Đến năm 2030, đầu tư hạ tầng đường thủy hơn 157.500 tỷ đồng

NDO -

Chiều 10/11, Bộ Giao thông vận tải tổ chức công bố Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 10 vừa qua.

Vận tải thủy có nhiều ưu điểm, chi phí thấp. (Ảnh: Cục Đường thủy nội địa)
Vận tải thủy có nhiều ưu điểm, chi phí thấp. (Ảnh: Cục Đường thủy nội địa)

Đây là quy hoạch ngành quốc gia thứ tư trên tổng số 37 quy hoạch chuyên ngành quốc gia được Chính phủ phê duyệt.

Đầu tư tổng thể, có tầm nhìn xa

Theo ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Đường thủy nội địa Việt Nam, đến năm 2030, theo tính toán trong quy hoạch, nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa dự kiến khoảng 157.533 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước gần 29 nghìn tỷ đồng, tập trung đầu tư luồng tuyến; vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn khác hơn 128.600 tỷ đồng, đầu tư cho cảng bến.

Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đường thủy nội địa phải được quan tâm đầu tư nhằm khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội về lợi thế cạnh tranh của từng vùng và khu vực; bảo đảm tính tổng thể, tầm nhìn xa, chiến lược dài hạn; đầu tư phân kỳ hợp lý giữa các chuyên ngành, các khu vực; góp phần giảm chi phí logistics quốc gia; sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo hướng hiệu quả, từng bước hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đến năm 2030, đầu tư hạ tầng đường thủy hơn 157.500 tỷ đồng -0
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu ý kiến chỉ đạo. (Ảnh: Bộ Giao thông vận tải)

Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhận định, đường thủy nội địa là loại hình trung chuyển giữa đường bộ và hàng hải, gom hàng hóa trên các tuyến sông, giảm tải cho đường sắt, đường bộ, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn. Trong hai năm 2019 - 2020, Bộ tập trung sức lực, trí tuệ lập quy hoạch 5 lĩnh vực giao thông vận tải, là cơ hội tốt để đánh giá tiềm năng và điều chỉnh quy hoạch phù hợp thực tiễn, nhất là tiềm năng từng lĩnh vực.  

Trọng tâm 5 năm tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ cố gắng cụ thể hóa 9 hành lang vận tải để khai thác đường thủy nội địa, gồm tuyến hành lang ven biển (cách bờ 12 km) từ Quảng Ninh đi Cà Mau, khai thác qua Kiên Giang, đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa bắc - nam, giảm tải cho đường bộ và đường sắt. Một con tàu vận chuyển dọc bờ biển, vận tải khối lượng hàng hóa lớn thay thế cho hàng nghìn ôtô.

Ở khu vực phía bắc, Bộ Giao thông vận tải xác định có 4 luồng quan trọng gồm: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai; Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình, Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình. Bộ sẽ huy động vốn xã hội hóa để xây các cảng nội địa kết nối với vận tải đường bộ hàng hóa xuống đường thủy.

Ở miền nam, có 4 hành lang khu vực miền nam (Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh - An Giang - Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu - Tây Ninh - Thành phố Hồ Chí Minh và hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu).

Đầu tư công là “vốn mồi”

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu, tính toán, có cơ chế để lấy vốn đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, trong đó, vốn đầu tư công chỉ nâng tĩnh không cầu, tạo điều kiện cơ chế chính sách giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi để mua sắm phương tiện; khuyến khích hình thành các tổng công ty hay tập đoàn doanh nghiệp đường thủy, với đội tàu hùng hậu để đảm nhiệm “cõng” hàng hóa thay cho đường bộ như hiện nay.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần có sự kết hợp đồng bộ giữa hàng hải và đường thủy nội địa để góp phần giảm tải cho đường bộ. Việc kết nối đường thủy với các phương thức vận tải khác, nhất là cảng biển và đường bộ chưa thuận lợi, nhiều cảng biển không có cầu bến cho phương tiện thủy nội địa làm hàng, rất ít cảng cạn có kết nối với đường thủy nội địa.

Bên cạnh đó, cần rà soát lại, đánh giá xem khu vực nào cần nâng cấp cảng thủy nội địa, bố trí phương tiện bốc xếp container cho phù hợp. Vận tải container là vận tải tiên tiến hiện nay của thế giới, không thể vận  chuyển hàng rời để xuất nhập khẩu được. Từ đó, có cơ chế ưu đãi miễn giảm thuế, tiếp cận vốn, không thu phí hạ tầng cảng biển với phương tiện thủy, giảm chi phí vận tải, logistics.

Đến năm 2030, đầu tư hạ tầng đường thủy hơn 157.500 tỷ đồng -0
 Kênh Chợ Gạo, tuyến vận tải thủy trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh : Cục Đường thủy nội địa)

Theo thống kê, cả nước có 2.360 con sông, kênh, tổng chiều dài khoảng 41.900 km với hơn 120 cửa sông. Tổng chiều dài đường thủy nội địa cả nước đang được quản lý, khai thác 17.253 km (chiếm 41,2% tổng chiều dài sông, kênh). Tuy nhiên. đường thủy mới chủ yếu đảm nhận vận chuyển các mặt hàng giá trị thấp, chưa tham gia sâu vào chuỗi vận tải container ngay trên các tuyến vận tải chính được đánh giá có nhiều tiềm năng lợi thế.

Ông Bùi Thiên Thu nhận định, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần được ưu tiên đầu tư tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhất là tại các vùng có tiềm năng, lợi thế như vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa,…

Đến năm 2030, phấn đấu khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 715 triệu tấn; vận chuyển hành khách đạt khoảng 397 triệu lượt; luân chuyển hàng hóa đạt khoảng 150 tỷ tấn.km; luân chuyển hành khách đạt khoảng 7,7 tỷ khách.km. Tầm nhìn đến năm 2050, sẽ hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa hiện đại, đồng bộ, an toàn, chất lượng dịch vụ vận tải cao, góp phần quan trọng giảm chi phí logistics và là một trong những phương thức vận tải chiếm thị phần vận tải hàng hóa lớn.

Theo quy hoạch, cả nước sẽ có 9 hành lang vận tải thủy, trên hành lang gồm các tuyến vận tải chính và một số tuyến vận tải nhánh. Quy hoạch 55 tuyến vận tải chính trên 140 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 7.300 km; trong đó khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật đạt khoảng 5.000 km.

Miền bắc có 18 tuyến chính trên 49 sông, kênh, chiều dài hơn 3.000 km; miền trung có 11 tuyến chính trên 28 sông, kênh, dài khoảng 1.229 km và miền nam có 26 tuyến chính trên 63 sông, dài hơn 3.000 km.

Ngoài ra, cũng quy hoạch 54 cụm cảng hàng hóa, tổng công suất khoảng 361 triệu tấn; 39 cụm cảng hành khách chính, tổng công suất 53,4 triệu lượt khách. Mỗi cụm cảng hàng hóa, hành khách gồm các cảng thủy nội địa chính và cảng thủy nội địa vệ tinh,...