Chiều 22/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án
Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, Ủy ban tán thành sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án với các lý do như đã nêu trong Tờ trình số 512/TTr-CP của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra số 1477/BC-UBKHCNMT15 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án bảo đảm đủ cơ sở pháp lý và Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án là đúng thẩm quyền. Hồ sơ dự án đã đáp ứng đúng quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Theo đó, tổng số vốn dự kiến sau điều chỉnh của dự án là 874,089 tỷ đồng, đã bố trí 519,93 tỷ đồng. Số vốn còn thiếu so với tổng vốn đầu tư sau khi điều chỉnh là 354,162 tỷ đồng, gồm 288,442 tỷ đồng do tăng tổng mức đầu tư và 65,72 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 cho đến nay đã hết thời hạn thực hiện và giải ngân theo quy định.
Phần nguồn vốn tăng thêm dự kiến huy động từ nguồn vốn dự phòng ngân sách tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021-2025 và được bố trí điều chỉnh, bổ sung đối với 8 hạng mục.
Báo cáo nêu rõ, tổng mức đầu tư cho dự án tăng chủ yếu là do nguyên nhân khách quan từ việc cập nhật theo các quy định pháp luật mới, do trượt giá, bổ sung giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn công trình trong quá trình khảo sát báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt đầu tư dự án.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Hồ sơ Dự án là cần thiết.
Tổng số vốn dự kiến sau điều chỉnh của dự án hồ chứa nước Ka Pét là 874,089 tỷ đồng, đã bố trí 519,93 tỷ đồng. Số vốn còn thiếu so với tổng vốn đầu tư sau khi điều chỉnh là 354,162 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng các khoản mục chi phí để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện dự án và chịu trách nhiệm toàn diện về căn cứ, phương pháp xác định, tính chính xác của các số liệu trong nội dung cấu thành chi phí, sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, đánh giá thêm các nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc thay đổi các giải pháp kỹ thuật so với thiết kế ban đầu, chậm hoàn thiện các thủ tục trình phê duyệt dự án, dẫn đến chậm tiến độ, qua đó rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện dự án sau này.
Ngoài ra, đa số ý kiến Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với đề xuất của Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016 của dự án đến hết ngày 31/12/2023.
Nhất trí đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, bổ sung thêm cơ chế đặc thù
Trước đó, trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu kiến nghị, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án tăng thêm 1 năm so với chủ trương của Quốc hội, thành từ năm 2019-2025.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Lý do được Bộ trưởng nêu rõ, thời điểm cuối năm 2022, trong khi dự án đang hoàn hồ sơ để trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, sau đó theo quy định cần thực hiện các thủ tục lập, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư dự án.
Vì vậy, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị cho điều chỉnh thời gian thực hiện dự án tăng thêm 1 năm và xây dựng kế hoạch thực hiện dự án bảo đảm tiến độ, tránh việc phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án nhiều lần.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, qua giám sát cho thấy, việc triển khai dự án đã chậm gần 3 năm so với Nghị quyết số 93/2019/QH14.
Ngoài một phần do nguyên nhân chủ quan thì phần lớn là do nguyên nhân khách quan, trong đó cần nhấn mạnh thời điểm triển khai dự án là thời điểm cả nước cũng như tỉnh Bình Thuận đang tập trung cao độ để phòng, chống dịch Covid-19.
Để triển khai có hiệu quả dự án, sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đầu tư công, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án đến hết năm 2025 (chậm hơn 1 năm so với yêu cầu tại Nghị quyết số 93/2019/QH14), cùng với việc bổ sung cơ chế đặc thù giao UBND tỉnh Bình Thuận quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo pháp luật về đầu tư công để dự án sớm hoàn thành.
Lý giải cho đề xuất này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ, xét về quy mô và mức độ phức tạp, dự án chỉ tương đương nhóm B, hạng mục công trình cấp II, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều kinh nghiệm trong phê duyệt và triển khai thực hiện các công trình thuộc dự án có quy mô tương tự hoặc lớn hơn.
Các đại biểu tham dự phiên họp tại Hội trường Diên Hồng. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Dự án xin điều chỉnh chủ trương đầu tư do tăng tổng mức đầu tư nhưng tổng số vốn của dự án sau điều chỉnh vẫn chỉ tương đương dự án nhóm B. Nếu áp dụng quy trình, thủ tục như đối với dự án quan trọng quốc gia cho dự án nhóm B sẽ gây tốn kém, kéo dài thời gian triển khai dự án, dễ lặp lại việc điều chỉnh vốn và tiến độ như hiện nay.
Mặt khác, Bình Thuận là tỉnh Nam Trung Bộ luôn khô hạn, thiếu nước nên tỉnh rất quyết tâm sớm hoàn thành dự án, thể hiện qua việc đưa dự án vào danh mục công trình trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021-2025, hạn chế chi tiêu, tập trung phần lớn nguồn dự phòng trung hạn 2021-2025 để đầu tư cho dự án này.
Dự án được bố trí vốn từ nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tỉnh cũng dành nguồn dự phòng ngân sách địa phương giai đoạn 2021- 2026 bố trí cho dự án này. Do đó, nếu không có cơ chế đặc thù thì dự án không thể hoàn thành trong năm 2025, dẫn đến khó khăn trong việc phân bổ vốn thực hiện dự án ở giai đoạn tiếp theo.
Để thuận lợi trong việc ứng phó với tình huống phát sinh và giúp tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho dự án triển khai đúng tiến độ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất thêm cơ chế đặc thù Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề phát sinh trong thời gian Quốc hội không họp.
Ngoài ra, cần làm rõ trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Chính phủ, báo cáo Quốc hội việc thực hiện dự án để vừa bảo đảm tuân thủ pháp luật về đầu tư công, vừa tạo linh hoạt trong xử lý các vấn đề thực tiễn phát sinh cho dự án.
Theo chương trình Kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về nội dung này vào sáng 25/5 và thảo luận toàn thể tại hội trường vào sáng 30/5.