Lợi thế từ vị trí đến hạ tầng
Theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu có những thế mạnh về cảng biển mà không một địa phương nào có được. Nằm ở vị trí chiến lược nằm trên trục đường xuyên Á, có hệ thống cảng nước sâu xếp loại đặc biệt của quốc gia, năm 2017, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Nghị quyết số 08 về phát triển cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020, định hướng đến 2025. Trong đó, đưa ra mục tiêu phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành tỉnh mạnh công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng số 54 bến, tổng chiều dài bến khoảng 23 km, tổng diện tích bến là 1.217 ha, cỡ tàu lớn nhất ra vào là tàu container 232.494 DWT (24.188 TEU). Riêng khu vực Cái Mép - Thị Vải có 24/35 bến đang hoạt động. Luồng Cái Mép - Thị Vải dài hơn 50 km, hiện đang nạo vét đạt chuẩn tắc -15,5 m vào đến bến cảng quốc tế Cái Mép - CMIT.
Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) Phạm Anh Tuấn cho biết, hiện nay, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được quy hoạch rạch ròi, trong đó khu bến Cái Mép là cửa ngõ trung chuyển quốc tế; khu bến Thị Vải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng.
Ngoài ra, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn có các khu bến, gồm: Sao Mai - Bến Đình phục vụ dịch vụ dầu khí, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bến cảng khách quốc tế Vũng Tàu phục vụ du lịch; khu bến Long Sơn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, lọc hóa dầu, luyện kim và ngành năng lượng; khu bến sông Dinh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bến cảng Côn Đảo là đầu mối giao lưu với đất liền và phát triển kinh tế - xã hội huyện đảo. Các bến cảng dầu khí ngoài khơi phục vụ các mỏ dầu khí ngoài khơi; các bến phao, khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão.
Tổng Giám đốc Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) Nguyễn Xuân Kỳ cho hay, đến nay, cảng quốc tế Cái Mép được xếp hạng 11 CPPI (tính trung bình tất cả 5 kích cỡ tàu), và thứ 13 (tính trọng số cho kích cỡ tàu phổ biến ở cảng). Thời gian qua, số lượt tàu container trọng tải hơn 80.000 DWT đến CMIT liên tục tăng. Hiện có 34 tuyến vận tải container quốc tế (11 tuyến nội Á; 3 tuyến đi châu Âu; 20 tuyến đi châu Mỹ) vào cảng biển Vũng Tàu.
Cuối tháng 10 vừa qua, Cảng cạn Phú Mỹ tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 (thị xã Phú Mỹ) chính thức đi vào hoạt động. Đây là cảng cạn đầu tiên tại tỉnh này và là cảng cạn thứ 3 ở phía nam. Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình Chính phủ phê duyệt, Cảng cạn Phú Mỹ có năng lực thông qua khoảng 300.000 - 400.000 teus/năm sẽ góp phần nâng tầm vị thế trung chuyển hàng hóa, đóng góp lớn vào kinh tế và giao thông vận tải vùng.
Trên cả nước hiện có 12 cảng cạn, trong đó, Cảng cạn Phú Mỹ là một trong ba cảng cạn của miền nam. Việc sớm đưa cảng vào hoạt động sẽ tạo điều kiện giúp cảng biển khu vực Cái Mép - Thị Vải giải phóng nhanh hàng hóa, tăng khả năng thông quan, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác cảng biển.
Theo thống kê của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, giai đoạn 2014 - 2022, lượng hàng lỏng qua cụm cảng giảm 3,68%, trong khi hàng khô tăng 12,5%, hàng container tăng 23,96%. Tính trung bình, tổng lượng hàng tăng trưởng 13,01%. Đến năm 2020, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 113,23 triệu tấn (trong đó có 7,55 triệu teus); năm 2022 là 106,70 triệu tấn (8,34 triệu teus).
Hoàn thiện mạng lưới, giảm áp lực cho đường bộ
Cục trưởng Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười cho hay, hiện nay, khó khăn lớn nhất mà các cảng biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang gặp phải là việc tỉnh này áp thu phí nạo vét như phí khoáng sản. Các cảng đã nhiều lần kiến nghị tỉnh không thu phí nạo vét, duy tu khu vực cảng bến.
