Trong phiên thảo luận tổ sáng 26/10, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với chủ trương triển khai thí điểm cấp quyền sử dụng biển số ô-tô thông qua đấu giá, bởi việc này sẽ giúp khai thác hiệu quả kho số đăng ký xe ô-tô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời đáp ứng nhu cầu chính đáng của một bộ phận người mua xe muốn được cấp biển số xe theo mong muốn cá nhân.
Quy định 2 mức giá khởi điểm khác nhau là không có cơ sở
Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Sỹ Thanh (đoàn Hà Nội) nêu vấn đề: một cá nhân sở hữu một chiếc xe đã có biển số trước đây được cấp theo hình thức bấm nút, bây giờ muốn đấu giá để đổi một biển số mới thì có được không?
Theo ông Thanh, đây là câu hỏi sẽ được nhiều người đặt ra và cần được làm rõ để sau này “dễ thực hiện”, do đó dự thảo Nghị quyết cần bổ sung thêm vấn đề này.
Về giá khởi điểm, dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng quy định cụ thể về giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá trên cơ sở xác định con số cụ thể, áp dụng thống nhất, minh bạch trong tất cả trường hợp đấu giá.
Đại biểu Quốc hội Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội phát biểu trong phiên thảo luận tổ. |
Cụ thể, mức giá khởi điểm 40 triệu đồng được áp dụng ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; ở các địa phương còn lại, mức giá khởi điểm là 20 triệu đồng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị dự thảo Nghị quyết cần quy định mức giá tối thiểu cao hơn và giao thẩm quyền cho địa phương quyết các mức giá khởi điểm để Hội đồng nhân dân quyết.
Cũng liên quan vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) lại cho rằng không có cơ sở để đưa ra các mức giá khởi điểm khác nhau theo Vùng như trong dự thảo Nghị quyết.
Theo đại biểu, có thể ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đời sống người dân cao hơn, nhưng các tỉnh thuộc Vùng 2 cũng có người giàu, người nghèo, cho nên cần cân nhắc áp dụng thống nhất trong cả nước một mức giá khởi điểm, ai có nhu cầu và điều kiện thì tham gia đấu giá. Đây cũng là quan điểm chung của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tổ.
Về ý kiến cho rằng cần có phụ lục và danh mục trong kho “biển số đẹp”, đại biểu Xuân cho biết nhu cầu của người tham gia đấu giá là khác nhau, không chỉ kho “biển số đẹp” là tứ quý mà còn lấy biển số phù hợp sở thích, năm sinh, ngày kỷ niệm… Những biến số đó cũng khác nhau, quan niệm về “biển số đẹp” của mỗi người khác nhau nên việc xây dựng phụ lục là không cần thiết.
Quy định rõ biển số xe được đấu giá trúng là tài sản công hay tư
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội), dự thảo Nghị quyết cần quy định rõ biển số xe được đấu giá trúng vẫn là tài sản công hay là tài sản tư thuộc sở hữu của cá nhân tham gia đấu giá. Nếu là tài sản tư thì phải tuân thủ tất cả quy định của Bộ luật Dân sự, tức là tài sản cá nhân thì được quyền chuyển nhượng, cho tặng, mua bán, thừa kế không gắn với xe.
Ngoài ra, đại biểu tán thành ý kiến của đại biểu Trần Sỹ Thanh cho rằng nên có quy định cụ thể về việc đấu giá để đổi biển số mới cho ô-tô đã có biển số được cấp theo hình thức bấm nút để tạo thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện thí điểm thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô-tô thông qua đấu giá. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) cũng đề nghị cân nhắc quy định biển số xe sau khi được đấu giá trúng có còn là tài sản công nữa hay không.
Theo dự thảo Nghị quyết, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được lựa chọn tất cả biển số để tham gia đấu giá, được đăng ký biển số trúng đấu giá của cơ quan công an.
Với việc biển số xe ở mỗi tỉnh hiện được quản lý theo một đầu số, đại biểu đề nghị cần làm rõ việc đăng ký quản lý theo chữ số này còn ý nghĩa hay không, và sau này khi thí điểm trên toàn quốc thì quản lý đầu chữ số với các tỉnh sẽ thế nào?
Mặt khác, đại biểu Tú cũng bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Nghị quyết quy định người trúng đấu giá được giữ biển số trúng đấu giá và phải đăng ký xe để gắn biển số trong vòng 12 tháng, nhưng chưa quy định thời hạn sau khi chuyển nhượng xe thì người trúng đấu giá được giữ lại biển số trong bao lâu.
Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt phát biểu trong phiên thảo luận tại Tổ 1. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Về quyền của người trúng đấu giá, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (đoàn Hà Nội) cho rằng đây là điểm quan trọng nhất của dự thảo Nghị quyết. Theo đó, người dân tham gia đấu giá, bỏ tiền ra để đạt được biển số xe theo mong muốn thì phải có quyền sở hữu.
Đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết nội dung quy định rõ sau khi hết thời gian thí điểm (3 năm) thì biển số xe được đấu giá trúng vẫn là tài sản thuộc về sở hữu của người trúng đấu giá.