Là một trong số 1.251 người có uy tín tiêu biểu tại Điện Biên, ông Lường Văn Dọn ở đội Hua Pe, xã Thanh Luông huyện Điện Biên là một trong những điển hình tiên tiến của tỉnh được tôn vinh tại chương trình “Điểm tựa bản làng” toàn quốc năm 2024. Bước sang tuổi 72, ông Dọn vẫn nhiệt tình tham gia mọi công việc ở khu dân cư; tận tình giúp đỡ bà con nhân dân trong mọi việc bởi ông luôn tâm niệm: “Muốn nói để dân tin, dân làm theo thì mình phải có kiến thức, kinh nghiệm, khéo léo trong việc tập hợp, vận động quần chúng nhân dân tham gia mọi mặt của đời sống xã hội. Gia đình và người thân phải chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, hương ước, quy ước của đội”.
Ông Dọn cho biết: Đội Hua Pe có 31 hộ, 121 nhân khẩu; 100% gia đình ở đội Hua Pe là người dân tộc Khơ Mú. Trước năm 2020, đời sống của bà con trong đội còn nhiều khó khăn; có thời cả đội đều là hộ nghèo, khó khăn nhất xã. Với mong muốn giúp các gia đình từng bước thoát nghèo ông Dọn thường xuyên phối hợp với các chi hội, đoàn thể vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất, cải thiện đời sống. Đến nay, số hộ nghèo của Đội giảm từ 12 hộ (năm 2023) xuống còn 3 hộ (năm 2024); thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/năm; toàn đội không còn nhà tạm, nhà dột nát; an ninh trật tự trong đội được đảm bảo, không có tình trạng trộm cắp vặt; người dân thực hiện nếp sống mới, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, không còn hủ tục trong cộng đồng.
Ghi nhận đóng góp của ông Lường Văn Dọn, ông Vũ Văn Công, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, cho biết: Theo Quyết định số 2068/QĐ-UBND ngày 15/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên thì năm 2024 toàn tỉnh có 1.251 người có uy tín. Trong đó, dân tộc H’Mông 554 người; dân tộc Thái 531 người; dân tộc Khơ Mú 63 người; dân tộc Hà Nhì 24 người; dân tộc Dao 18 người; dân tộc Lào 18 người; dân tộc Kháng 12 người; dân tộc Hoa 7 người; dân tộc Kinh 7 người; dân tộc Xinh Mun 6 người; dân tộc Cống 1 người; dân tộc Nùng 2 người; dân tộc Sán Chay 1 người; dân tộc Mường 1 người; dân tộc Si La 1 người; dân tộc Thổ 1 người; dân tộc Tày 1 người. Trong số người có uy tín được công nhận, có 287 người là già làng; 125 người là trưởng dòng họ; trưởng thôn, bản và tương đương 134 người…
Ông Thùng Văn Đôi, người có uy tín ở bản Nà Ín, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ truyền dạy cho các cháu học sinh cách chơi Tính Tẩu - một trong những nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở Chà Nưa. |
Để động viên, chăm lo đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng bản trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, các cấp, các ngành và ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong tỉnh Điện Biên luôn thực hiện đúng chế độ, chính sách; đồng thời thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt nguyện vọng người có uy tín, trưởng bản. Từ năm 2021-2023 tỉnh Điện Biên đã dành 15,6 tỷ đồng tổ chức 7 hội nghị biểu dương, tôn vinh người có uy tín; biểu dương, tôn vinh 25 người có uy tín điển hình tiên tiến. Đồng thời tổ chức 40 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, cung cấp thông tin, tài liệu cho 2.410 lượt người có uy tín; đưa 744 lượt người có uy tín đi học tập kinh nghiệm; tổ chức 28 hội nghị gặp mặt, tọa đàm với 1.602 lượt người có uy tín.
Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền, đoàn thể trong toàn tỉnh, đội ngũ người có uy tín, trưởng bản, trưởng dòng họ trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Điện Biên đã đóng góp tích cực trong mọi hoạt động, công tác. Ông Giàng A Dình, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Trên lĩnh vực truyên truyền, vận động nhờ có sự tham gia của người có uy tín quần chúng nhân dân đã nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, không di dịch cư tự do. Trong phát triển kinh tế, người có uy tín luôn gương mẫu, đi đầu chấp hành pháp luật, áp dụng các mô hình kinh tế có hiệu quả; hướng dẫn và giúp đỡ các hộ gia đình khác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đồng thời là người động viên con cháu, người thân trong dòng họ, đồng bào trong bản, xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Ông Lỳ Xuyến Phù, người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng dân tộc Hà Nhì ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé đang cùng bộ đội biên phòng thăm hỏi, nắm bắt tâm tư người dân tại địa bàn. |
Đặc biệt, đối với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, vai trò này càng được biểu hiện rõ trên thực tế, cụ thể: Vận động nhân dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, góp phần huy động hiệu quả các nguồn lực từ người dân để xây dựng các công trình phúc lợi, công cộng như trường học, lớp học, nhà văn hóa, các công trình kênh mương, đập thủy lợi, sửa chữa nâng cấp các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã...
Tiêu biểu như ông Cứ Chừ Tú, dân tộc H’Mông ở xã Noong U, huyện Điện Biên Đông; ông Chảo Khò Tư dân tộc Hà Nhì, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé đã có rất nhiều thành tích trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bằng kiến thức và kinh nghiệm sống, người có uy tín đã vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp; xóa bỏ hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan. Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc đã được người có uy tín lưu giữ và phát huy. Điển hình như: Lễ hội Tết hoa thuộc về đồng bào dân tộc Cống các bản Púng Bon, Huổi Moi (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên) và bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé; bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ...
Bằng vào uy tín, việc làm cụ thể người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Điện Biên đã trở thành cánh tay đắc lực, là điểm tựa của dân làng. Đóng góp của người có uy tín góp phần giúp nhân dân Điện Biên không nghe theo luận điệu sai trái, giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ vững chức biên cương của Tổ quốc.