Dịch Covid-19 chuyển sang nhóm B: Người dân chi trả khám, chữa bệnh Covid-19 thế nào?

NDO - Từ ngày 20/10/2023, nhiều chính sách về phòng dịch, khám, chữa bệnh liên quan đến bệnh Covid-19 sẽ thay đổi khi bệnh được công bố chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. 
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện các vụ, cục thuộc Bộ Y tế cung cấp thông tin cho báo chí.
Đại diện các vụ, cục thuộc Bộ Y tế cung cấp thông tin cho báo chí.

Chiều 20/10, Bộ Y tế cung cấp thông tin về Quyết định điều chỉnh bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.

Cơ sở khoa học chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B

Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, số ca mắc Covid-19 đã giảm rất mạnh. Bộ Y tế xem xét các yếu tố về mặt khoa học để chuyển từ nhóm A sang nhóm B.

Theo đó, tính từ đầu năm đến nay, số mắc đã giảm 82 lần so với năm 2022, tỷ lệ chết trên mắc là 0,022, giảm gần 100 lần so với năm 2021. Tác nhân gây bệnh là Sars-Cov-2 đã được khẳng định.

Theo ông Lân, dù Covid-19 chuyển sang nhóm B, nhưng với đặc thù của bệnh covid-19 là virus có thể tiếp tục biến đổi nên việc giám sát đối với Covid-19 không chỉ trên ca bệnh mà giám sát lồng ghép cùng các bệnh đường hô hấp khác như hội chứng cúm, hội chứng viêm đường hô hấp cấp… Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng tiếp tục giám sát các đặc điểm di truyền để theo dõi virus Sars-Cov-2, giải trình tự gene để phát hiện biến thể mới.

Về việc báo cáo số ca nhiễm mới, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tiếp tục duy trì cung cấp thông tin lên hệ thống. Việc báo cáo này để giúp lãnh đạo tổng hợp báo cáo về sự tăng giảm ca nhiễm để triển khai các biện pháp xử trí phù hợp. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đưa ra khuyến cáo, nhận định đánh giá về từng địa phương, từng vùng có nguy cơ để người dân biết tới, chủ động phòng, chống dịch.

Tiếp tục duy trì 2K

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân khuyến cáo, khi Covid-19 chuyển dịch sang nhóm B, công tác phòng bệnh vẫn tiếp tục duy trì. "Chúng tôi khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện thông điệp 2k, đặc biệt khuyến khích đeo khẩu trang ở nơi đông người, ở cơ sở y tế, trên phương tiện công cộng... để vừa phòng Covid-19 và phòng bệnh truyền nhiễm khác".

Bên cạnh đó, đối với người đang mắc Covid-19 cần đeo khẩu trang trong khoảng 10 ngày kể từ ngày khởi phát hoặc từ ngày xét nghiệm dương tính. Người chăm sóc người mắc Covid-19, người tiếp xúc người mắc Covid-19 cũng cần đeo khẩu trang.

Về vấn đề vaccine Covid-19, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch tiêm vaccine trong năm 2023, trong đó khuyến cáo đầy đủ đối với những người chưa đủ mũi tiêm tiếp tục tiêm vaccine Covid-19, đặc biệt ưu tiên tiêm cho các đối tượng như người cao tuổi, người có bệnh nền... "Trong năm 2023, vaccine Covid-19 vẫn được tiêm miễn phí".

Về khuyến cáo tiêm hàng năm, theo ông Lân, hiện tại Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo người dân sau khi tiêm đủ mũi 1 thì 6-12 tháng sau tiêm mũi thứ 2. chưa có khuyến cáo tiêm hàng năm.

Chính sách khám, điều trị Covid-19 sẽ thay đổi

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, dù chuyển Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B nhưng không vì thế Covid-19 nhẹ đi, có trường hợp Covid-19 nặng nên phác đồ điều trị được duy trì theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tháng 6/2023 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn mới nhất, đã cập nhật thêm vấn đề chỉ định điều trị quản lý bệnh nhân đáp ứng tình hình dịch.

Do đó, ông Khoa khuyến cáo Covid-19 vẫn là bệnh truyền nhiễm cần phải lưu ý. Trong cơ sở khám chữa bệnh, mọi người nên duy trì đeo khẩu trang vì ngoài Covid-19 có nhiều tác nhân vi khuẩn, virus.

Về các cơ sở y tế điều trị Covid-19 hiện đang được xem xét giải thể. Bệnh viện dã chiến Covid-19 Hoàng Mai, Hà Nội vừa được Bộ Y tế đánh giá, xem xét đưa cơ sở này hoạt động phục vụ bệnh nhân bình thường. Cơ sở dã chiến 13 tại Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh trước đây được duy trì sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân khi Covid-19 có biến thể. Hiện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đang có hướng báo cáo giải thể bệnh viện sau khi đánh giá lại tình hình Covid-19 trên địa bàn.

Về vấn đề thanh toán khám, chữa bệnh, theo ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, từ ngày 19/10/2023 trở về trước, toàn bộ chi phí khám, điều trị cho người mắc Covid-19 hoàn toàn miễn phí, do ngân sách Nhà nước chi trả. Từ ngày 20/10/2023 khi khám, chữa bệnh Covid-19, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định. Trong trường hợp người bệnh khám trái tuyến, chỉ được hưởng ở mức thấp hơn, thậm chí nếu người dân khám không đúng tuyến mà vượt tuyến lên tuyến tỉnh, tuyến trung ương, quỹ bảo hiểm sẽ không chi trả.

Về điều trị, các loại thuốc được sử dụng sẽ điều trị theo tình trạng lâm sàng của người bệnh. Hiện Việt Nam chưa ghi nhận biến chủng mới nặng hơn biến chủng cũ, nên theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế tháng 6/2023, một số thuốc điều trị đã được điều chỉnh và các cơ sở y tế sẽ tiếp tục thực hiện điều trị theo hướng dẫn này.