Đỗ Chung với thời gian

Theo họa sĩ Đỗ Chung, tìm hiểu, khám phá, lao động nghệ thuật là quy trình biện chứng, đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng. Từ rung động thẩm mỹ “Làng quê tôi” réo rắt tiếng sáo mục đồng, chú trâu đang vươn cánh mũi, đôi mắt lên trời cao có những cánh diều no gió, gọi mảnh trăng non; “một quá khứ đau thương và oanh liệt”, những chủ thể trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã khơi nguồn cảm hứng, phác thảo nên tương lai của người họa sĩ.
0:00 / 0:00
0:00
Tác giả, tác phẩm với người yêu thích hội họa.
Tác giả, tác phẩm với người yêu thích hội họa.

Sinh năm 1947, lớn lên ở xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa; Đỗ Chung yêu thích, bộc lộ năng khiếu hội họa khi theo học phổ thông cơ sở, tham gia vẽ tranh áp phích tuyên truyền cổ động xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, công tác tại các đơn vị trực thuộc Ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, ông luôn dành thời gian nắm bắt, tìm hiểu thực tiễn đời sống, đam mê vẽ tranh.

Ngược thời gian, ông về Chiến khu Việt Bắc, sáng tác các tác phẩm về Bác Hồ còn lưu dấu ấn trên những nẻo đường công tác, lãnh đạo thực hiện các chiến dịch làm thay đổi cục diện chiến trường. Hai người em ruột của ông tiếp nối, hòa cùng đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và đọng lại trong lăng kính người họa sĩ “Đồi hoa sim” tím ký ức tuổi thơ, bịn rịn cuộc chia tay, hẹn ngày hội ngộ.

Đỗ Chung với thời gian ảnh 2

Tác phẩm "Hàm Rồng chiến thắng", tranh sơn dầu.

Đồng hành là những con “Tàu không số” vượt sóng to, biển động hướng về miền nam ruột thịt; “Đêm Hàm Rồng” rực sáng lưới lửa phòng không cùng sức mạnh lòng dân, thế trận chiến tranh nhân dân được phản ánh đậm nét trong các tác phẩm hội họa. Chùm tác phẩm “Bến đợi”, rồi “Đợi”, “Vọng Phu” tôn vinh đức hạnh của người phụ nữ Việt Nam nhưng các tác phẩm của Đỗ Chung khắc họa sâu đậm bản lĩnh của thế hệ phụ nữ xung kích, đồng hành cùng dân tộc qua: “Chuyển than lên tàu”, “Hàm Rồng chiến thắng”, “Dân quân miền biển”, “Thư cho nhà”, ngời sáng khát vọng tuổi trẻ trong tác phẩm “Hang Tám Cô”.

Đỗ Chung với thời gian ảnh 3

Tác giả hoàn thiện tác phẩm hội họa.

Tác phẩm tranh bột màu “Ních-xơn” với thông điệp lên án mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược cùng âm mưu “đưa miền bắc trở về thời kỳ đồ đá” của đế quốc Mỹ. Cao hơn là khát vọng hòa bình xuyên suốt trong mỗi tác phẩm hội họa, tranh cổ động của Đỗ Chung.

Ánh đèn tỏa rạng dưới “Hầm chữ A” thể hiện bằng chất liệu sơn dầu, hay tranh khắc gỗ “Gặp gỡ” cùng các tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng của Đỗ Chung đã tô đậm thêm sức mạnh, mong muốn hòa bình của dân tộc Việt Nam, tiếp tục khơi nguồn cảm hứng cho người họa sĩ sáng tác nên tác phẩm tranh sơn dầu “Lính đảo Trường Sa” và thế hệ trẻ tiếp nối, khẳng định chủ quyền “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam”.

Đỗ Chung với thời gian ảnh 4

Bác Hồ với thanh niên các dân tộc Thanh Hóa - tranh sơn dầu của Đỗ Chung.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần về thăm Thanh Hóa và hình ảnh vị cha già dân tộc gần gũi, cùng kéo lưới với ngư dân Sầm Sơn, “Bác Hồ với thanh niên các dân tộc Thanh Hóa” được khắc họa trong tác phẩm của Đỗ Chung bằng những gam màu tươi sáng, nhắc nhở kế thừa, phát huy đại đoàn kết dân tộc.

Thượng du xứ Thanh và những chuyến công tác ở nước bạn Lào được phản ánh sinh động trong các tác phẩm của Đỗ Chung. Nét đẹp khỏe khoắn, phúc hậu của “Cô gái Sầm Nưa”, “Mẹ con”, gương mặt sắc sảo của “Cô gái Dao”, rồi “Cô gái Thái” trong trang phục truyền thống hay hoạt động “Tỉa lúa”, “Mùa vàng”, người Mông xay lúa, sử dụng máng dẫn nước tự nhiên để giã gạo, “Bữa cơm trên nương”, “Lò rèn”…, ngân vang giai điệu, sức sống lâu bền của nền văn hóa thống nhất trong đa dạng.

Tranh bột màu “Đường vào bản Khơ Mú” dịu mát gam màu, lối sống gần gũi thiên nhiên; “Ông bà Hơ Lão Tú” - người uy tín ở vùng thượng du Thanh Hóa, rồi thiên nhiên hùng vĩ, những nếp nhà nhuộm đỏ ráng “Chiều vùng cao”, con đường chợt sáng trong gam màu mỡ gà, rộn rã bước chân về nơi đoàn tụ; tiếp nối là “Trăng trên bản” cùng ánh sáng tinh khôi, réo rắt tiếng khèn gọi bạn được khắc họa trong tranh của Đỗ Chung nồng nàn tình yêu thiên nhiên, cuộc sống...

