Quảng Bình đã hỗ trợ phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.
Chăn nuôi tuần hoàn, canh tác lúa cải tiến
Chăn nuôi tuần hoàn được hiểu là hoạt động sản xuất với chu trình khép kín, ứng dụng kỹ thuật truyền thống và những tiến bộ khoa học để xử lý phụ phẩm, chất thải trong quá trình chăn nuôi thành giá trị hữu ích, góp phần bảo vệ môi trường. Một trong những người đi tiên phong phát triển chăn nuôi tuần hoàn ở Quảng Bình là anh Nguyễn Văn Hoàng ở xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh.
Trang trại của anh Hoàng có diện tích hơn 2 ha được xây dựng giữa cánh đồng thấp trũng của xã nên phải mất khá nhiều công sức kiến tạo để hình thành nên hệ thống chuồng trại kiên cố. Ðiều đáng nói là, ở nơi thường xuyên bị ngập lụt nên chuồng trại mà anh Hoàng thiết kế có gác trên cao để di chuyển gia cầm lên trong những ngày nước lũ dâng mà không phải di dời đến khu vực khác. Quanh các hồ nuôi cá, anh cũng cho rào lưới sắt để phòng khi mưa lũ, thủy sản không bị nước cuốn đi.
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, anh Hoàng giới thiệu đang đầu tư nuôi 1.700 con gà ri, 28 con bò cái lai và ao nuôi cá nước ngọt theo mô hình chăn nuôi tuần hoàn. Khác với phương pháp chăn nuôi truyền thống, chăn nuôi tuần hoàn ứng dụng đồng thời các biện pháp kỹ thuật để tổ chức sản xuất theo một chu trình khép kín.
Cụ thể, trang trại trồng cỏ VA06 để làm thức ăn cho bò và các loại cá; một phần phân bò được ủ hoai mục sử dụng làm chất nền, thức ăn nuôi giun quế; giun quế sau đó được sử dụng làm thức ăn bổ sung cho gà và cá; phân bò còn lại cùng với phân gà ủ hoai và phân giun quế đưa bón cho cỏ VA06. Trong quá trình sản xuất, các chất thải được xử lý và sử dụng triệt để, hạn chế phát tán ra môi trường, đồng thời làm giảm chi phí thức ăn chăn nuôi, nâng cao được hiệu quả sản xuất, góp phần bảo vệ sức khỏe con người.
Khi thực hiện mô hình, trang trại được Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình hỗ trợ một phần kinh phí mua giống gà, cá và giun quế, hướng dẫn kỹ thuật cho từng loại cây trồng, vật nuôi theo chu trình khép kín để bảo đảm năng suất và hiệu quả. Nhờ kết hợp thức ăn xanh (cỏ), thức ăn giàu đạm (giun quế) và thức ăn công nghiệp, lại có môi trường sống rộng rãi, sạch sẽ nên đàn vật nuôi tăng nhanh về trọng lượng, bảo đảm chất lượng thịt. Bình quân khoảng 3,5 tháng, anh xuất một lứa gà thịt và thương lái thu mua ngay tại trại. Các loại cá thịt cũng liên tục được gối vụ, kể cả trong thời điểm hiện nay Quảng Bình đang bước vào mùa mưa lũ.
Mô hình vườn-ao-chuồng được coi là hình thức nông nghiệp tuần hoàn đơn giản nhất, gắn kết trồng trọt với chăn nuôi, hạn chế chất thải, thuận theo tự nhiên và hoàn toàn phù hợp các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn. Ở Quảng Bình, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình vườn-ao-chuồng-biogas, vườn-ao-chuồng-rừng, vườn-ao-hồ... được cải tiến phù hợp trình độ phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như điều kiện sinh thái của từng địa phương. Các mô hình nông nghiệp này vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa giúp giảm phát thải khí nhà kính.
Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình
Bên cạnh đó, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, nhiều năm nay, nông dân đã thực hiện kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) là tiến bộ kỹ thuật được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận từ năm 2007. Quá trình thực hiện cho thấy, hệ thống canh tác cải tiến SRI được người trồng lúa đón nhận, bởi đây là kỹ thuật sản xuất lúa gạo tiên tiến, thân thiện với môi trường, giảm lượng nước tưới, giống, phân bón, thuốc trừ dịch hại và công lao động đến 40-50%; đồng thời giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính so với phương pháp sản xuất lúa truyền thống.
Gần đây, ở Quảng Bình có thêm mô hình “lúa-tôm”, “lúa-cá” được thực hiện ở các vùng trũng, thường xuyên ngập lụt của các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy và Quảng Trạch. Trong mô hình này, khi nuôi tôm hoặc cá trong ruộng lúa, phân của tôm, cá và thức ăn còn dư của chúng làm phân bón bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa. Ngược lại, khi gặt lúa xong, nông dân thả tôm, cá vào ruộng, gốc rạ và phù du trong ruộng trở thành nguồn thức ăn cho các loại thủy sản.
Với mô hình luân canh này, hầu như cây trồng, vật nuôi không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, tạo ra sản phẩm sạch và bảo vệ môi trường. Mô hình “lúa-tôm”, “lúa-cá” được thực hiện rộng rãi ở Quảng Bình làm giảm dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm an toàn và nhất là giúp nông dân nâng cao thu nhập gấp 5-7 lần trên cùng một đơn vị diện tích so với chỉ trồng lúa.
Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, ở nước ta, lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc. Lúa gạo là mặt hàng nông nghiệp quan trọng của Việt Nam nhưng lại chiếm tới 48% lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí thải mê-tan, tương đương với lượng phát thải khoảng 49,6 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm.
Trước thực trạng đó, những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã phối hợp, hỗ trợ các địa phương triển khai một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật từ đó để nhân rộng nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Ở Quảng Bình, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động về giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030 với các mục tiêu cụ thể để đóng góp vào mục tiêu chung của cả nước là giảm ít nhất 30% so với mức phát thải năm 2020. Tỉnh cũng ban hành đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030; kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030.
Với mục tiêu đó, thời gian qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân ở Quảng Bình đã thực hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, công nghệ cao... bước đầu mang lại hiệu quả và sản phẩm trở thành xu hướng được xã hội cũng như thị trường đón nhận. Tuy nhiên, do nhận thức của người dân, chủ doanh nghiệp về nông nghiệp giảm phát thải, nông nghiệp tuần hoàn chưa đầy đủ, Nhà nước còn thiếu chính sách hỗ trợ tài chính, đất đai nên ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực mới này.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Minh Lịnh, để giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính, đất đai, nguồn lực để phát triển nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính; đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, đề xuất quy trình, quy chuẩn phù hợp từng đối tượng, lĩnh vực, vùng miền. Các địa phương, doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và người sản xuất nông nghiệp, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tạo chuỗi tuần hoàn.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình Trần Thanh Hải cho biết, thời gian tới, nhằm tạo sự hứng thú, động viên và hướng dẫn doanh nghiệp, hộ nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, chính quyền các cấp và ngành nông nghiệp phải hỗ trợ, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp, hộ nông dân tham gia vào mô hình này.
Ðồng thời, Quảng Bình cần có chính sách khuyến khích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn nhằm nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm; giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe của con người.