Doanh nghiệp Ấn Độ và vùng Tây Nguyên Việt Nam kết nối giao thương

NDO - Lần đầu, hơn 40 doanh nghiệp từ 8 bang của Ấn Độ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, du lịch, công nghệ thông tin, giáo dục… đến thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng tìm hiểu, kết nối giao thương với các doanh nghiệp Lâm Đồng và vùng Tây Nguyên.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp Ấn Độ tại chương trình kết nối giao thương.
Doanh nghiệp Ấn Độ tại chương trình kết nối giao thương.

Sáng 31/8, trong khuôn khổ chương trình Hội nghị hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa tỉnh Lâm Đồng và Ấn Độ, Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Lâm Đồng phối hợp Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình kết nối giao thương giữa doanh nghiệp các tỉnh vùng Tây Nguyên với các doanh nghiệp Ấn Độ.

Sự kiện là cơ hội chia sẻ, tìm hiểu thông tin, kết nối giao thương, tạo mối liên kết hợp tác, mở rộng thị trường giữa doanh nghiệp các tỉnh vùng Tây Nguyên của Việt Nam với các đối tác, doanh nghiệp Ấn Độ,

Doanh nghiệp Ấn Độ và vùng Tây Nguyên Việt Nam kết nối giao thương ảnh 1

Quang cảnh Chương trình kết nối giao thương giữa doanh nghiệp các tỉnh vùng Tây Nguyên với các doanh nghiệp Ấn Độ.

Phát biểu tại chương trình, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Lâm Đồng Dương Quốc Anh thông tin, đây là một trong ba hoạt động của chương trình Hội nghị hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa tỉnh Lâm Đồng và Ấn Độ.

Theo ông Dương Quốc Anh, Ấn Độ là quốc gia có tiềm lực trên nhiều lĩnh vực và là thị trường rộng lớn với hơn một tỷ dân. Vùng Tây Nguyên của Việt Nam gồm 5 tỉnh, là vùng đất giàu tiềm năng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu ôn hòa; là thủ phủ của các loại cây công nghiệp, như cà phê, trà, tơ lụa, hồ tiêu… Trong xu hướng hội nhập và phát triển, việc hợp tác phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội để phát huy lợi thế sẵn có của các doanh nghiệp là rất cần thiết và khách quan. Các doanh nghiệp vùng Tây Nguyên không thể đứng ngoài xu thế hội nhập đó và rất cần nhu cầu hợp tác kinh doanh để phát triển.

Hiện, Lâm Đồng đã có nhiều sản phẩm được đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể, như Trà B’Lao, Cà phê Di Linh, Cà phê Arabica Langbiang, Rau Đà Lạt, Hoa Đà Lạt...

Doanh nghiệp Ấn Độ và vùng Tây Nguyên Việt Nam kết nối giao thương ảnh 2

Doanh nghiệp Ấn Độ tìm hiểu tơ lụa tại chương trình.

Tại không gian diễn ra chương trình kết nối giao thương, các doanh nghiệp hai bên đã tham quan khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm để tìm hiểu thông tin và tổ chức kết nối.

Trước đó, ngày 30/8, ba đoàn doanh nghiệp Ấn Độ đã thực hiện khảo sát trên 3 lĩnh vực thương mại, du lịch và đào tạo, công nghệ thông tin để có cái nhìn khái quát về hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Qua đó, có thể đã gợi mở những ý tưởng liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, đối tác Lâm Đồng và vùng Tây Nguyên.

Doanh nghiệp Ấn Độ và vùng Tây Nguyên Việt Nam kết nối giao thương ảnh 3

Doanh nghiệp Ấn Độ tìm hiểu sản phẩm nông nghiệp tại không gian trưng bày trong khuôn khổ chương trình.

Phát biểu tại chương trình, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh Madan Mohan Sethi cho biết, đây là lần đầu hơn 40 doanh nghiệp từ 8 bang của Ấn Độ và 2 hiệp hội đến thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Các doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, máy móc nông nghiệp, công nghệ thông tin, du lịch và giáo dục và nhằm mục đích phát triển mối quan hệ thương mại với các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngài Madan Mohan Sethi chia sẻ: “Tôi đã nhiều lần đến hơn 30 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Những gì tôi thấy là cơ hội ở khắp mọi nơi trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và giáo dục, công nghệ thông tin, du lịch, chăm sóc sức khỏe… Mặc dù chúng ta có kim ngạch thương mại song phương tốt, với hơn 15 tỷ USD, nhưng chúng ta đều biết rằng nó đang ở dưới tiềm năng”. Ngài Madan Mohan Sethi mong muốn mời các doanh nghiệp của cả hai bên trao đổi và tìm hiểu các mối quan tâm về kinh doanh và hợp tác.

Doanh nghiệp Ấn Độ và vùng Tây Nguyên Việt Nam kết nối giao thương ảnh 4

Doanh nghiệp Ấn Độ tại chương trình kết nối giao thương.

“Tôi bảo đảm với chính quyền tỉnh Lâm Đồng, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ sẽ tiếp tục hợp tác để tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch và giao lưu văn hóa trong thời gian sắp tới”, ông Madan Mohan Sethi nhấn mạnh.

Theo ban tổ chức, qua chương trình hợp tác kinh doanh sẽ tạo ra không gian tương tác, giúp doanh nghiệp hai bên giới thiệu thông tin về các sản phẩm, dịch vụ và mong muốn hợp tác của mình. Từ đó, có hướng liên kết để cùng nhau phát triển trong thời gian tới.