Thời kỳ thu thập số liệu báo cáo từ 21/10 đến 14/11. Các báo cáo cần so sánh, phân tích với kỳ báo cáo trước (1/6 đến 20/10); đánh giá cụ thể về tính bất thường và tác động đến hoạt động kinh doanh của đơn vị; kiến nghị, đề xuất về cả hai bộ Tài chính - Công thương trước 10 giờ ngày 15/11.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ trì, phối hợp Bộ trưởng Công thương và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu định kỳ trước ngày 20 hằng tháng phải tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan kinh doanh xăng dầu; chủ động xem xét việc điều chỉnh theo quy định, bảo đảm sát với thực tiễn của thị trường và hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Theo yêu cầu này, Bộ Công thương và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu gửi báo cáo chi tiết chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam; Premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng (lưu ý: các khoản chi phí vận chuyển, bảo hiểm, hao hụt, giám định, ... không bao gồm VAT).
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công thương phối hợp cung cấp tài liệu, đôn đốc các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo kịp thời, chính xác; các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo trung thực, chịu trách nhiệm trước pháp luật và các cơ quan thanh tra, kiểm toán sau này (nếu có) về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của các thông tin, số liệu báo cáo của đơn vị. Đồng thời, đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo hệ thống phân phối cung ứng đủ xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Thực tế tình hình cung ứng xăng dầu nhập khẩu thời gian qua cho thấy, Bộ Tài chính quản lý dự báo tình hình cung ứng xăng dầu nhập khẩu trong tương lai gần từ các yếu tố cơ bản như: tồn kho xăng dầu nhập khẩu trên thị trường, phân tích cụ thể đến từng vùng, địa phương trên cả nước (có thể thống kê được ở cấp cây xăng là 1-3 ngày, cấp tổng đại lý là 4-6 ngày...); khối lượng xăng dầu nhập khẩu vừa cập cảng tại vùng nào kèm theo chi phí nhập khẩu ở bước này đã khá chính xác (dự báo được từ 7-10 ngày tại khâu này).
Đặc biệt quan trọng là tình hình ký hợp đồng mua xăng dầu với nhà sản xuất nước ngoài bởi đã có đầy đủ thông tin về giá, chi phí, khối lượng, địa điểm giao hàng ở khu vực nào (mất 15-20 ngày về tới cảng, có hợp đồng cung cấp ký trước 2 tháng). Kết hợp những yếu tố nêu trên, cơ quan quản lý Nhà nước cần chủ động bám sát thị trường, kết hợp linh hoạt giữa xăng dầu sản xuất trong nước với xăng dầu nhập khẩu, dự báo khu vực nào sẽ thiếu cung để điều phối, phân phối về khu vực đó; điều hành linh hoạt từ khu vực còn tồn kho lớn về khu vực đang thiếu.
Bộ Tài chính đánh giá, việc các thị trường lớn thiếu xăng cục bộ trong tháng 10, 11 là việc rất bất thường, vì vậy, cần có bản đồ cây xăng của công ty nào, nhà phân phối nào một cách rõ ràng, và có đang chủ động được nguồn cung hay không, đơn vị nào không nhập, không chủ động được nguồn cung… để có cơ sở chỉ đạo bổ sung, chia sẻ giữa các doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cũng cho biết, ngày 8/11, căn cứ vào số liệu về chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam do 28 doanh nghiệp cung cấp, Bộ Tài chính đã điều chỉnh tăng một số mặt hàng xăng dầu.
Qua theo dõi của Bộ Tài chính, chi phí định mức này đã cao hơn chi phí nhập khẩu thực tế của các lô xăng dầu gần đây. Cụ thể, ngày 20/10, Petrolimex nhập 1 lô xăng Ron92 với chi phí 359 đồng/lít (định mức 640 đồng/lít); Ron95 là 819 đồng/lít (định mức là 1.280 đồng/lít). Tới ngày 6/11, có 1 lô cũng của Petrolimex về tới cảng có chi phí 458 đồng/lít đối với Ron92 và 803 đồng/lít đối với Ron95, đều thấp hơn chi phí định mức Bộ Tài chính mới sửa đổi.