Diễn đàn là chuỗi sự kiện gồm 3 hội thảo chuyên đề liên quan các lĩnh vực quản lý đất đai và xác định giá đất; đầu tư công; phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung làm rõ các vấn đề đặt ra từ kết quả kiểm toán và nhận diện những thách thức nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt. Qua đó, tìm giải pháp có tính khả thi cao giúp Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ những nút thắt, khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững.
Phát biểu tại hội thảo chuyên đề 1: Quản lý đất đai và xác định giá đất - Những bất cập từ thực tiễn và qua hoạt động kiểm toán Nhà nước, Phó tổng kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, các vấn đề liên quan quản lý, sử dụng đất đai luôn là những vấn đề nóng có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Từ năm 2017-2021, nguồn thu từ đất đai luôn đóng góp từ 12-14% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Tại nhiều địa phương, số thu từ đất đai chiếm tới hơn 30% ngân sách địa phương và là nguồn vốn chính cho đầu tư công. Đất đai cũng là điều kiện vật chất hàng đầu để thực hiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong phát triển công nghiệp, dịch vụ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc quản lý, sử dụng đất đai thời gian qua còn cho thấy rất nhiều những vấn đề bất cập, hạn chế, vướng mắc, thậm chí sai phạm phải xử lý.
Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai tiếp tục là điểm nóng
Đó là chính sách, pháp luật về đất đai vừa chồng chéo, vừa phức tạp nhưng lại thiếu các quy định, chế tài cụ thể dẫn tới khó khăn trong áp dụng thực tiễn, chưa tạo dựng được một hành lang pháp lý rõ ràng cho công tác quản lý, sử dụng đất đai, nhất là cho phát triển kinh tế.
Hội thảo đã tập trung giải đáp hai vấn đề lớn: Thực trạng công tác quản lý, sử dụng đất đai và định giá đất hiện nay từ chính kết quả kiểm toán và thực tiễn tại các địa phương; xác định, làm rõ những giải pháp chủ yếu để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và trở ngại đã nêu.
Trong đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm và có ý kiến cụ thể về mục tiêu kiểm toán, cách thức tổ chức hoạt động kiểm toán để có thể góp phần giải quyết những vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng đất đai và định giá đất ở nước ta hiện nay.
Các đại biểu tham dự hội thảo chuyên đề 2: "Đầu tư công: Những nút thắt và giải pháp từ góc nhìn của Kiểm toán Nhà nước". |
Trong hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề "Đầu tư công: Những nút thắt và giải pháp từ góc nhìn của Kiểm toán Nhà nước" do Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ chủ trì, các đại biểu thảo luận bàn tròn làm rõ vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm toán các dự án đầu tư công, góp phần làm minh bạch, bền vững nền tài chính quốc gia.
Đồng thời, các đại biểu làm rõ các vướng mắc trong đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công, nguyên nhân dẫn đến các vướng mắc; kiến nghị, đề xuất, trao đổi các bài học, kinh nghiệm quốc tế về quản lý, thực hiện các dự án đầu tư công nhằm giải ngân và hoàn thành đúng tiến độ và vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao trong lĩnh vực này.
Các đại biểu cũng thảo luận về vấn đề giải quyết các vướng mắc, bất cập trong cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan quản lý dự án để góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm toán đầu tư công.
Trong khuôn khổ diễn đàn, Hội thảo chuyên đề 3 về nội dung "Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán Nhà nước" diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Bùi Quốc Dũng và Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc.
Theo thông tin tại hội thảo, sự phát triển của các khu công nghiệp, khu kinh tế thời gian qua đã đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ môi trường, thực hiện định hướng tăng trưởng xanh cũng như thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các đối tác.
Bảo vệ quyền lợi của công nhân, lao động các khu công nghiệp
Các khu công nghiệp, khu chế xuất đã thu hút gần 10.400 dự án đầu tư trong nước và 11.200 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư tương ứng khoảng 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 221,33 tỷ USD.
Về đóng góp cho ngân sách Nhà nước, giai đoạn 1996-2000, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã đóng góp trung bình khoảng 900 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2011-2015 đóng góp khoảng 72,4 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm 12,7% tổng thu ngân sách Nhà nước (không kể dầu thô) và giai đoạn 2016-2020 đóng góp 363.141 tỷ đồng, chiếm 11,7%.
Bên cạnh đó, các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng giải quyết việc làm cho hơn 3,9 triệu lao động trực tiếp, chiếm 8,3% lực lượng lao động của cả nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà quản lý đã chỉ ra nhiều nút thắt hạn chế sự phát triển của các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Cụ thể là vấn đề về quy hoạch; hạ tầng giao thông và kết nối đồng bộ; liên kết vùng; lao động và an sinh xã hội; vấn đề môi trường; ưu đãi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hiệu quả sử dụng đất…, từ đó để xuất các kiến nghị, giải pháp để góp phần tháo gỡ, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho các khu công nghiệp, khu chế xuất.