Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa:

Cơ chế đặc thù sẽ khơi thông nguồn lực, giúp Khánh Hòa “cất cánh”

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trao đổi về các cơ chế chính sách phát triển kinh tế biển, thực hiện đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hướng tới xây dựng Khánh Hòa trở thành “một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển”, như mục tiêu mà Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đề ra.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ chế đặc thù sẽ khơi thông nguồn lực, giúp Khánh Hòa “cất cánh”

Xin ông cho biết Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội sẽ tạo ra những đột phá gì về cơ chế, chính sách giúp Khánh Hòa “cất cánh”?

Ngày 28/1/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thể chế hóa Nghị quyết 09, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Nghị quyết tập trung vào 6 nội dung cơ bản, có tính đặc thù, gồm: tài chính và ngân sách; quản lý và quy hoạch; quản lý đất đai; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu kinh tế Vân Phong; phát triển kinh tế biển...

Nghị quyết đã đưa ra những cơ chế, chính sách dành riêng cho tỉnh Khánh Hòa, mang tính đột phá như: tỉnh được phép phát hành trái phiếu với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; UBND tỉnh được phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị trên cơ sở được các Bộ có thẩm quyền trao đổi và Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Quốc hội cho phép HĐND tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000ha; cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công...

Cơ chế đặc thù sẽ khơi thông nguồn lực, giúp Khánh Hòa “cất cánh” ảnh 1

Với cơ chế đặc thù Khánh Hòa có nhiều cơ hội “cất cánh”.

Các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo điều kiện cho tỉnh Khánh Hòa có thể thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược để tạo hiệu ứng “mỏ neo”, giúp khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển của Khu kinh tế Vân Phong. Sau khi các cơ chế chính sách đặc thù được áp dụng và triển khai, hy vọng rằng trong tương lai không xa, Khu kinh tế Vân Phong có thể hướng tới việc trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế biển (khu kinh tế hiện đại, đô thị du lịch biển đẳng cấp quốc tế, cảng nước sâu gắn với khu phi thuế quan, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics...), có thể phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, phát triển đột phá cho tỉnh và khu vực như kỳ vọng.

Đến nay, giá trị các ngành kinh tế biển và ven biển của Khánh Hòa chiếm khoảng 80% tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh.

Có thể khẳng định, Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 55 của Quốc hội đóng vai trò cực kỳ quan trọng, góp phần mở ra định hướng phát triển cho thời kỳ mới, với các cơ chế, chính sách đặc thù giúp Khánh Hòa khơi thông các nguồn lực, khai thác và tận dụng tối đa tiềm năng và lợi thế. Đây chính là “đũa thần” lớn nhất để Khánh Hòa “cất cánh” trong thời gian tới.

Làm thế nào để Khánh Hòa vừa phát huy được lợi thế, tiềm năng về biển, vừa tránh tăng trưởng nóng một cực sang phát triển hợp lý về cơ cấu kinh tế, thưa ông?

Năm 2020, do ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch Covid-19 và những trận lũ lụt trong những tháng cuối năm, lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế tỉnh Khánh Hòa có mức tăng trưởng GRDP âm 10,5%. Đặc biệt, ngành du lịch bị ảnh hưởng rất lớn do dịch bệnh, tổng doanh thu giảm đến 81%. Mức tăng trưởng âm của năm 2020 đặt ra cho lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa nhiều trăn trở, suy nghĩ. Nếu tiếp tục duy trì cơ cấu dịch vụ du lịch, trong vài năm nữa, tỉnh Khánh Hòa rất khó trong tổ chức các nguồn thu và các nguồn thu không bảo đảm.

Chính vì thế, Khánh Hòa đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh các ngành thế mạnh, tiềm năng, trong đó lựa chọn khoa học và công nghệ hiện đại là động lực tăng trưởng và dẫn dắt quá trình tái cơ cấu kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng hóa, gia tăng giá trị và hiệu quả, phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế biển, trong đó đột phá vào phát triển đô thị ven biển, dịch vụ logistics, công nghiệp năng lượng, kinh tế số.

Tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở chất lượng và tính chuyên nghiệp. Chuyển từ mô hình tăng trưởng kinh tế phụ thuộc quá lớn vào du lịch sang mô hình tăng trưởng kinh tế lấy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khoa học và công nghệ làm chủ đạo, khai thác hiệu quả tiềm năng và không gian biển. Trước đây tăng trưởng nóng về một cực thì bây giờ sẽ phát triển bền vững theo nhiều cực, tạo ra nhiều nguồn thu.

Chúng tôi có đường bờ biển rất dài 385km và hơn 200 đảo lớn nhỏ, lợi thế của Khánh Hòa là kinh tế biển nên đang tập trung vào đánh bắt, nuôi trồng, chế biến sâu các loại hải sản. Mặt khác, tăng cường phát triển các cụm đảo, các khu du lịch biển đảo; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư để đầu tư các hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics để trung chuyển hàng hóa, kể cả để xuất khẩu và nhập khẩu. Bên cạnh đó, chúng tôi tạo ra một vùng biển để nghiên cứu các yếu tố về môi trường, các đề tài nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho ngư dân ở các vùng biển có thể nắm bắt khoa học kỹ thuật và tiếp tục phát triển tốt ngành nuôi biển. Hiện tỉnh đang rất quan tâm đến ngành nuôi biển chất lượng cao và chế biến sâu.

Đây cũng là chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khác với cách làm cũ là nuôi truyền thống bằng bè, lồng; nay vây lại thành các lồng hiện đại, bão cấp 12 vẫn bảo đảm, thức ăn chuẩn theo thức ăn gia súc, chứ không phải đập cá, đập ốc quăng xuống biển gây ảnh hưởng đến môi trường.

Thời gian tới, Khánh Hòa đặt mục tiêu trở thành nơi quy tụ của cộng đồng khởi nghiệp trong nước và quốc tế với nhiều ngành sản xuất mới, sản phẩm mới dựa trên tinh thần đổi mới sáng tạo. Tỉnh đã có những chủ trương, chính sách gì để thực hiện đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực?

Với xu thế phát triển của các lĩnh vực mới, các ngành công nghệ/công nghiệp dựa trên tri thức và dữ liệu sẽ không cần đến các nhà xưởng truyền thống. Do đó, Khánh Hòa có cơ hội để tạo dựng điểm đến cho cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp trong các lĩnh vực nói trên thông qua việc mở các chi nhánh, văn phòng làm việc tại Khánh Hòa. Khánh Hòa là một trong số ít tỉnh trong vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có các viện nghiên cứu lâu đời, có nhiều trường đại học uy tín.

Đây chính là một trong những tiềm năng cơ bản để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vì đổi mới sáng tạo luôn luôn phải dựa trên tri thức với nguồn lực con người đóng vai trò quyết định. Từ định hướng và tiềm năng nói trên, tỉnh Khánh Hòa kịp thời xây dựng các chủ trương để tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Cụ thể, về thu hút nguồn lực đổi mới sáng tạo kêu gọi các doanh nghiệp, các dự án đầu tư với mô hình như Innovation campus; Innovation hub; các trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo tại Khánh Hòa nhằm lan tỏa công nghệ, lan tỏa các kỹ năng phát triển con người và quản trị doanh nghiệp cho địa phương.

Về chuyển đổi số, ưu tiên phát triển các doanh nghiệp số, gồm doanh nghiệp công nghệ số và chuyển đổi các doanh nghiệp truyền thống thành doanh nghiệp số. Điểm đột phá là đẩy mạnh, đẩy nhanh chuyển đổi số doanh nghiệp dựa trên các nền tảng số, tạo hệ sinh thái doanh nghiệp số trong các ngành, lĩnh vực. Triển khai Chương trình xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực, địa bàn; chỉ đạo, đôn đốc doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực, địa bàn tích cực tham gia.

Có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực đạt mức độ chuyển đổi số cao để hình thành các doanh nghiệp số. Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số: đánh giá, lựa chọn, công bố các nền tảng số xuất sắc cho chuyển đổi số doanh nghiệp; khảo sát, phân nhóm các doanh nghiệp theo ngành nghề, lĩnh vực và quy mô để có chính sách hỗ trợ triển khai các giải pháp chuyển đổi số phù hợp; xây dựng các tài liệu đào tạo, hướng dẫn chuyển đổi số; triển khai các khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!