Đề xuất đầu tư gần 2.000 tỷ đồng xây đường kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng

NDO - Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng có tổng chiều dài 56,9km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.929,882 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 101,97 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Chiều 14/4, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707.

Tăng khả năng kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa liên vùng giữa 3 tỉnh

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng được xác định là một trong những dự án quan trọng cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu thực hiện phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; góp phần phát triển mạng lưới giao thông của vùng núi phía tây tỉnh Khánh Hòa theo định hướng quy hoạch giao thông vận tải của tỉnh.

Đặc biệt, việc đầu tư Dự án sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế huyện Khánh Sơn và các vùng phụ cận; tạo tiền đề kêu gọi đầu tư; phát triển du lịch; tăng cường an ninh-quốc phòng, tạo điều kiện cơ động trong các tình huống cấp thiết.

Mục tiêu của dự án là nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh theo quy hoạch hệ thống giao thông của tỉnh Khánh Hòa; xóa bỏ tính độc đạo về kết nối giao thông đường bộ đến trung tâm huyện miền núi Khánh Sơn.

Đề xuất đầu tư gần 2.000 tỷ đồng xây đường kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng ảnh 1

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Đồng thời, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung, tăng khả năng kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa liên vùng với tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Lâm Đồng; phát triển du lịch, giao lưu văn hóa, phát triển các ngành kinh tế nông nghiệp thế mạnh của khu vực; phục vụ hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ, quản lý khai thác rừng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, dự án thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia, tuy nhiên, có quy mô chỉ tương đương nhóm A. Tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án giao thông có quy mô tương tự hoặc lớn hơn.

Thời gian qua, một số dự án đã được Quốc hội cho phép phân cấp việc quyết định đầu tư dự án, trong đó UBND tỉnh Khánh Hòa cũng được Quốc hội cho phép quyết định đầu tư dự án thành phần 1 của Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Do vậy, để thuận lợi cho quá trình phê duyệt, thực hiện Dự án, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, giao Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư Dự án tương tự như đối với dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Dự án có tổng chiều dài 56,9km, được thực hiện trên địa bàn 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa; điểm đầu giao với Quốc lộ 27C tại Km16+900 thuộc địa phận xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh; điểm cuối tại ranh giới giữa 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận trên đường tỉnh ĐT 656/Km55+900 vào địa phận xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.

Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.929,882 tỷ đồng, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 101,97 tỷ đồng. Dự án phân chia thành 2 dự án thành phần gồm: Dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Dự án thành phần xây lắp. Hình thức đầu tư là đầu tư công.

Để sớm hoàn thành Dự án, hoàn thiện mạng lưới giao thông tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng khu vực miền núi tỉnh Khánh Hòa và kết nối khu vực, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án và giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư theo đúng quy định pháp luật.

Kiến nghị áp dụng cơ chế đặc biệt trong thực hiện Dự án

Trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra sơ bộ Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh về sự cần thiết đầu tư Dự án.

Đây là một trong những nội dung nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; là một trong những dự án giao thông quan trọng được xác định trong Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ.

Đề xuất đầu tư gần 2.000 tỷ đồng xây đường kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng ảnh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án. (Ảnh: DUY LINH)

Việc đầu tư Dự án sẽ phá vỡ thế độc đạo về giao thông đường bộ hiện trạng kết nối huyện Khánh Sơn, hình thành mạng lưới giao thông đường bộ có tính kết nối liên vùng cao, kết nối giữa tỉnh Khánh Hòa với hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Khi Dự án được đầu tư, hoàn thành sẽ hình thành mạng lưới đường bộ thông suốt từ phía tây tỉnh Khánh Hòa đến phía tây tỉnh Ninh Thuận và đến tỉnh Lâm Đồng; hình thành tuyến đường giao thương có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế giữa các tỉnh.

Dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng 75,58ha đất rừng, trong đó có 27,07ha đất rừng phòng hộ đầu nguồn và 32,88ha đất rừng đặc dụng. Theo báo cáo kết quả điều tra rừng, trong 32,88ha diện tích rừng đặc dụng cần chuyển mục đích sử dụng chỉ có 4,98ha là rừng giàu, còn lại là rừng nghèo và rừng phục hồi.

Trong 27,07ha rừng phòng hộ đầu nguồn cần chuyển mục đích sử dụng không có rừng giàu, chỉ có rừng nghèo, rừng phục hồi và rừng hỗn giao. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, việc chuyển đổi diện tích rừng đặc dụng và phòng hộ đầu nguồn của Dự án không ảnh hưởng nhiều đến hệ sinh thái rừng, môi trường tự nhiên, môi trường sống của các loài động, thực vật, chức năng phòng hộ đầu nguồn của rừng.

Tuy nhiên, đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa, trong quá trình thi công, nhất là quá trình nổ mìn phá đá cần có biện pháp hạn chế tác động xấu đến môi trường, đặc biệt không gây ảnh hưởng đến phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà và quản lý chặt chẽ việc tận thu lâm sản khi chuyển mục đích sử dụng rừng, tránh thất thoát tài sản công.

Liên quan đề xuất cơ chế đặc biệt cho Dự án, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành đề xuất của Chính phủ, kiến nghị Quốc hội giao UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo pháp luật về đầu tư công. Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, do đây là dự án quan trọng quốc gia nên trách nhiệm thực hiện Dự án vẫn thuộc Chính phủ. Theo đó, cần quy định trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, báo cáo Quốc hội của Chính phủ trong việc thực hiện Dự án để vừa bảo đảm tuân thủ pháp luật về đầu tư công, vừa tạo độ linh hoạt trong xử lý các vấn đề thực tiễn.

Làm rõ yếu tố liên kết vùng trong hồ sơ Dự án

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị rà soát lại tên gọi của Dự án bởi thực chất tuyến đường nằm trên địa bàn 2 huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn của tỉnh Khánh Hòa, không đi sang địa phận của tỉnh khác. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tên phải thể hiện đúng để khi trình Quốc hội nói rõ đây là đường của tỉnh nhưng tạo ra năng lực kết nối với các địa phương trong vùng liên quan.

Đề xuất đầu tư gần 2.000 tỷ đồng xây đường kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng ảnh 3

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Về kinh phí, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn khi quy mô dự án khiêm tốn nhưng thời kì thực hiện lại quá dài, đến 2027 mới hoàn thành. Dự án chủ yếu sử dụng vốn trung ương, do đó cơ cấu vốn và phân kỳ đầu tư cần tính toán thêm cho phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn để xem xét trong đầu tư công có nội dung nào vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương không.

Đối với cơ chế đặc thù trong thực hiện Dự án, Chủ tịch Quốc hội cơ bản đồng tình với đề xuất của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Tham gia ý kiến thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, Dự án được xác định là liên kết tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Lâm Đồng nhưng tính chất liên vùng còn chưa thể hiện rõ, chủ yếu đánh giá trên cơ sở dự báo tiềm năng của tỉnh Khánh Hòa. Do vậy, cần xác định rõ tiêu chí cụ thể để xác định một dự án liên kết vùng, những tác động cụ thể đến phát triển kinh tế-xã hội đối với các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị bổ sung thêm yếu tố liên kết vùng trong hồ sơ Dự án.