Hòn Vọng Phu thuộc Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch (núi Nhồi), ở phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa, được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng di tích quốc gia năm 1992, gồm: Núi Vọng Phu, chùa Tiên Sơn (chùa Quan Thánh), chùa Hinh Sơn; đình Thượng và lăng Quận Mãn (lăng Lê Trung Nghĩa). Ngoài ảnh hưởng bởi nổ mìn, khai thác đá trước đây, sét hay đánh vào khu vực này.
Thanh Hóa: Khắc phục xâm hại di tích danh thắng quốc gia Động Hồ Công
Tháng 6/2022, mưa lớn, sấm sét gây sạt lở 2 vị trí ở Di tích hòn Vọng Phu. Di tích chùa Quan Thánh xuống cấp, người trông coi tự ý tô vẽ hệ thống bia, đại tự, đóng thanh sắt vào giữa hai hàng ký tự; Lăng bia Quận Mãn hoang phế…
Lãnh đạo phường An Hưng tham luận tại Hội thảo. |
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường An Hưng Nguyễn Đình Lợi trăn trở: Hệ thống các điểm di tích thuộc Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch xuống cấp đến mức báo động. Các điểm di tích khoanh vùng bằng phương pháp thủ công, dưới dạng sơ đồ, chưa cắm mốc; phân cấp, phân quyền quản lý di tích không thống nhất, đồng bộ, thiếu cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ văn hóa, nhận thức của nhân dân về Luật di sản văn hóa chưa cao, gây khó khăn, lúng túng trong quản lý di tích.
Hòn Vọng Phu ở đỉnh núi Nhồi bị sạt lở. |
Hội thảo khoa học được tổ chức nhằm tham vấn ý kiến các cơ quan chuyên môn, nhà nghiên cứu, nhà khoa học Trung ương và địa phương nhằm làm rõ nguyên nhân, tìm giải pháp tối ưu, bảo đảm cơ sở khoa học trong xử lý, ngăn chặn tình trạng sạt lở, bảo tồn và phát huy giá trị di tích hòn Vọng Phu.
Viện trưởng Viện khoa học địa chất, khoáng sản Việt Nam tham luận tại Hội thảo. |
Tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các cá nhân đến từ các Viện nghiên cứu, khoa học, cơ quan quản lý di sản Trung ương, địa phương trình bày tại hội thảo tiếp tục nêu bật giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, nhất là tính biểu tượng, tôn vinh đức hạnh của người phụ nữ, nhận thức thẩm mỹ, truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam; đánh giá thực trạng quần thể di tích, gợi mở, đề xuất các giải pháp bảo vệ, phát huy giá trị di tích.
Đặc biệt, các chuyên gia địa đất trao đổi hòn Vọng Phu được kiến tạo vởi đá vôi, có nhiều hệ thống đứt gãy giao cắt với nhau, phân chia thành các khối, mảng, xảy ra quá trình bào mòn, phong hóa, không loại trừ khả năng có hang động ngầm trong lòng núi. Ngoài yếu tố thành tạo, biến động tự nhiên, thiên tai, tai biến địa chất có thể tác động di tích Vọng Phu.
Đại diện cơ quan quốc tế tham luận về biến động tự nhiên của đá vôi. |
Theo đó, một số ý kiến đề xuất dùng keo tổng hợp hàn gắn mạch, rãnh phong hóa, định vị đứt gãy, giữ cân bằng cho hòn Vọng Phu. Nhiều ý kiến tham luận, thảo luận đề cập tiếp tục nghiên cứu tổng thể về địa chất, địa hình khu vực này, khoanh rõ vùng quản lý, bảo vệ, trao đổi, gợi mở các giải pháp trước mắt và lâu dài bảo tồn, phát huy giá trị Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa Trần Đình Thành nêu bật giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan của Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch cùng nguy cơ đe dọa sự trường tồn của hòn Vọng Phu. Do vậy, cần thực thi ngay giải pháp bảo tồn cấp thiết và bảo tồn, phát huy giá trị lâu dài.
Lãnh đạo Cục di sản văn hóa phát biểu kết luận Hội thảo. |
Lãnh đạo Cục di sản văn hóa tán thành với ý kiến, giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa chủ trì phối hợp lập dự án bảo tồn cấp thiết hòn Vọng Phu, chống sét đánh vào di tích; giao Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa xây dựng dự án tổng thể bảo tồn, phát huy Cụm di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng núi An Hoạch; tiếp tục khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng làm cơ sở cho việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích, danh thắng.
Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa nhấn mạnh: Di tích núi Nhồi, hòn Vọng Phu hiện trong tình trạng nguy cấp nên cần bảo tồn ngay bằng dự án cấp bách, tổng thể nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản, tài nguyên nhân văn tiềm tàng ở thành phố Thanh Hóa.