Đêm diễn thu hút gần 150 đại biểu gồm Đại sứ, Trưởng phái đoàn các quốc gia bên cạnh UNESCO, cùng lãnh đạo các cơ quan, tổ chức của Pháp, các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Paris và các hội đoàn người Việt - Pháp.
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh khẳng định tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện có hiệu quả cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO trong công tác bảo tồn và phát triển Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Thời gian qua, tỉnh dành nhiều nguồn lực để giới thiệu và quảng bá Dân ca Quan họ Bắc Ninh với bạn bè quốc tế.
Nhân dịp này, ông Trịnh Hữu Hùng giới thiệu một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của Việt Nam - tranh dân gian Đông Hồ. Dòng tranh này đã xuất hiện từ lâu đời nhưng phát triển phồn thịnh nhất ở thế kỷ 17 và 18. Hồn quê và phong vị cuộc sống của người dân Bắc Ninh - Kinh Bắc nói riêng và người dân Việt Nam nói chung đều được tái hiện một cách hài hòa, độc đáo và đặc sắc qua từng nội dung, đường nét, sắc màu và cả kỹ thuật sản xuất trong loại hình tranh dân gian này.
Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh giới thiệu tranh dân gian Đông Hồ tới cộng đồng quốc tế. (Ảnh: MINH DUY) |
Nghề làm tranh Đông Hồ là nghề làm tranh khắc gỗ dân gian, được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công và các nguyên liệu từ tự nhiên. Kỹ thuật sản xuất giấy dó, màu vẽ cũng chứa đựng tư duy, lịch sử tìm tòi và nghiên cứu của nhiều thế hệ các nghệ nhân.
Màu xanh được chiết xuất từ lá chàm, màu đỏ từ sỏi son, màu vàng từ hoa hòe kết hợp cùng quả dành dành, màu trắng từ bột sò điệp, màu đen từ tro lá tre pha cùng rơm nếp. Các màu được in theo nguyên tắc màu đỏ in trước, tiếp đến màu xanh, màu trắng, màu vàng, màu đen. Ván nét màu đen in cuối cùng để hoàn thiện bức tranh.
Không rực rỡ, tinh vi như nhiều dòng tranh khắc gỗ của một vài quốc gia châu Á khác, nhưng tranh dân gian Đông Hồ mang dáng vẻ mộc mạc, chân chất, giản dị, khỏe khoắn và tươi sáng.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp, ông Trịnh Hữu Hùng cho biết, trong nỗ lực bảo vệ, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trước nguy cơ bị mai một, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ ngày nay thu hút được sự quan tâm và hỗ trợ của các cấp, các ngành.
Chính phủ Việt Nam đã quyết định trình UNESCO đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách đề cử Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cũng mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế để “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” được UNESCO ghi danh vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại” trong năm 2025.
Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh khẳng định Việt Nam luôn chú trọng công tác bảo vệ di sản. (Ảnh: KHẢI HOÀN) |
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO Nguyễn Thị Vân Anh đã đề cao vai trò của di sản văn hóa phi vật thể trong tăng cường sự đa dạng văn hóa, gắn kết cộng đồng, thúc đẩy hòa bình và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc. Di sản văn hóa phi vật thể còn là một động lực quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các quốc gia.
Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh nhấn mạnh, Việt Nam tự hào có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, trong đó có Dân ca Quan họ Bắc Ninh, mong muốn các nước tiếp tục ủng hộ các hồ sơ đề cử khác của Việt Nam.
Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh cũng khẳng định Việt Nam luôn chú trọng công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững đất nước. Với vai trò thành viên Ủy ban liên chính phủ Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026 và hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban, Việt Nam đã và sẽ tăng cường hợp tác với các quốc gia thành viên và các bên liên quan khác nhằm thúc đẩy việc thực hiện Công ước.
Trong khuôn khổ chương trình, đêm diễn mang tới cho đại biểu quốc tế và khán giả kiều bào xa quê hình ảnh mái chùa, cây đa, bến nước và các làn điệu da diết của Dân ca Quan họ Bắc Ninh, để cộng đồng thế giới hiểu rõ hơn vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc, mảnh đất địa linh nhân kiệt, với truyền thống văn hóa độc đáo tiêu biểu của người Việt.
Một số đại biểu được trực tiếp thực hiện bức tranh dân gian Đông Hồ theo sự hướng dẫn của nghệ nhân. (Ảnh: MINH DUY) |
Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một loại hình nghệ thuật đặc sắc, độc đáo và tiêu biểu trong các loại hình thức diễn xướng dân gian của Việt Nam.
Ngày 30/9/2009, tại kỳ họp của Ủy ban liên Chính phủ theo Công ước 2003 của UNESCO đã vinh danh Dân ca Quan họ Bắc Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hoạt động được các đại biểu mong chờ nhất trong “Đêm Văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc” là trải nghiệm cầm trên tay những vuông giấy dó và trực tiếp thực hiện các công đoạn tạo nên một bức tranh dân gian Đông Hồ, theo sự hướng dẫn của Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Oanh.
Trưởng phái đoàn thường trực Nhật Bản bên cạnh UNESCO, Đại sứ Kano Takehiro bày tỏ: "Sự kiện này rất tuyệt vời. Tôi đã từng có vài lần được tới Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được trực tiếp tự tay mình thực hiện một bức tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng của Việt Nam".
“Tại đất nước Nhật Bản của chúng tôi cũng có một dòng tranh truyền thống với những kỹ thuật tương tự. Quá trình sản xuất giấy dó và tạo màu vẽ của các nghệ nhân Việt Nam rất độc đáo và được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nên chúng ta hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn nghề truyền thống dân gian này”, Đại sứ Kano Takehiro cho biết thêm.
Cầm trên tay tác phẩm “Chăn trâu thổi sáo” vừa tự tay thực hiện, bà Aleksandra Popovic, Đại biện lâm thời Phái đoàn thường trực Cộng hòa Serbia bên cạnh UNESCO, bày tỏ sự thích thú khi tới dự “Đêm Văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc,” trải nghiệm và chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ cùng những người bạn Việt Nam, những nghệ sĩ, nghệ nhân Việt Nam, từ đó càng hiểu và thêm yêu hơn đất nước, con người Việt Nam.
Sau chương trình, tất cả đại biểu tham dự đều mang theo về những bức tranh Đông Hồ của Việt Nam cho chính tay mình thực hiện. (Ảnh: MINH DUY) |
Cũng trong dịp này, các đại biểu đã tham quan Triển lãm “Hồ Chí Minh - Khát vọng độc lập dân tộc” tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp. Triển lãm trưng bày những bức ảnh tư liệu lịch sử quý báu về hành trình bôn ba tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch giới thiệu. Năm 1987, UNESCO đã thông qua Nghị quyết số 24C/18.65 tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất.
“Đêm Văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc” để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. (Ảnh: KHẢI HOÀN) |
Chương trình đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế đối với văn hóa và con người Bắc Ninh và với đất nước và dân tộc Việt Nam.