Tập trung kiểm toán nhiều vấn đề nóng về quản lý chất thải

NDO - Kiểm toán Nhà nước Việt Nam và Ủy ban Kiểm toán Indonesia đã thường xuyên phối hợp tổ chức thành công nhiều hoạt động thiết thực và có ý nghĩa. Đặc biệt là bước đầu duy trì tổ chức các hội thảo chung thường niên về những chủ đề mà hai bên cùng quan tâm, cử chuyên gia và kiểm toán viên tham gia hoạt động kiểm toán thực địa tại hai nước.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Nhiều hoạt động hợp tác

Ngày 11/8 tại Hà Nội, diễn ra Hội thảo chung lần thứ 3 Kiểm toán Nhà nước Việt Nam và Ủy ban Kiểm toán Indonesia về kiểm toán quản lý chất thải. Đây là sự kiện tiếp nối thành công các cuộc hội thảo thường niên đã được hai cơ quan phối hợp tổ chức năm 2021 về chủ đề quản lý đào tạo nguồn nhân lực; hội thảo chung về kiểm toán công tác ứng phó với đại dịch Covid-19 và vai trò của Cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trong phòng, chống tham nhũng.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn cho biết: Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác truyền thống được thiết lập từ năm 1999, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam và Ủy ban kiểm toán Indonesia đã từng bước đưa mối quan hệ giữa hai cơ quan ngày càng trở nên sâu sắc và bền vững với các Bản ghi nhớ về hợp tác kiểm toán được ký kết vào các năm 2011 và 2017.

Trong những năm qua, hai cơ quan đã thường xuyên phối hợp tổ chức thành công nhiều hoạt động thiết thực và có ý nghĩa như trao đổi các đoàn công tác; cử chuyên gia và kiểm toán viên tham gia hoạt động kiểm toán thực địa tại hai nước; chia sẻ thông tin và ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn đa phương. Đặc biệt là bước đầu duy trì tổ chức các hội thảo chung thường niên về những chủ đề mà hai bên cùng quan tâm.

Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đặc biệt đánh giá cao sự ủng hộ và hỗ trợ của Ủy ban Kiểm toán Indonesia trong lĩnh vực kiểm toán môi trường, như hỗ trợ Kiểm toán Nhà nước Việt Nam về kỹ thuật kiểm toán hoạt động và kiểm toán môi trường phục vụ cuộc kiểm toán Công tác quản lý môi trường đối với các Khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh (năm 2018); cử chuyên gia hỗ trợ đào tạo kiểm toán viên một số SAI trong Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) tham gia cuộc kiểm toán hợp tác do Kiểm toán Việt Nam chủ trì về chủ đề quản lý nguồn nước lưu vực sông Mekong gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (năm 2020-2021).

Chia sẻ tại hội thảo, bà Isma Yatun, Chủ tịch Ủy ban kiểm toán Indonesia cho biết, kiểm toán môi trường đóng vai trò rất quan trọng đối với Việt Nam và Indonesia vì trong quá trình phát triển của nền kinh tế đã nảy sinh những khó khăn mang tầm quốc gia và sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực công nghiệp.

Thách thức liên quan phát thải và ảnh hưởng đến môi trường đã trở thành vấn đề quan trọng vì Việt Nam và Indonesia đang tiến tới phát triển kinh tế bền vững. Tại Indonesia, vấn đề quản lý chất thải được ưu tiên hàng đầu nằm trong kế hoạch phát triển trung hạn tiến tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Vì vậy, tại Indonesia đã triển khai nhiều cuộc kiểm toán khác nhau liên quan quản lý chất thải. Ủy ban kiểm toán Indonesia mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong vấn đề này và sẽ chia sẻ kinh nghiệm, bài học rút ra được thông qua các cuộc kiểm toán đã thực hiện.

Trao đổi kinh nghiệm về kiểm toán môi trường

Ông Lê Tùng Lâm, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III cho biết, tại Việt Nam, bảo vệ môi trường luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, thể hiện qua nhiều chủ trương, đường lối, chính sách về kinh tế-xã hội-môi trường, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Trong giai đoạn 2016-2023, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhiều cuộc kiểm toán quản lý chất thải dưới cả 3 loại hình kiểm toán hoạt động, kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ.

Các chủ đề kiểm toán đều là các vấn đề môi trường nóng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động tiêu cực môi trường được xã hội quan tâm; đồng thời đã được Kiểm toán Nhà nước rà soát, thu thập thông tin, đánh giá một cách kỹ lưỡng trước khi đưa vào kế hoạch thực hiện nhằm bảo đảm tối đa hóa các tác động và giá trị gia tăng mà cuộc kiểm toán có thể đem lại.

Một số chủ đề kiểm toán tiêu biểu có thể kể đến như kiểm toán công tác quản lý chất thải, bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, nhà máy nhiệt điện, cơ sở y tế; Kiểm toán công tác quản lý phế liệu nhập khẩu, quản lý nguồn nước; kiểm toán việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu, sử dụng túi nilon…

Trên cơ sở các kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra các cảnh báo về nguy cơ, rủi ro ô nhiễm môi trường cùng với hàng loạt các giải pháp hữu ích, có tính khả thi cao nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và tăng cường tính hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý chất thải.

Trong thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam sẽ từng bước mở rộng phạm vi lựa chọn những chủ đề kiểm toán quản lý chất thải mới đang được quan tâm như ứng phó biến đổi khí hậu thông qua việc giảm phát thải khí nhà kính; việc thực hiện các giải pháp hạn chế sử dụng và phát sinh rác thải nhựa; việc quản lý, sử dụng tài chính công cho các dự án năng lượng xanh, các dự án tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải...

Trình bày tham luận tại hội thảo, ông Normas Andi Ahmad, Kiểm toán viên cao cấp Uỷ ban Kiểm toán Indonesia nhấn mạnh, kiểm toán chất thải cũng là một trong những ưu tiên của Kế hoạch Phát triển trung hạn quốc gia của Indonesia. Đồng thời là một phần của Ưu tiên quốc gia về phát triển môi trường với ba chương trình: cải thiện chất lượng môi trường, ứng phó với thiên tai và phát triển carbon thấp.

Trong những năm qua, Ủy ban Kiểm toán Indonesia đã thực hiện một số cuộc kiểm toán về các chủ đề quản lý chất thải, như kiểm toán kiểm soát ô nhiễm lưu vực sông Citarum, kiểm toán chất thải nguy hại (công nghiệp, y tế), kiểm toán quản lý chất thải rắn đô thị.

Dựa trên kết quả kiểm toán, Ủy ban Kiểm toán Indonesia đã kiến nghị Chính phủ thiết lập chính sách và chiến lược quản lý chất thải toàn diện và tổng hợp; cải thiện cơ sở hạ tầng quản lý chất thải như: cơ sở phân loại và xử lý chất thải; dịch vụ vận chuyển; cải thiện truyền thông, thông tin và giáo dục về giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải cho tất cả các bên liên quan; thời thiết lập khung giám sát và đánh giá dựa trên dữ liệu cân bằng chất thải.