Bài 1: Vẫn chưa đạt yêu cầu
Trong các thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Hải Phòng đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất, trong khi Thành phố Hồ Chí Minh nằm nửa cuối bảng xếp hạng. Cá biệt, tỷ lệ giải ngân của thành phố Đà Nẵng thấp nhất cả nước.
Đến hết tháng 8/2023, thành phố Hải Phòng giải ngân được 10.217 tỷ đồng vốn đầu tư công, tăng gần gấp đôi so cùng kỳ, đạt 76% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao và là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Chỉ đạo, điều hành quyết liệt
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng Nguyễn Hoàng Long cho biết, đến thời điểm hiện tại, các dự án, công trình trọng điểm của thành phố đều cơ bản bảo đảm tiến độ đề ra.
Trong đó, các gói thầu xây lắp số 26, 27, 30 của công trình đầu tư xây dựng Trung tâm chính trị-hành chính thành phố Hải Phòng, cùng hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật tại Khu đô thị Bắc sông Cấm, đã vượt tiến độ 60 ngày so với kế hoạch.
Trong các thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Hải Phòng đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất, trong khi Thành phố Hồ Chí Minh nằm nửa cuối bảng xếp hạng. Cá biệt, tỷ lệ giải ngân của thành phố Đà Nẵng thấp nhất cả nước.
Công trình hiện đã giải ngân được hơn 902 tỷ đồng, đạt 79,74% kế hoạch... hay trên công trường xây dựng cầu Lại Xuân và cầu Bến Rừng - hai công trình kết nối giao thông Hải Phòng-Quảng Ninh, những vướng mắc về mặt bằng thi công đã được hai địa phương tập trung tháo gỡ, giải quyết dứt điểm. Đây là tiền đề để các đơn vị thi công phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng hai công trình giao thông quan trọng này trong năm 2024 theo đúng tiến độ đề ra.
Có được kết quả nêu trên là do sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của các địa phương. Thành phố Hải Phòng đã thành lập bốn tổ công tác do các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố làm tổ trưởng cùng các thành viên là đại diện các ngành có liên quan.
Các tổ đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của 20 sở, ban, ngành, địa phương, chủ đầu tư. Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện xử lý nghiêm những hành vi cố tình gây cản trở, làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đối với những vấn đề vướng mắc vượt thẩm quyền, các tổ công tác của thành phố nhanh chóng đề xuất giải pháp, phương án đến các cơ quan có thẩm quyền để chỉ đạo tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đến nay, nhiều đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như:
Công an thành phố đạt 100% kế hoạch; huyện Kiến Thụy đạt 94,21%; huyện Cát Hải đạt 88,89%; huyện Vĩnh Bảo đạt 88,33%; huyện An Lão đạt 81,6% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Đến ngày 20/9, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của thành phố Hà Nội là 23.469 tỷ đồng, đạt 44,2% kế hoạch thành phố giao và đạt 50% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Có mặt tại công trường xây dựng hầm chui tại nút giao Giải Phóng-Kim Đồng tại quận Hoàng Mai vào ngày nghỉ cuối tuần, nhưng không khí làm việc vẫn hết sức khẩn trương.
Việc thi công hầm chui ở khu vực này rất khó vì vừa thi công, vừa phải bảo đảm các tuyến tàu hỏa, ga Giáp Bát hoạt động an toàn. Ông Hồ Đức Phúc, Giám đốc Ban điều hành dự án hầm chui Giải Phóng-Kim Đồng cho biết, dự án đã đào được bảy đốt hầm và thi công kết cấu năm đốt, đạt 16% khối lượng. Dự kiến, đầu tháng 10, đơn vị bắt đầu thi công các đốt hầm qua đường sắt. Theo phương án cũ, việc thi công hầm tại khu vực đường sắt mất khoảng 20 tháng. Tuy nhiên, nhà thầu đã nghiên cứu và đề nghị chủ đầu tư điều chỉnh biện pháp thi công theo phương án thi công mới, thời gian thi công rút ngắn, chỉ còn từ 10 đến 12 tháng và không tăng chi phí thi công.
Nhờ đó, chín tháng đầu năm 2023, dự án đã giải ngân được 71 tỷ đồng trong tổng số 80 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra. Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, do làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, xây dựng kế hoạch, triển khai một cách quyết liệt, đến hết tháng 9/2023, các dự án do đơn vị làm chủ đầu tư, trong đó có dự án hầm chui Giải Phóng-Kim Đồng, đều đạt tiến độ giải ngân tốt, đạt được khoảng 72% kế hoạch thành phố giao.
Hà Nội đã phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển ngay từ những ngày đầu năm cho từng đơn vị. Thành phố đã hoàn thành công tác nhập dự toán trên hệ thống Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc), bảo đảm giải ngân kịp thời cho các dự án đầu tư. Thành phố cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng kế hoạch giải ngân toàn thành phố theo từng quý và chỉ đạo các đơn vị có giải pháp đẩy nhanh tiến độ.