Đỗ Chung với thời gian ảnh 5

Tác phẩm " mẹ con" - tranh bột màu của Đỗ Chung.

Họa sĩ Đỗ Chung từng trưng bày tranh tại Liên Xô, giành giải thưởng quốc tế về chủ đề “Hòa bình cho con người”; được Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Lao động. Một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến xem, lưu lại khá lâu bên các tác phẩm triển lãm tranh về đề tài chiến tranh cách mạng, miền núi dân tộc và ông được Trung tâm văn hóa Pháp-Việt mời tổ chức triển lãm tranh cá nhân, tham gia nghiên cứu mỹ thuật thế giới tại Paris, Cộng hòa Pháp.

Sáng tác tác phẩm “Nguyễn Ái Quốc và Picasso” nhưng Đỗ Chung luôn tìm tòi cái mới, tạo cho mình một lối đi, thể hiện trên tranh bột màu, sơn dầu, giấy dó và lụa. Nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư, họa sĩ Huỳnh Văn Mười bộc bạch: “Có một tác phẩm trong triển lãm khiến tôi rất xúc động, đó là bức “Ngả rẽ”. Màu sắc bức tranh rất nhẹ nhàng, thể hiện tâm hồn của một nghệ sĩ có nghiên cứu trong tạo hình, có cảm xúc trong màu sắc và có chắt lọc trong ngôn ngữ”.

Đỗ Chung với thời gian ảnh 6

"Ngả rẽ" - tranh sơn dầu.

Tiến sĩ Đỗ Như Chung còn có nhiều bài nghiên cứu đăng trên tạp chí trong nước và quốc tế, tác giả của công trình nghiên cứu “Nghệ thuật trống đồng Thanh Hóa”. Là nơi phát lộ, khu vực trung tâm của nền văn hóa Đông Sơn tỏa sáng từ thuở vua Hùng dựng nước, Thanh Hóa cũng là địa phương phát hiện, sưu tầm được số lượng trống đồng Đông Sơn nhiều nhất. Tập hợp, giới thiệu có hệ thống, nghiên cứu về những chiếc trống đồng Đông Sơn, tác giả kết luận: Nghệ thuật trống đồng Đông Sơn ở Thanh Hóa không tách rời nghệ thuật Đông Sơn nói chung và nghệ thuật trống đồng ở Việt Nam.

Nền nghệ thuật ấy có cội nguồn từ nghệ thuật tạo hoa văn trên đồ gốm Tiền Đông Sơn. Nghệ thuật trống loại II Heger ở Thanh Hóa bảo lưu, kế thừa, phát triển hoàn thiện trống Đông Sơn. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Diệp Đình Hoa: “Là một họa sĩ, việc tiếp cận các phương pháp khảo cổ học để nghiên cứu trống đồng chẳng qua chỉ là cái nền lịch đại để nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật của trống đồng.

Trên cơ sở lịch đại này, tác giả lưu ý đến cái đẹp của các dáng hình của trống đồng, về sự phát triển của các bố cục, cấu trúc của hoa văn trang trí trên trống đồng. Cái đẹp không những được khảo sát qua ba chiều của không gian, mà còn theo dòng chảy của thời gian”.

Đỗ Chung với thời gian ảnh 7

Đúc trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống ở Thanh Hóa.

Quá trình công tác, tôi từng nhiều lần bắt gặp Đỗ Như Chung tại các hội nghị, hội thảo khôi phục nghề đúc đồng, trực tiếp tham gia nổi lửa nấu, bỏ kim loại quý, luyện nguyên liệu, đúc, phục chế trống đồng ở Thanh Hóa. Theo Đỗ Chung, nghệ thuật trống đồng cổ Thanh Hóa có vị trí quan trọng trong kho tàng nghệ thuật văn hóa Đông Sơn thời dựng nước và có sức sống mãnh liệt trong tâm thức cộng đồng cư dân Việt cổ.

Nền nghệ thuật ấy cần được bảo tồn, phát huy và trong thực tiễn Đỗ Chung khi đang công tác, tham mưu về quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu, Hội Di sản văn hóa và cổ vật Thanh Hoa luôn đồng hành cùng các nghệ nhân khôi phục kỹ thuật đúc trống Đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống, giữ lửa, truyền nghề đúc đồng, phát triển làng nghề đúc đồng ở Thanh Hóa. Nghệ thuật trống đồng Thanh Hóa còn khơi nguồn cảm hứng, lan tỏa giá trị mỹ thuật trong những tác phẩm hội họa của Đỗ Chung.

Đỗ Chung với thời gian ảnh 8

Những thông điệp từ văn minh Đông Sơn - tranh sơn dầu của Đỗ Chung.

Khi nghỉ hưu, Đỗ Chung càng có thời gian dành cho hội họa, gia tăng số lượng tác phẩm tranh và khoản thu nhập từ lương chuyển hóa, hòa tan trong những gam màu, đường nét phóng tác. Gần đây, ông cặm cụi, say mê lao động, sáng tạo, thể hiện các đề tài trừu tượng trên tranh khổ lớn, kích thước 2x5m.

Tranh khổ lớn phải lao động 6 giờ liên tục trong ngày và những ý tưởng nghệ thuật thôi thúc, đòi hỏi sáng tạo không ngừng của người nghệ sĩ. Tuổi dần cao nhưng họa sĩ Đỗ Chung thường vào nam, ra bắc và gia đình, người vợ đảm việc nhà là điểm tựa vững chắc cho ông…, thao thức với “ Thời gian”.