Mặt khác, trên tuyến luồng vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có khúc cua, cần phải cải tạo để tăng năng lực khai thác tuyến luồng. Trong khi đó, nguồn vốn cho duy tu, nạo vét hạn hẹp, chỗ đổ chất nạo vét, thanh thải gặp nhiều khó khăn…
Nói về vướng mắc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Xuân Sang nêu, hiện nay, có hai phương pháp đổ thanh thải là đổ nhấn chìm ngoài biển và đổ lên bờ tận dụng san lấp. Với phương thức thứ hai, đến nay, đã có đơn vị áp dụng được công nghệ trộn chất phụ gia để làm vật liệu san lấp nhưng giá thành hơi cao. Bộ GTVT đang chỉ đạo Cục Hàng hải tiếp tục phối hợp nghiên cứu, hạ giá thành.
Về quy hoạch cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, quy hoạch hiện hữu là kế thừa quy hoạch trước đây. Gần đây, được sự chỉ đạo của Bộ GTVT, CMIT đã tận dụng các kết cấu hạ tầng hiện hữu, tàu 205.000 tấn đã ra vào Cái Mép - Thị Vải làm hàng. Về quy mô, quy hoạch cụm cảng đến 2030, tầm nhìn đến 2050 nhưng theo như quy hoạch hiện nay, tầm nhìn dư địa xa hơn 2050.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam Trần Khánh Hoàng, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã đón những con tàu lớn nhất thế giới sức chở tới 24.000 TEUs và cảng cũng được đầu tư những công nghệ tiên tiến của thế giới, nhưng yếu điểm là còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết các cảng, chưa có những cảng lớn xứng tầm khu vực và quốc tế. Đồng thời, còn thiếu hạ tầng chủ chốt về đường bộ, đường biển, đường sông và đường sắt kết nối với doanh nghiệp, do đó nguồn hàng phục vụ cho cảng biển không đủ nên cần được đầu tư nhanh hơn.
Từ thực tế trên, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng nhận định, hiện nay, khu vực Cái Mép - Thị Vải chiếm 45 - 50% hàng hóa xuất nhập khẩu và chiếm tới 70% tổng lượng hàng container của cả nước. Vì vậy, quy hoạch “hình răng lược” giúp tiết kiệm được chiều dài và có những cầu cảng lớn hơn. Song song đó, cần rà soát, bổ sung các bến thủy nội địa, hạn chế đưa hàng lên bờ trước tình hình quá tải đường bộ đang khá gay gắt. Hiện nay, Bộ GTVT đang nạo vét các tuyến đường thủy nội địa để tận dụng một cách tốt nhất vận tải thủy.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Bộ GTVT đề xuất quy hoạch 101 cảng cạn trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 tại 19 hành lang vận tải ở cả ba khu vực bắc, trung, nam. Cụ thể, đến năm 2030, sẽ ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng cạn trên các hành lang vận tải kết nối với các cửa khẩu cảng biển lớn ở khu vực phía bắc (cảng biển Hải Phòng) và khu vực phía nam (cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu). Trong số 10 dự án cảng cạn được ưu tiên đầu tư giai đoạn này, Bà Rịa - Vũng Tàu có hai dự án cảng cạn gồm Phú Mỹ (Khu công nghiệp Phú Mỹ III) và Phước Hòa (Khu công nghiệp Cái Mép).
Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Thượng Chí cho biết, việc phát triển hệ thống cảng cạn để nhằm tối ưu hóa vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của từng khu vực và các hành lang kinh tế. Đồng thời, kết hợp vừa phát triển cảng cạn gần cảng biển để hỗ trợ trực tiếp, vừa phát triển cảng cạn xa cảng biển gắn liền với các trung tâm phân phối tiêu thụ hàng hóa, các cửa khẩu đường bộ, đường sắt để tổ chức tốt mạng lưới vận tải, thúc đẩy vận tải đa phương thức, giảm chi phí dịch vụ vận tải và logistics.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, về lâu dài, cần đầu tư hoàn thiện cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng trung chuyển quốc tế tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới theo tinh thần Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị. Vừa qua, Chính phủ đã giao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng bốn đề án để phát triển cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với kịch bản, phương án, lộ trình cụ thể. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực đầu tư các tuyến giao thông kết nối như tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường vành đai 4 và đường sắt kết nối với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Đồng thời, tỉnh đang tập trung phát triển các tổ hợp đô thị, dịch vụ, trung tâm logistics, cảng cạn cung cấp dịch vụ vận tải, kho bãi gắn với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải và kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo thống kê của Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ quý III/2023, hàng hóa thông qua các cảng biển ở tỉnh đã có những tín hiệu tích cực trở lại. Trong sáu tháng đầu năm, lượng hàng tàu biển thông qua các cảng biển chỉ đạt 34,1 triệu tấn, bằng 90% so với cùng kỳ. Đến hết quý III/2023, tổng lượng hàng tàu biển thông qua các cảng biển đã đạt hơn 55 triệu tấn, bằng 99% so với cùng kỳ.