Đại diện Công ty cổ phần Khoáng sản Hưng Thịnh, ở thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng chia sẻ, các máy xúc của công ty tiêu thụ 800 đến 900 lít dầu/ngày. Nhưng hiện tại, công ty chỉ mua được 400 lít dầu/ngày, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất. Do địa bàn hoạt động của công ty gần địa bàn huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, cho nên, công ty đã ký hợp đồng với Công ty Xăng dầu Hà Giang, lượng mua 800 đến 900 lít dầu/ngày, công ty đã chuyển tiền trước, nhưng vẫn chỉ mua được 400 lít dầu/ngày.
Còn tại cửa hàng xăng, dầu ở thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm của công ty xăng dầu Cao Bằng, do chưa ký hợp đồng mua hàng, lượng dầu mua được không đáng kể so với nhu cầu sử dụng để duy trì hoạt động của đội máy xúc của công ty.
Một số người dân cho biết, tại huyện Bảo Lâm có 3 cửa hàng xăng, dầu, thì 2 cửa hàng đã ngừng bán. Cửa hàng xăng, dầu ở thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm của Công ty Xăng dầu Cao Bằng hạn chế số lượng xăng, dầu bán ra, bằng cách bán theo định mức tối đa 30 nghìn đồng/xe máy và 300 nghìn đồng/xe ô-tô.
Tại thành phố Cao Bằng, anh V.H.T. chia sẻ, sáng 14/11, anh lái ô-tô mua xăng tại một cửa hàng xăng, dầu, nhân viên chỉ bán tối đa 500 nghìn đồng/xe ô-tô. Một khách hàng sử dụng ô-tô chạy dầu cũng cho biết, nhân viên cây xăng chỉ bán tối đa 500 nghìn đồng tiền dầu/xe ô-tô.
Đồng chí Nông Minh Huấn, Phó Cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng cho biết, tại tỉnh Cao Bằng có 67 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu. Qua kiểm tra, hiện tại, có 30 cửa hàng ngừng bán, hoặc hết mặt hàng xăng, hoặc dầu. Cục Quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ giám sát, xác minh nguyên nhân các cây xăng, dầu ngừng bán hàng, hoặc hết xăng, hoặc dầu.
Chủ các cây xăng tư nhân cho biết lý do ngừng bán, hoặc hết xăng, dầu do đã liên hệ với nhà phân phối để nhập hàng, nhưng nhà phân phối báo hết hàng để bán. Kiểm tra thực tế tại kho chứa của các cửa hàng, ghi nhận tình trạng hết, xăng, dầu.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng cho biết, làm việc với Công ty Xăng dầu Cao Bằng, đơn vị này cho biết, Công ty có 26 cửa hàng trong toàn tỉnh, do nhiều cửa hàng xăng, dầu tư nhân ngừng bán hàng, lượng khách hàng đổ dồn về mua tại cửa hàng của công ty. Do đó, lượng xuất bán những ngày qua của đơn vị tăng cao, trong khi nguồn cung được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam phân bổ hạn chế, nên có một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu hết hàng cục bộ.
Liên hệ với Công ty Xăng dầu Cao Bằng để tìm hiểu thực tế và kiến nghị thì lãnh đạo có trách nhiệm của công ty đang đi kiểm tra thực tế, cho nên chưa làm rõ được thực trạng và giải pháp khắc phục tình trạng thiếu xăng dầu phục vụ cho sản xuất và đời sống.
Ông Lê Đức Thuận, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Xây dựng Anh Long than thở, do thiếu xăng, dầu, gần một tuần nay, công nhân của công ty tại công trường phải ngừng hoạt động.
Doanh nghiệp nóng lòng vì áp lực tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời vẫn phải trả lương, chi trả phí sinh hoạt cho công nhân, áp lực càng gia tăng. Ô-tô của công ty chỉ mua được số lượng xăng, dầu hạn chế, cửa hàng bán xăng, dầu không bán hàng đổ vào thùng phi để chở về đổ cho máy xúc, máy lu; cho nên máy xúc, máy lu của công ty hết dầu, không hoạt động. Tình hình rất căng thẳng.
Tình trạng thiếu xăng, dầu trầm trọng tại tỉnh Cao Bằng đang gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống người dân, cần sớm có giải pháp để tháo gỡ, để hạn chế tổn thất cho xã hội.