20 tháng, Thành phố Hồ Chí Minh thu phí cảng biển gần 3.800 tỷ đồng

NDO - Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, sau 20 tháng triển khai Đề án thu phí cảng biển (từ 1/4/2022 đến 15/12/2023), thành phố đã thu được gần 3.800 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày thu gần 7 tỷ đồng. Hệ thống thu phí hiện có trên 68.800 doanh nghiệp đăng ký, bình quân hằng ngày khoảng từ 2.000 đến 3.000 doanh nghiệp khai báo và nộp phí.
0:00 / 0:00
0:00
Đường Nguyễn Thị Định, dẫn vào cảng Cát Lái, thành phố Thủ Đức bị áp lực về cơ sở hạ tầng giao thông.
Đường Nguyễn Thị Định, dẫn vào cảng Cát Lái, thành phố Thủ Đức bị áp lực về cơ sở hạ tầng giao thông.

Thông tin được đưa ra tại hội nghị sơ kết công tác thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Đề án thu phí cảng biển) do Sở Giao thông vận tải Thành phố tổ chức sáng 22/12.

Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả thu phí thực hiện được đạt 3.797 tỷ đồng, đạt trên 92% so với đề án. Nguyên nhân chưa đạt so với đề án do ảnh hưởng tình hình chung của thế giới về kinh tế, nhiều doanh nghiệp giải thể hoặc đang trong giai đoạn hồi phục nên ảnh hưởng trực tiếp đến số thu phí.

Về việc sử dụng nguồn thu, Sở Giao thông vận tải cho biết, trên cơ sở Đề án thu phí, Hội đồng nhân dân Thành phố đã thông qua danh mục các dự án trọng điểm kết nối hạ tầng giao thông khu vực cảng biển gồm 27 công trình được sử dụng từ nguồn thu phí sau khi trừ chi phí phục vụ công tác thu phí được nộp vào ngân sách thành phố.

Trong đó, có 15 dự án được bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách thành phố, với tổng kinh phí 24.000 tỷ đồng (trong đó có 6 dự án đã có chủ trương đầu tư, 9 dự án đã giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư). Song song đó là nhóm các dự án đang đề xuất mới bố trí bổ sung Kế hoạch trung hạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách thành phố, với nguồn vốn 936 tỷ đồng.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: Đã có hơn 66.000 doanh nghiệp đã và đang tham gia quá trình thu phí. Hệ thống thu phí thực hiện tự động, công khai, minh bạch, trơn tru, mỗi ngày thu từ 6 đến 7 tỷ đồng. Nguồn thu được sẽ nộp cho Ngân sách thành phố để đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông, chỉ để lại 1,3% thuê hệ thống phần mềm và chi phí.

Phần lớn các doanh nghiệp cảng đều phối hợp tốt trong việc kiểm soát hàng hóa và hạn chế hàng hóa qua cảng khi có yêu cầu hạn chế của Cảng vụ; phối hợp nhắc nhở người nộp phí chưa thực hiện nghĩa vụ nộp phí theo quy định.

Cụ thể hơn, ông Lâm dẫn chứng nguồn thu phí đã và sẽ đầu tư cho các dự án trọng điểm, như xây dựng Vành đai 2 (đoạn cầu Phú Hữu đến nút giao Bình Thái) có kinh phí 9.047 tỷ đồng và đoạn từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng kinh phí 5.570 tỷ đồng, xây dựng cầu Cát Lái; xây dựng Vành đai 3 đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch, mở rộng đường Đồng Văn Cống…

Hay các dự án kết nối cảng Hiệp Phước-Sài Gòn (huyện Nhà Bè) gồm: Mở rộng trục đường bắc-nam, từ đường Nguyễn Văn Linh-nút giao cầu Bà Chiêm; xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ hoàn chỉnh; duy tu nạo vét luồng Soài Rạp; cầu Thủ Thiêm 4, cầu Phú Xuân 2B, trục đường bắc-nam từ cầu Bà Chiêm đến Khu công nghiệp Hiệp Phước.