giá hiện nay thường lâu, mất thời gian và liên quan nhiều bộ, ngành.

Thứ ba là vấn đề liên quan giá biến động trên thế giới, kể cả giá vận chuyển cũng đang biến động, làm cho giá xăng dầu thay đổi. Đây là những vấn đề đặt ra và phải tìm được giải pháp khắc phục, đại biểu nêu rõ.

Chủ động từ sớm, từ xa

Theo đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội), tình trạng “găm hàng” và bán xăng nhỏ giọt đang có nhiều tác động đến người dân sử dụng các phương tiện giao thông, kể cả công cộng và cá nhân.

“Tôi cảm thấy rất xót xa khi một số cán bộ, người dân phải thức đến tận 2, 3 giờ sáng chỉ để có được một vài lít xăng”, đại biểu chia sẻ.

Để chủ động phục vụ tốt nhân dân, theo đại biểu Trương Xuân Cừ, Nhà nước phải có hệ thống phân phối thiết yếu, còn nếu chủ yếu dựa vào tư nhân hoặc những doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối như hiện tại thì sẽ gặp khó.

“Cho nên trước tình hình như hiện nay, chúng ta phải xây dựng những cây xăng mang tính chất cơ động, tình thế để làm sao đáp ứng được nhu cầu xăng dầu của người dân”, đại biểu kiến nghị.

Để làm được điều này, đại diện của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng phải chuẩn bị từ sớm, từ xa. Nếu có hiện tượng này xảy ra, cần phải phát huy được những phương án dự phòng với các thiết chế đã xây dựng từ trước để đem vào phục vụ thì mới giải quyết được tình hình hiện nay nhiều cây xăng “găm hàng” và không bán.

Điều chỉnh giá xăng dầu phù hợp thực tế thị trường ảnh 3

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) chia sẻ với phóng viên bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, các phương án này có thể là xây dựng các cây xăng dự phòng, trong đó có cây xăng lưu động của Nhà nước, cũng như hỗ trợ trực tiếp nhằm gỡ khó cho các cây xăng hiện nay đang bị ách tắc, “găm hàng”.

Đối với công tác quản lý nhà nước, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Bộ Công thương và Bộ Tài chính cần phối hợp nhịp nhàng, cụ thể, điều chỉnh giá xăng dầu phù hợp với tình hình thực tế của thị trường trong nước và nước ngoài, bảo đảm giá xăng dầu ở mức hợp lý để người dân chấp nhận được.

“Việc cân đối cung cầu và giá xăng dầu hiện nay không nên thả nổi mà phải có sự điều tiết nhất định của nhà nước nhưng cũng phải bảo đảm theo giá thị trường. Điều quan trọng, cốt lõi là làm sao nhập xăng dầu về đủ cung ứng, cũng như nguồn xăng dầu sản xuất trong nước đủ đáp ứng cho các hoạt động sản xuất và phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân”, đại biểu nhấn mạnh.

Bộ Tài chính, Bộ Công thương cần tìm hiểu nguyên nhân để tìm cách khắc phục và điều tiết xăng dầu hợp lý, có lợi cho Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp, bảo đảm hài hòa lợi ích trong điều tiết cũng như trong hoạt động mua bán xăng dầu.

Cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt trong lĩnh vực xăng dầu cũng hết sức cần thiết, tuy nhiên, do nhu cầu sinh hoạt thiết yếu và trước tâm tư, nguyện vọng của người dân, đại biểu kiến nghị nên giảm thuế xăng dầu để giữ giá xăng dầu không cao, vừa theo giá thị trường và vừa mức thu nhập của người dân, doanh nghiệp.