Thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Pháp, ngày 17/5, tại thủ đô Paris, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương và Bộ trưởng Ngoại thương, Thu hút nước ngoài, Pháp ngữ và người Pháp ở nước ngoài Franck Riester đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 8 Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế Việt Nam-Pháp.
Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp tiếp tục có những bước phát triển mạnh trong nhiều lĩnh vực, như chính trị-đối ngoại, an ninh-quốc phòng, thương mại đầu tư, văn hóa-giáo dục-khoa học…
Kỳ họp lần này được tổ chức sau nhiều cuộc gặp gỡ, điện đàm trong năm 2023 giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, là cơ hội để hai bên trao đổi sâu về chiến lược, chính sách kinh tế liên quan, những vấn đề về quan hệ đa phương, song phương, trong đó có các chương trình, dự án hợp tác đầu tư được hai bên đặc biệt quan tâm trong thời gian qua và giai đoạn tới.
Bộ trưởng Franck Riester chào đón Thứ trưởng Trần Quốc Phương tới dự và đồng chủ trì Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế Việt Nam-Pháp lần thứ 8. (ẢNH: KHẢI HOÀN) |
Phát biểu khai mạc đối thoại, Bộ trưởng Franck Riester bày tỏ mong muốn quan hệ kinh tế được tăng cường hơn nữa, để tương xứng quan hệ chính trị tốt đẹp Pháp-Việt Nam. Tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế có vai trò rất quan trọng, nhằm giải quyết những vấn đề chung, trong bối cảnh hai nước cùng có mối quan tâm và đối mặt những thách thức của tiến trình chuyển đổi năng lượng và kỹ thuật số, cũng là những thách thức toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Franck Riester, Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế Việt-Pháp 2024 nhằm cụ thể hóa những nội dung được thống nhất trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 10/2023. Trên tinh thần đó, Pháp sẵn sàng sát cánh cùng Việt Nam để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng trong đổi mới kinh tế, chống biến đổi khí hậu...
Thương mại Việt Nam-Pháp đã tăng hơn gấp đôi sau 10 năm, đạt 7,6 tỷ euro vào năm 2023. Đầu tư cũng đã tăng đáng kể trong những năm gần đây. Với những kết quả tích cực đó, hai nước cần tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, nhất là trong những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm và có thế mạnh, như giao thông, năng lượng, giảm thiểu carbon, khai thác kim loại và khoáng sản quan trọng, đổi mới và nông nghiệp bền vững.
Bộ trưởng Franck Riester nhấn mạnh rằng hai bên có rất nhiều việc phải làm và cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để cùng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững hơn.
Tại kỳ họp, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá cao những bước phát triển quan trọng trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam-Pháp thời gian qua, dù tình hình kinh tế thế giới có nhiều chuyển biến phức tạp.
Cụ thể, Pháp tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ 4, nhà đầu tư lớn thứ 2 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU) và dẫn đầu châu Âu về cung cấp ODA, vốn vay ưu đãi cho Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, thực tế cho thấy hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác cần được khai thác và phát triển trên nhiều mặt, đa dạng về hình thức. Các cơ chế hợp tác song phương Việt Nam-Pháp, trong đó có Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế cần được tích cực thúc đẩy nhằm góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp tiếp tục đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với định hướng và điều kiện ở mỗi nước, hướng tới một quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi cho hai nước trong tương lai.
Tham dự Kỳ họp lần này, về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, thành phố Hà Nội và tỉnh Ninh Bình. (ẢNH: MINH DUY) |
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên tăng năng suất và đổi mới, sáng tạo; phát triển kinh tế số, nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức.
Để tiếp tục tạo điều kiện cho việc thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, Việt Nam đang nỗ lực tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh, phù hợp các thông lệ quốc tế.
Tại Kỳ họp lần này, hai bên trao đổi thẳng thắn về chiến lược, chính sách kinh tế liên quan, những vấn đề quan hệ đa phương, song phương, trong đó có các chương trình, dự án hợp tác đầu tư được hai bên đặc biệt quan tâm trong thời gian qua cũng như giai đoạn tới.
Hai bên cũng đã xác định phương hướng ưu tiên hợp tác trong thời gian tới, gồm ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Phía Pháp cam kết hỗ trợ Việt nam đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm trong thời gian tới, nhằm đáp ứng các ưu tiên phát triển của Việt nam.
Trước tình hình kinh tế toàn cầu còn gặp nhiều thách thức và khó khăn, các chương trình cũng như dự án hợp tác của hai bên có thể bị ảnh hưởng ít nhiều về tiến độ thực hiện và giải ngân. Dù vậy, hai bên nhất trí rằng, với quyết tâm của Chính phủ, bộ ngành Việt Nam, cùng sự đồng hành của các tổ chức đối tác bên cạnh Chính phủ Pháp, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp chắc chắn sẽ được tiếp sức, phát huy mạnh hơn so với tiềm năng vốn có.
Đánh giá về kết quả đối thoại, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, phiên họp lần thứ 8 diễn ra thành công. Hai bên đã đề cập các lĩnh vực cùng quan tâm, rà soát lại tất cả kết quả đã đạt được so với kỳ họp lần thứ 7, đánh giá những thành tựu trong quan hệ hợp tác thương mại-đầu tư giữa Việt Nam và Pháp là rất tích cực.
Hai bên cũng nhất trí xúc tiến, thúc đẩy hơn nữa các dự án cùng quan tâm, trong đó chú trọng các lĩnh vực ưu tiên từ cơ sở hạ tầng lớn, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Phía Pháp bày tỏ sự quan tâm tới chuyển đổi năng lượng và các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.
Bà Magali Cesana nhấn mạnh, Pháp mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại với Việt Nam. (ẢNH: MINH DUY) |
Đồng chủ trì cuộc đối thoại, bà Magali Cesana, Vụ trưởng các vấn đề song phương và quốc tế hóa các doanh nghiệp Pháp (Tổng cục Kho bạc, Bộ Kinh tế, Tài chính, Chủ quyền công nghiệp và kỹ thuật số) đánh giá, cuộc đối thoại lần này diễn ra với nội dung đa dạng và phong phú trong tất cả các lĩnh vực hợp tác, như giao thông, năng lượng... Hai bên cũng đề cập các lĩnh vực hợp tác đầu tư mới, như công nghệ số, công nghệ xanh, hay hợp tác truyền thống nông nghiệp.
Bà Magali Cesana cho biết, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) luôn ủng hộ Việt Nam, nhất là trong các dự án phát triển hệ thống tàu điện ngầm tại Hà Nội.
Đoàn Việt Nam làm việc với Cơ quan Phát triển Pháp. (ẢNH: MINH DUY) |
Trước đó, ngày 16/5, Đoàn Việt Nam đã có buổi họp thường niên với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Hai bên trao đổi về các dự án, nhất là các dự án hạ tầng cơ sở sử dụng vốn vay của AFD.
Phía Pháp mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện hơn nữa để các dự án AFD sớm được triển khai. Phía Việt Nam mong muốn AFD phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư thu hút thêm sự hỗ trợ cho các dự án đang có khó khăn về nguồn lực, nhất là các khoản viện trợ không hoàn lại của EU, đồng thời đề nghị đẩy nhanh thủ tục nhận diện các dự án mới được hai bên lựa chọn thời gian qua.