Dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng ở Pháp

NDO -

Ngày 8-10, Pháp ghi nhận 18.129 ca nhiễm mới, mức cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp.

Sơ đồ dịch lây lan tại các vùng ở Pháp. Có 8 vùng và khu đô thị đã ở mức "báo động tối đa - màu đỏ sẫm" và nhiều thành phố khác đang ở ngưỡng "báo động tăng cường - màu đỏ." Nguồn: Le Parisien.
Sơ đồ dịch lây lan tại các vùng ở Pháp. Có 8 vùng và khu đô thị đã ở mức "báo động tối đa - màu đỏ sẫm" và nhiều thành phố khác đang ở ngưỡng "báo động tăng cường - màu đỏ." Nguồn: Le Parisien.

Do dịch lây lan quá nhanh, Chính phủ Pháp thông báo việc bổ sung bốn thành phố khác vào danh sách "báo động tối đa" kể từ ngày 10-10, xem xét khả năng cách ly theo khu vực, đồng thời mở rộng phạm vi hỗ trợ những doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh.

Trong cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh chiều 8-10, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho biết tình hình đã trở nên nghiêm trọng tại bốn thành phố gồm Lille, Lyon, Grenoble và Saint-Etienne thuộc miền bắc và trung trong mấy ngày gần đây.

Vì vậy, những thành phố nay sẽ chính thức được đưa vào danh sách "vùng báo động tối đa" từ ngày 10-10, đồng thời phải thực hiện một số biện pháp hạn chế như đóng cửa quán bar. 

Theo quy định về kiểm soát lây nhiễm ở Pháp, mức độ "báo động tối đa" được đưa ra đối với một thành phố hay khu vực khi có trên 250 ca nhiễm mới/100 nghìn dân và hơn 30% giường chăm sóc đặc biệt dành cho bệnh nhân Covid-19.

Như vậy chỉ trong vòng ba tuần, có tới bảy vùng và thành phố đã bị xếp vào danh sách "báo động tối đa," cho thấy dịch đang lây lan rất nhanh ở Pháp. 

Tại vùng thủ đô Ile-de-France, "kế hoạch trắng" đã được kích hoạt do số bệnh nhân Covid-19 đã chiếm tới 40% giường hồi sức cấp cứu và được dự báo lên tới 50% trong hai tuần tới.

Giám đốc Cơ quan Y tế vùng, ông Aurélien Rousseau, đã đề nghị các bệnh viện tư và công triển khai ngay kế hoạch này, đồng thời huy động nhân lực để ứng phó "đợt thủy triều rất mạnh của bệnh nhân Covid-19" vào đúng thời điểm có nhiều bệnh nhân cúm mùa. 

Do tình tình dịch bẹnh diễn biến ngày càng xấu, ngày 7-10, Tổng thống Pháp đã đề cập đến việc triển khai các biện pháp hạn chế ở những nơi có sự lây lan quá nhanh của virus corona và số người bệnh nhân vào khu cấp cứu tăng liên tục.

Cùng với việc thông báo về xu hướng lây quá nhanh của dịch bệnh tại 4 khu đô thị trên, Bộ trưởng Y tế Pháp cũng cho biết hai thành phố khác gồm Toulouse và Montpellier ở phía nam hiện đang ở trong tình trạng "rất đáng lo ngại" và có nguy cơ vào danh sách báo động từ đầu tuần tới. 

Cùng ngày, một ổ dịch lớn được ghi nhận tại Trường ĐH Thương mại Audencia ở TP Nantes thuộc vùng Pays de la Loire phía tây. Cơ quan Y tế vùng cho biết trong tổng số 1013 sinh viên được xét nghiệm, có tới 212 sinh viên dương tính với Covid-19.

Nguồn lây lan là do sinh viên năm thứ nhất và hai đã tham gia các buổi giao lưu từ giữa tháng 9. Vì vậy toàn bộ 1.500 sinh viên năm thứ nhất và hai đã được nghỉ và học từ xa.    

Diễn biến phức tạp của bệnh dịch tác động ngày càng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất và kinh doanh, nhất là ngành dịch vụ. Trước tình hình đó, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho biết quỹ hỗ trợ của Nhà nước sẽ được mở rộng cho những doanh nghiệp có tối đa 50 nhân viên so với 20 nhân viên theo quy định hiện nay.

Bên cạnh đó, bất kỳ doanh nghiệp nào bị mất 70% doanh thu do khủng hoảng dịch bệnh có thể nhận hỗ trợ từ Nhà nước, thay vì 80% như trước.  

Như vậy Chính phủ Pháp đã quyết định dành sự hỗ trợ tài chính cho nhiều ngành nghề kinh doanh khác như thuê xe ô-tô, bán sách, sản xuất gan ngỗng, quảng cáo, bảo hiểm, truyền thông...

Trong mấy tháng hè vừa qua, khoảng 150 nghìn doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực du lịch, văn hóa và thể thao đã nhận được sự hỗ trợ và sẽ có thêm 75 nghìn doanh nghiệp trong các lĩnh vực mới được công bố.

Kể từ khi dịch Covid-19 xuất bùng phát, Pháp đã chi hơn 6 tỷ euro để hỗ trợ khoảng 1,7 triệu doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho biết chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp bảo vệ và giúp người lao động cũng như doanh nghiệp chừng nào cuộc khủng hoảng dịch bệnh chưa qua. 

Dịch không chỉ lây lan rộng ở Pháp mà cả một số nước châu Âu, khiến cho hoạt động của ngành hàng không thêm đình trệ. Tổng Giám đốc Cơ quan quản lý các sân bay khu vực Paris, ông Augustin de Romanet cho biết lưu lượng hoạt động của các chuyến bay quốc tế hiện chỉ ở mức 12% so với bình thường.

Nếu không có các giải pháp để giúp hành khách yên tâm bay như xét nghiệm tại sân bay, hàng trăm nghìn việc làm sẽ mất trong vòng 2-3 tháng nữa. 

Về vấn đề xét nghiệm, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) vừa thông báo về hiệu quả của phương pháp lấy mẫu xét nghiệm bằng nước bọt (EasyCov).

Loại xét nghiệm này có độ chính xác từ 70-90%, ít tốn kém, cho kết quả trong vòng 40 phút và dễ chịu hơn phương pháp lấy mẫu trong khoang mũi.

Nhà nghiên cứu Franck Molina của CNRS cho biết loại xét nghiệm chẩn đoán này đã phát hiện 87% trường hợp dương tính trong tổng số 220 người đến khám tại Bệnh viện Montpellier và hiệu quả với cả những người không có triệu chứng.

EasyCov gọn nhẹ, dễ sử dụng do vậy rất phù hợp ở những nơi cần kiểm tra nhanh như sân bay hay trường học và cho phép can thiệp sớm để kiểm soát sự lây lan.

Dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường