Đẩy mạnh đầu tư, xây dựng chiến lược kinh tế lâu dài, bền vững tại Khánh Hòa

Sáng 2/4, tại thành phố Nha Trang, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023.
Quang cảnh Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023.

Cùng dự có đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; đông đảo các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, ngày 29/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 318/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, đến năm 2030, Khánh Hòa có 2 đô thị loại I là thành phố Nha Trang và Đô thị mới Cam Lâm; 1 đô thị loại II là thành phố Cam Ranh; 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV và các đô thị loại V. Trong đó, thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch-logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống.

Đẩy mạnh đầu tư, xây dựng chiến lược kinh tế lâu dài, bền vững tại Khánh Hòa ảnh 1
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định 318/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh.

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; GRDP bình quân đầu người đạt nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước; quy mô dân số toàn tỉnh khoảng 1,4 triệu người; số lao động có việc làm tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 11.000-12.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo 90%...

Tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hòa là một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu của châu lục; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2031-2050 đạt khoảng 5%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2050 đạt 690 triệu đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 75-80%.

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.

Cũng theo Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 298/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Khu kinh tế Vân Phong được xác định là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước.

Trong đó, kinh tế biển là nền tảng có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistic, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác; là trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp có những sản phẩm dịch vụ, du lịch độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế; là khu vực phát triển đô thị thông minh bền vững với hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại.

Định hướng phát triển không gian tổng thể, Khu kinh tế Vân Phong được chia làm 2 khu vực chính, gồm bắc và nam Vân Phong. Khu vực bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh) gồm: Các khu du lịch cao cấp tại đảo Hòn Lớn và bán đảo Hòn Gốm, cảng trung chuyển quốc tế, cảng du lịch quốc tế, các công trình dịch vụ hậu cần cảng, công nghiệp tại khu vực Đầm Môn, các khu đô thị, du lịch, các không gian cây xanh, mặt nước và các khu đồi núi.

Khu vực nam Vân Phong (khu vực phía đông thị xã Ninh Hòa) gồm: Cảng trung chuyển container, cảng tổng hợp, các tổ hợp công nghiệp, kho tàng tận dụng được lợi thế của cảng nước sâu, các khu đô thị và các khu dịch vụ du lịch, được phân bố, đan xen với các không gian sinh thái ngập mặn, đồi núi sát biển.

Phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư năm 2023, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhấn mạnh: Tỉnh Khánh Hòa đang đứng trước thời cơ, vận hội mới, nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức, đó là quy mô kinh tế của tỉnh còn khá nhỏ, sức chống chịu không cao; cơ cấu kinh tế thiếu cân bằng và bền vững; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, tuy đã có cơ chế, chính sách đặc thù, nhưng tất cả chỉ là mới bước đầu, tỉnh Khánh Hòa cho rằng sẽ chưa phải là thành công nếu như chưa có sản phẩm cụ thể, chưa có dự án cụ thể của các nhà đầu tư.

Vì vậy, tỉnh Khánh Hòa xác định trước hết phải quyết tâm hành động để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện có; đồng thời, khai thác và phát huy tốt các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo nên những giá trị mới, hiện thực hóa khát vọng đưa Khánh Hòa phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Tỉnh sẽ hành động với tinh thần trách nhiệm,cầu thị, học hỏi từ các bộ, ngành Trung ương, các địa phương và lắng nghe các doanh nghiệp; xem việc tạo điều kiện cho nhà đầu tư cũng chính là vì sự phát triển chung của địa phương, và xem sự thành công của nhà đầu tư cũng chính là thành công của tỉnh Khánh Hòa.

Đẩy mạnh đầu tư, xây dựng chiến lược kinh tế lâu dài, bền vững tại Khánh Hòa ảnh 2

Lãnh đạo Bộ Xây dựng trao Quyết định số 298/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

Nhằm thực hiện thắng lợi các quy hoạch, các Nghị quyết của Trung ương, Khánh Hòa đẩy mạnh việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, công nghiệp và hạ tầng số; quan tâm bố trí ngân sách giải phóng mặt bằng, kết nối giao thông, kết nối dữ liệu để tạo tiền đề thu hút các dự án sản xuất công nghiệp chất lượng cao, công nghiệp sản xuất phần mềm, trung tâm dữ liệu; năng lượng tái tạo; dự án đô thị hiện đại, sinh thái; phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp.

