Bộ Giao thông vận tải nhìn nhận, mặc dù nền kinh tế thế giới đã phục hồi nhưng chưa ổn định, vận tải biển vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nguồn hàng vận tải giảm, chi phí đầu vào tăng cao, Bộ Giao thông vận tải hết sức chia sẻ với các khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Trước tình hình đó, ngành giao thông vận tải đã có một số giải pháp kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm hoạt động vận tải được thông suốt, an toàn và hiệu quả, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa nội địa và xuất nhập khẩu.
Phát huy tiềm năng, lợi thế cảng biển
Một trong nhiều vướng mắc mà các doanh nghiệp vận tải, logistics chia sẻ, đề đạt tại Hội nghị là việc xem xét miễn giảm thuế cho doanh nghiệp hàng hải, đường thuỷ nội địa; thực hiện cơ chế bốc dỡ hàng hóa, vùng neo đậu, lai dắt tàu nhằm bảo đảm cho quá trình vận tải đường thủy... Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đề nghị Nhà nước ưu tiên tín dụng phù hợp cho các doanh nghiệp đầu tư phương tiện tàu, tàu container.
Cảng Cái Mép-Thị Vải. |
Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam nêu thực tế, hiện mức vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng mới được hưởng ưu đãi tín dụng đầu tư phương tiện tàu là quá cao, chưa phù hợp. Trong khi thực tế cảng đường thủy nội địa đón tàu đến 20.000 tấn, có giá trị đầu tư chỉ 300-400 tỷ đồng là cao nhất. Từ thực tế này, ông Liêm đề nghị Bộ Giao thông vận tải bổ sung danh mục phương tiện và Nhà nước xem xét ưu tiên tín dụng đầu tư ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư phương tiện tàu.
Đối với tàu container, ông Vũ Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần vận tải và xếp dỡ chia sẻ thực trạng thực trạng Việt Nam có 1.015 tàu vận tải thủy nhưng tàu container lại rất ít, chỉ 48 tàu. Con số này quá ít ỏi trong khi ngành giao thông vận tải lại tự hào khi Việt Nam có 3 cảng nằm trong danh sách 50 cảng container có sản lượng thông quan lớn nhất thế giới.
“Nhà nước cần có chính sách tốt về lãi vay cho doanh nghiệp đầu tư phát triển đội tàu container. Miễn hoặc giảm thuế VAT nhập khẩu tàu container và miễn thuế nhà thầu cho doanh nghiệp khi thực hiện việc thuê, hoặc thuê mua container”, ông Hải đề đạt.
Theo Bộ Giao thông vận tải, phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận tải bằng đường biển. Hệ thống cảng biển Việt Nam đã tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn nhất thế giới, thu hút được 40 hãng tàu lớn trên thế giới vào hoạt động. Việt Nam có 3 cảng nằm trong danh sách 50 cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới. Không những thế, ngành hàng hải cũng có tác động tích cực đến hoạt động du lịch, hàng năm hệ thống cảng biển Việt Nam đón hàng nghìn chuyến tàu khách du lịch quốc tế từ khắp các nước trên thế giới.
Theo thống kê của tờ báo Lloyd’s List (Anh), trong năm 2022, Việt Nam có 3 cảng biển nằm trong nhóm 50 cảng biển có sản lượng container thông qua lớn nhất trên thế giới, đó là Cảng Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 22, Cảng Hải Phòng đứng thứ 28, cảng Cái Mép -Thị Vải đứng thứ 32.
Vận tải hàng hóa năm 2023 đạt 2.344 triệu tấn, tăng 15,4%; luân chuyển hàng hóa đạt 490 tỷ tấn tăng 10,8% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vận chuyển hàng hóa đường thủy 476 triệu tấn (tăng 18,7%) và đường biển 116 triệu tấn (tăng 7,8%).
Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Giao thông vận tải cho rằng: Trong khi vận tải đường bộ đang chiếm ưu thế về chuyển người và hàng hóa thì vận tải đường biển ven bờ, đường thủy nội địa lại chưa được khai thác được một cách hiệu quả. Hiện nay, bất cập là kết cấu đường bộ dù đã cố gắng đầu tư, nhưng thị phần đường bộ chiếm 80% hàng hóa và gần 100% hành khách. Trong khi hệ thống đường thuỷ, hàng hải rất tốt ở cả ba miền thì chưa khai thác hiệu quả.
Do đó, Bộ Giao thông vận tải đặt ra mục tiêu nâng thị phần vận tải hàng hóa trong nước bằng đường biển ven bờ và đường thủy nội địa, trước mắt tối thiểu đạt 50%. Nếu nâng được thị phần này sẽ có cơ hội giảm chi phí vận chuyển, chi phí logistic, tiết kiệm tối đa chi phí bảo trì bảo dưỡng, giảm tai nạn giao thông, giảm số người chết, bị thương.