Nhiều dự án vướng mắc về giải phóng mặt bằng
Năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh được giao kế hoạch vốn đầu tư công là 70.518 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2022 (32.262 tỷ đồng). Ngay từ đầu năm 2023, thành phố đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, đến hết tháng 8, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố mới đạt 29% (tương đương 25.252 tỷ đồng).
Con số này tuy tăng 52,1% so cùng kỳ, nhưng chưa đạt yêu cầu so với chỉ tiêu đề ra. Các đợt kiểm tra, đôn đốc từ các tổ công tác của các địa phương đã chỉ ra nhiều nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trước hết là do công tác giải phóng mặt bằng kéo dài.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, trong 155 dự án giao vốn bồi thường giải phóng mặt bằng năm 2023, có 24 dự án chậm tiến độ và 101 dự án chưa giải ngân. Chủ yếu là do quy trình xử lý hồ sơ từ quận, huyện lên các sở, ngành chưa hiệu quả, có nhiều hồ sơ kéo dài nhiều tháng không được giải quyết.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, trong 155 dự án giao vốn bồi thường giải phóng mặt bằng năm 2023, có 24 dự án chậm tiến độ và 101 dự án chưa giải ngân. Chủ yếu là do quy trình xử lý hồ sơ từ quận, huyện lên các sở, ngành chưa hiệu quả, có nhiều hồ sơ kéo dài nhiều tháng không được giải quyết.
Công tác lập dự toán chi phí bồi thường chưa chính xác, chậm phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất cũng như vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Ngoài ra, một số nhà thầu và chủ đầu tư thiếu chủ động trong theo dõi, kiểm tra, làm phát sinh khối lượng, hạng mục các dự án. Công tác quản lý dự án đầu tư còn thiếu sót trong khâu lựa chọn nhà thầu, đơn vị thi công.
Đơn cử như dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy nằm tại phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức, được khởi công từ năm 2016. Tuy nhiên, do công tác bồi thường, bàn giao mặt bằng bị chậm tiến độ nên dự án đến nay vẫn chưa hoàn thiện nhiều hạng mục của giai đoạn 1. Đây cũng là nguyên nhân khiến tổng mức đầu tư của dự án này tăng từ 1.998 tỷ đồng lên 3.622 tỷ đồng (tăng gần gấp đôi) so với ban đầu; thành phố phải điều chỉnh dự án từ nhóm B sang nhóm A.
Tại thành phố Đà Nẵng, kết quả giải ngân cũng rất thấp. Ước tính đến ngày 30/9, giải ngân kế hoạch vốn theo dự toán năm 2023 được giao đạt 2.970 tỷ đồng, bằng 37,4% kế hoạch giao, kể cả vốn kéo dài từ năm 2022 sang thì giải ngân đạt 3.040 tỷ đồng, bằng 37% kế hoạch vốn được giao, chưa đạt mục tiêu đề ra và thấp hơn mức bình quân cả nước.
Ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, huyện hiện có 120 dự án liên quan giải phóng mặt bằng với 20 dự án trọng điểm của thành phố. Vì nhiều dự án triển khai cùng thời điểm, nhu cầu bố trí tái định cư cho người dân tại các vùng dự án rất lớn.
Với hàng chục khu tái định cư, mà mỗi khu tái định cư phải lập một dự án riêng với đầy đủ thủ tục, thẩm định, cho nên thời gian kéo dài, đồng thời khi chưa có đất để bố trí tái định cư cho dân thì chưa thể di dời, giải phóng mặt bằng các dự án được.
Một nguyên nhân nữa được các địa phương nêu là giá nguyên nhiên vật liệu, giá xăng dầu liên tục tăng, khan hiếm nguồn cung vật liệu san lấp, xây dựng như đất, cát, đá...; nhà thầu thi công không còn bảo đảm về năng lực để tiếp tục thực hiện nên tiến độ công trình bị đình trệ.
Với cực tăng trưởng phía bắc quan trọng như Quảng Ninh, kết quả giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay cũng không mấy khả quan.
Tính đến ngày 8/9, tổng vốn đầu tư công của tỉnh giải ngân mới đạt hơn 5.580 tỷ đồng, bằng 40,4% kế hoạch giao đầu năm, tương đương tỷ lệ giải ngân bình quân cả nước. Trong đó, 10 trong số 13 chủ đầu tư cấp tỉnh không đạt kế hoạch tỉnh giao, kết quả giải ngân dưới mức trung bình của tỉnh; 11 trong tổng số 13 địa phương có tỷ lệ giải ngân không đạt kế hoạch của tỉnh.
Một số dự án có kế hoạch vốn lớn, nhưng tỷ lệ giải ngân lại thấp, như: dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, cầu nối đường tỉnh 330 với trung tâm thị trấn Ba Chẽ kết hợp với kè chống sạt lở tuyến đường trục chính và khu dân cư thị trấn Ba Chẽ, Trường trung học phổ thông Ba Chẽ...
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Cường lo ngại, với tốc độ giải ngân hiện nay, mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 khó đạt được.
(Còn nữa)
NHÓM PHÓNG VIÊN THƯỜNG TRÚ