Việc đưa vào hoạt động của Cổng thông tin Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa, tổ chức lại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp với cơ cấu tổ chức và nhân sự phù hợp là minh chứng cụ thể của việc nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Khánh Hòa.

Hội nghị đã công bố Quyết định 318/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 298/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hội nghị này là sự kiện rất được mong đợi; là sự tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây cũng là cơ hội tốt để các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng phát triển của Khánh Hòa, cũng như đóng góp những đề xuất, kiến nghị giúp tỉnh phát triển.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta tin tưởng rằng, những dự án được trao quyết định đầu tư hay những cuộc gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu tư này là một bước khởi đầu cho những dòng đầu tư lớn từ trong và ngoài nước vào Khánh Hòa cũng như các địa phương trong vùng thời gian tới.

Chúng ta tin tưởng rằng, những dự án được trao quyết định đầu tư hay những cuộc gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu tư này là một bước khởi đầu cho những dòng đầu tư lớn từ trong và ngoài nước vào Khánh Hòa cũng như các địa phương trong vùng thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Tại sao chúng ta có được niềm tin đó? Thủ tướng có niềm tin đó vì: Khánh Hòa có nhiều điều kiện thuận lợi cho cả phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, logistics…, trong đó có nhiều yếu tố thuận lợi cho phát triển những lĩnh vực theo xu hướng thời đại như công nghiệp sáng tạo, nông nghiệp hữu cơ; năng lượng sạch… và nhất là du lịch sinh thái đẳng cấp.

Thủ tướng có niềm tin đó vì:

Nhân dân các dân tộc tỉnh Khánh Hòa có văn hóa đặc sắc, đoàn kết, gắn bó; con người nơi đây bình dị, yêu lao động nhưng cũng đầy sáng tạo và khát khao vươn lên; đặc biệt, Khánh Hòa có quy mô nguồn nhân lực khá lớn, cơ cấu dân số trẻ.

Khánh Hòa có đội ngũ lãnh đạo trẻ, năng động, đoàn kết, nhất trí, có quyết tâm và tầm nhìn, đang không ngừng nỗ lực để thúc đẩy phát triển.

Nền tảng kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam ổn định và ngày càng chuyển biến tích cực. Dịch bệnh được kiểm soát tốt. Trong điều kiện rất khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch và xung đột Nga-Ukraine nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương và đạt mức tăng cao vào năm 2022 (8,02%). Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang nỗ lực khắc phục hạn chế, bất cập, vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung toàn lực để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Khánh Hòa nằm trong tổng thể chung của sự phát triển đất nước; hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, nhất là các ngành dịch vụ, du lịch và kinh tế biển…; qua đó tạo động lực, sức lan tỏa thúc đẩy phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và cả nước. Thủ tướng tin tưởng sau hội nghị này, nhà đầu tư sẽ càng tin tưởng Khánh Hòa, gia tăng đầu tư vào tỉnh.

Về định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Khánh Hòa trở thành “thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao”.

Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm sau: đối với tỉnh Khánh Hòa:

Thứ nhất, khẩn trương hoàn thiện, triển khai hiệu quả các quy hoạch, nhất là các quy hoạch quan trọng đã được duyệt vừa được công bố, để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh mẽ kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Tỉnh cần có chương trình hành động để thực hiện tốt, cụ thể hóa các quy hoạch này bằng các dự án, nhiệm vụ cụ thể, lộ trình thực hiện, người đứng đầu cụ thể, có kiểm tra, giám sát; bảo vệ quy hoạch này một cách bền vững.

