Nhận thức về bình đẳng giới của cán bộ, nhân dân ngày càng chuyển biến tích cực

NDO - Sau 17 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, hệ thống pháp luật về bình đẳng giới của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp thực tiễn và xu thế hội nhập quốc tế. Đồng thời, công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được quan tâm nhiều hơn. Nhận thức về bình đẳng giới trong cán bộ, nhân dân ngày càng chuyển biến tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
“Chuyến bay màu hồng - HeForShe” cùng thông điệp của Vietnam Airlines về sự đa dạng và bình đẳng giới. (Ảnh: VNA)
“Chuyến bay màu hồng - HeForShe” cùng thông điệp của Vietnam Airlines về sự đa dạng và bình đẳng giới. (Ảnh: VNA)

Ngày 5/11, tại thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2024.

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam; đại diện Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 27 tỉnh, thành phố trong cả nước; đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh Đắk Lắk.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, Việt Nam là một trong số các quốc gia có khung pháp luật và chính sách khá toàn diện để thúc đẩy bình đẳng giới trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nhận thức về bình đẳng giới của cán bộ, nhân dân ngày càng chuyển biến tích cực ảnh 1

Các đại biểu dự hội nghị tập huấn. (Ảnh Molisa)

Sau 17 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Hệ thống pháp luật về bình đẳng giới ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp thực tiễn và xu thế hội nhập quốc tế. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được quan tâm. Nhận thức về bình đẳng giới trong cán bộ, nhân dân ngày càng chuyển biến tích cực.

Mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng được gắn kết, củng cố. Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 tăng 15 bậc so với năm 2021, tăng 11 bậc so với năm 2022 và đứng vị trí thứ 72/146 quốc gia. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 là 30,26%, tăng 3,58% so với nhiệm kỳ 2016-2021. Những con số được ghi nhận là động lực để Việt Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 tăng 15 bậc so với năm 2021, tăng 11 bậc so với năm 2022 và đứng vị trí thứ 72/146 quốc gia. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 là 30,26%, tăng 3,58% so với nhiệm kỳ 2016-2021

Tuy nhiên, việc thực hiện bình đẳng giới vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Đó là: Định kiến giới vẫn tồn tại trong xã hội; bộ máy làm công tác bình đẳng giới còn thiếu; vẫn còn những bất cập trong hệ thống chính sách, pháp luật và việc thi hành chính sách về công tác bình đẳng giới… Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc tồn tại các khoảng cách giới, đòi hỏi các giải pháp thiết thực nhằm bảo đảm cơ hội tham gia, đóng góp và thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đã đề ra mục tiêu “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”.

Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của công tác lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, năm 2024, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hai khóa tập huấn về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Ngoài kiến thức, kỹ năng được các chuyên gia truyền tải, các chương trình này cũng là dịp để đại biểu trao đổi, chia sẻ những sáng kiến, cách làm hay cũng như khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các bộ, ngành, địa phương.

Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 của Việt Nam cho thấy, 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2025; 3/20 chỉ tiêu đạt một phần so với mục tiêu đề ra đến năm 2030, trong đó có 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022.

Trong năm 2023, số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả lương của phụ nữ bằng 1,78 lần so với nam giới, tiệm cận mục tiêu đề ra đến năm 2025 là 1,7 lần. Chỉ số bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022.