Bảo vệ quyền lợi của công nhân, lao động các khu công nghiệp

Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc và công đoàn cơ sở các nhà máy, công ty trong khu công nghiệp đang thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của công nhân lao động, trở thành chỗ dựa vững chắc cho đoàn viên và người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc chúc mừng giải thể thao Công ty Uju Vina.
Đại diện Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc chúc mừng giải thể thao Công ty Uju Vina.

Khi xảy ra các cuộc ngừng việc tập thể hay đình công, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh ngay lập tức phối hợp các cơ quan chức năng làm việc với người sử dụng lao động. Hằng năm, tổ chức công đoàn tiếp nhận khá nhiều đơn thư khiếu nại của đoàn viên, người lao động về chế độ, lương, thưởng, bảo hiểm xã hội và các vấn đề khác.

Phó Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc Phan Thái Hòa cho biết: Những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động đều được tổ chức công đoàn bảo vệ thành công. Để làm được điều đó, cán bộ công đoàn phải nắm chắc các bộ luật, nghị định, quy định, điều lệ liên quan đến quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động và công nhân lao động.

Công đoàn cơ sở trong các khu công nghiệp thường xuyên tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiền lương, tiền thưởng, thực hiện mức lương tối thiểu vùng và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn.

Ông Phùng Văn Bình, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Vina Korea (Hàn Quốc) cho biết: Nhiệm kỳ 2016-2023, công đoàn công ty tập trung chăm lo đời sống đoàn viên, công nhân lao động, hỗ trợ 659 triệu đồng cho đoàn viên khó khăn từ nguồn của công đoàn cấp trên; dành hơn 20,5 tỷ đồng tổ chức các hoạt động phong trào, thăm hỏi, tặng quà cho người lao động; vận động 276,9 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa ủng hộ công nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Tại Công ty TNHH Piaggio (Italia), tổ chức công đoàn tham gia ý kiến vào các chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, giải quyết các tranh chấp lao động, đồng thời phối hợp chủ doanh nghiệp xây dựng nội quy, quy chế, hệ thống thang bảng lương, điều chỉnh lương cho công nhân lao động hằng năm.

Công đoàn Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 của Đài Loan (Trung Quốc) phối hợp Ban Giám đốc giải quyết những kiến nghị, đề xuất của người lao động về nhà ăn, cơm ca, lương, phụ cấp, bổ sung hỗ trợ đời sống, an toàn lao động; tham gia xây dựng thang bảng lương, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể.

Công đoàn Công ty HHCN Lâm Viễn Vĩnh Phúc của Đài Loan (Trung Quốc) phối hợp Ban Giám đốc ký Thỏa ước lao động tập thể gồm các điều khoản có lợi cho đoàn viên, người lao động như: tăng chế độ phúc lợi hiếu, hỷ; tặng quà Tết cho công nhân lao động; ký hợp đồng lao động đối với toàn bộ người lao động.

Nhờ kỹ năng thương lượng và kiên trì vận động, thuyết phục, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2023, đã có 85 công đoàn cơ sở tổ chức đối thoại với chủ sử dụng lao động; ký mới chín bản Thỏa ước lao động tập thể; 14 đơn vị phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức bữa ăn ca từ 25.000 đồng/người. Trong các khu công nghiệp có 6.687 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ hơn 3,3 tỷ đồng.

Các hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán được các cấp công đoàn thực hiện rất chu đáo, như đôn đốc chủ sử dụng lao động thưởng tháng lương thứ 13; tặng quà Tết và tổ chức thăm hỏi, động viên người lao động trực Tết; tổ chức "gian hàng 0 đồng"; hỗ trợ vé tàu xe...

Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đều thực hiện tốt chế độ, chính sách theo quy định, không để xảy ra tai nạn lao động. Việc làm của người lao động cơ bản ổn định, thu nhập bình quân đạt khoảng 8.300.000 đồng/tháng.

Phong trào văn nghệ, thể thao được duy trì, tăng quy mô tổ chức các giải bóng đá nam, bóng đá nữ, bóng chuyền hơi nam nữ. Nhiều công đoàn cơ sở tham gia chương trình team building do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức.

Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Bành Hải Ninh cho biết: Tại Khu công nghiệp Khai Quang, tỉnh đã xây dựng trường mầm non công lập dành cho con em công nhân và Nhà văn hóa công nhân; công trình hạ tầng kỹ thuật nhà ở công nhân Khu công nghiệp Bá Thiện đã được bàn giao đưa vào sử dụng. Các cấp công đoàn tham mưu với tỉnh triển khai xây dựng thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp Bá Thiện và Bình Xuyên; có cơ chế, chính sách khuyến khích xây nhà ở xã hội, hỗ trợ nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp; có chính sách đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động.

Tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ tiền học cho con công nhân trong các cơ sở mầm non độc lập, tư thục. Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án nâng cao đời sống công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2022-2026.

Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp của Vĩnh Phúc đạt gấp hơn hai lần mức lương tối thiểu vùng; có thêm khoảng 10.000 công nhân, người lao động có nhà ở xã hội, ký túc xá; xây dựng thêm các nhà trẻ, trường mầm non, điểm khám, chữa bệnh ban đầu trong các khu, cụm công nghiệp.

Tính đến ngày 30/5/2023, các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc có 305 doanh nghiệp, với hơn 100 nghìn công nhân, lao động. Trong đó, có 267 doanh nghiệp FDI với khoảng 103 nghìn công nhân, lao động, 38 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước với hơn 3.500 công nhân, lao động. Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc quản lý 233 công đoàn cơ sở với tổng số 89.797 đoàn viên.