Thứ hai, phát triển mạnh hệ thống đô thị, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược. Nâng cấp, nâng cao hiệu quả khai thác các cảng hàng không, cảng biển hiện đại phục vụ cung cấp dịch vụ hậu cần cảng biển, logistics cho cả khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ…

Thứ ba, nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế chính sách đột phá và bố trí nguồn lực hợp lý để dẫn dắt, thu hút, đa dạng các nguồn lực cho đầu tư phát triển vùng động lực, các dự án trọng điểm của quốc gia, của tỉnh. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế vùng với các tỉnh, thành phố lân cận.

Thứ tư, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh các ngành thế mạnh, tiềm năng trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị, hàm lượng tri thức, khai thác hiệu quả lợi thế so sánh và không gian biển, phát triển theo hướng kinh tế xanh, tuần hoàn, sáng tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ năm, tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường công khai, minh bạch, đối thoại, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Cải thiện nhanh các chỉ số về cải cách hành chính và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PAPI, PCI. Tiếp tục cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; cải tiến khâu cấp phép các dự án đầu tư.

Đẩy mạnh đầu tư, xây dựng chiến lược kinh tế lâu dài, bền vững tại Khánh Hòa ảnh 3
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023.

Thứ sáu, tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển của tỉnh, nhất là trong những ngành quan trọng như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu, du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ logistics, cảng biển…

Phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, gắn kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, tập trung đào tạo những lĩnh vực đang ưu tiên phát triển; phát triển các sản phẩm văn hóa đặc sắc của Khánh Hòa nhiều hơn nữa.

Thứ bảy, củng cố vững chắc, tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả.

Thứ tám, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; mọi người dân cần tham gia vào chính sách…

Tại diễn đàn quan trọng này, Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư: đầu tư, kinh doanh theo đúng luật pháp, thực hiện tốt văn hóa kinh doanh tích cực, lành mạnh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

Xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững phù hợp quy hoạch tỉnh Khánh Hòa; phải phát triển bền vững, tập trung phát triển những ngành mới nổi. Thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành, thân thiện với chính quyền các cấp. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư với tinh thần “Đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả", “"cân, đong, đo, đếm" được; bằng năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm để chuyển hóa những tiềm năng, lợi thế của tỉnh Khánh Hòa thành những sản phẩm, công trình, giá trị cụ thể, thành động lực phát triển với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Thủ tướng khẳng định luôn đồng hành, thấu hiểu, lắng nghe, chia sẻ với các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng cảm ơn các doanh nghiệp đã đóng góp tích cực, hỗ trợ Chính phủ trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, nhất là hỗ trợ nguồn lực mua vaccine ngừa Covid-19, góp phần quan trọng sớm kiểm soát dịch bệnh.

Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu để có những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho Khánh Hòa nói riêng, các tỉnh miền Trung, cả nước nói chung huy động cao nhất các nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Đối với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng yêu cầu triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực”.

Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội, các Nghị quyết, Công trình hành động của Chính phủ. Giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của tỉnh và người dân, doanh nghiệp; kịp thời hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách liên quan.

Các bộ, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn, cắt giảm thủ tục hành chính; nghiên cứu có chính sách phù hợp về phí, lệ phí… tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; các quy định liên quan phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, khí thải… bảo đảm các bên đều thực hiện tốt chức năng; cùng với doanh nghiệp khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển, góp phần cùng nhau hoàn thiện thể chế, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng chiến lược.

Thủ tướng nhấn mạnh, từ kết quả tốt đẹp của Hội nghị này, chúng ta tin tưởng rằng ngày càng có thêm nhiều nhà đầu tư trong nước, ngoài nước quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư tại Khánh Hòa và vào các tỉnh miền Trung, vào Việt Nam để làm giàu cho mình và góp phần vào sự phát triển của tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh miền Trung, đất nước Việt Nam.

Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu để có những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho Khánh Hòa nói riêng, các tỉnh miền Trung, cả nước nói chung huy động cao nhất các nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

* Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo đã thực hiện nghi thức khai trương Cổng thông tin xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa chính thức hoạt động từ ngày 2/4/2023.

* Tại Hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo, tỉnh Khánh Hòa đã trao quyết định chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư 8 dự án với tổng vốn trên 32,2 nghìn tỷ đồng; trao các biên bản ghi nhớ thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.