Câu chuyện của chị H. dễ gặp trong xã hội hiện đại ngày nay, khi tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" còn ăn vào gốc rễ và các phương tiện hỗ trợ lựa chọn giới tính khi sinh ngày càng phát triển.
Áp lực phải có con con trai nối dõi
Nằm ở vùng quê chiêm trũng, đồng bằng bắc bộ, bấy lâu nay, chị H. thấm nhuần tư tưởng gia đình cần phải có con trai. Nhà chị, người mẹ tảo tần cũng phải sinh tới người con thứ 4 mới có được cậu út, cả nhà "cưng" như trứng mỏng.
Tốt nghiệp sư phạm, về quê làm giáo viên, chị H. kết hôn với anh Nguyễn Mạnh Q. - cũng là con trai 1 trong nhà. Áp lực phải sinh con trai đã hiển hiện ngay từ ngày đầu về làm dâu. Nhưng cả 2 lần sinh nở, gia đình chị đều chào đón 2 cô công chúa.
“Chồng mình tuy không nói ra nhưng mình biết anh ấy cũng rất mong có con trai. Còn bố mẹ chồng vẫn khao khát có cháu đích tôn để dòng họ có người nối dõi. Nhưng nếu tiếp tục đẻ tự nhiên, chưa chắc đã có được bé trai”, chị H. nói.
Nhưng với mức lương ít ỏi làm giáo viên của cả 2 vợ chồng, anh chị chỉ đủ nuôi 2 con ăn học, giờ tính tới làm thụ tinh nhân tạo là sức ép lớn.
Chị dâu trưởng họ của chị H., cũng đã phải “bỏ thai” tới 2 lần khi phát hiện sớm giới tính thai nhi là bé gái, chỉ để có có bằng được cậu con trai cho trưởng họ Nguyễn.
Còn người bạn thân của chị H. năm nay đã 42 tuổi, đã có 3 con gái, vẫn tiếp tục phải gánh trên vai nhiệm vụ sinh tiếp lần thứ 4. “Sinh đến khi có được con trai thì thôi, trong khi kinh tế gia đình chị ấy không có đủ khả năng để làm thụ tinh nhân tạo”, chị H. buồn bã kể.
Cũng như nhiều người phụ nữ khác ở vùng đồng bằng bắc bộ phải gánh trên vai trách nhiệm sinh con nối dõi, ngày càng nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp can thiệp để sinh con theo ý muốn, dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Một thập kỷ mất cân bằng giới tính khi sinh
Hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh được ghi nhận ở Việt Nam từ những năm 2004 và tăng nhanh trong những năm sau đó. Năm 2009, Việt Nam ghi nhận ở mức 110,5 bé trai/100 bé gái và tăng lên 111,5 bé trai /100 bé gái vào năm 2019, cao hơn mức sinh học tự nhiên là 105-106 bé trai/100 bé gái.
Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, cho hay, Việt Nam hiện là nước có tỷ số giới tính khi sinh cao thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
"Tỷ số giới tính khi sinh bắt đầu tăng vượt mức cân bằng tự nhiên từ năm 2006 và tăng nhanh, đã có thời gian ở ngưỡng rất cao và lan rộng. Hiện tại thì tỷ số giới tính khi sinh của chúng ta đã chuyển sang giai đoạn duy trì ở mức cao và không tăng", ông Hoàng cho hay.
Theo kết quả Điều tra biến độ dân số và Kế hoạch hóa gia đình thời điểm tháng 1/4/2021, Tổng cục Thống kê công bố năm 2022 cho thấy, tỷ suất tái sinh (NRR) của Việt Nam đạt 0,97 con gái/phụ nữ; NRR của khu vực thành thị là 0,85 con gái/phụ nữ và của khu vực nông thôn là 1,02 con gái/phụ nữ.
Như vậy, khu vực thành thị đang xảy ra tình trạng thiếu hụt số bé gái để thay thế người mẹ của mình thực hiện nhiệm vụ tái sinh sản trong tương lai.
Cũng theo điều tra này, tỷ số giới tính khi sinh (SRB) của khu vực thành thị thấp hơn nông thôn, tương ứng là 110,8 và 111,8 bé trai/100 bé gái. SRB giữa các vùng có sự chênh lệch đáng kể, SRB cao nhất ở đồng bằng sông Hồng (115,5 bé trai/100 bé gái) và thấp nhất ở đồng bằng sông Cửu Long (106,9 bé trai/100 bé gái).
Sự khác biệt của SRB giữa khu vực thành thị và nông thôn thuộc đồng bằng sông Hồng cũng cao nhất cả nước.
Tỷ số giới tính khi sinh (SRB) của trung du và miền núi phía bắc năm 2009 là 108,5 bé trai/100 bé gái, tăng lên 114,2 bé trai/100 bé gái năm 2019. SRB của đồng bằng sông Hồng năm 2009 là 115,3 bé trai/100 bé gái, tăng nhẹ lên 115,5 bé trai/100 bé gái năm 2019.
Theo kết quả điều tra dân số năm 2019-2020, mong muốn sinh con trai cao nhất thuộc về đồng bằng sông Hồng (24,2%) và thấp nhất là Đông Nam Bộ (12,7%). Phụ nữ ở vùng đồng bằng sông Hồng vẫn phải chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề bởi các định kiến về giới hơn phụ nữ ở các vùng khác, điều đó khiến họ mong muốn sinh được con trai nhiều hơn.
Tăng cường truyền thông sức khoẻ sinh sản cho giới trẻ. |
Những hệ lụy liên quan tới định kiến giới
Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng cho biết, từ năm 2009 đến nay, mặc dù đã có nhiều cảnh báo về hệ lụy của sự mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng tình trạng này dường như chưa được khắc phục nhiều.
Mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ trong tương lai, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của cá nhân, gia đình, dòng tộc mà còn ảnh hưởng tiêu cực đối với dân tộc và sự phát triển bền vững của đất nước.
Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam tiếp tục gia tăng và không được kiểm soát sẽ để lại những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị… Tác động chính của hiện tượng mất cân bằng giới tính sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân.
Nếu dự báo trở thành hiện thực, số nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa vào năm 2034 là 1,5 triệu người, năm 2059 là 1,8 triệu người thì đàn ông phải sống độc thân sẽ bị thay đổi các mối quan hệ và tình dục; buôn bán người, xuất cảnh để kết hôn và tăng tốc độ già hóa dân số.
Về chuẩn mực xã hội, vị thế và vai trò của người phụ nữ ngày càng bị hạ thấp, thậm chí phụ nữ còn trở thành hàng hóa của nạn buôn bán người và mại dâm.
Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng
Các nhà khoa học xã hội đã chỉ ra, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng "trọng nam, khinh nữ" ở Việt Nam. Đó là do phong tục về việc mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên cũng như đánh giá thấp giá trị của nữ giới trong gia đình và xã hội tại mỗi vùng, miền.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận các dịch vụ y tế dễ dàng hơn trong lựa chọn giới tính thai nhi khi mang thai hoặc chuẩn đoán giới tính thai nhi dẫn tới nạo phá thai vì lý do lựa chọn giới tính,…
Thực trạng đáng quan ngại trên đòi hỏi Chính phủ cần các cần các biện pháp quyết liệt hơn nữa nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.