Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư ban hành Danh mục bổ sung nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Trong đó, lĩnh vực thương binh và xã hội có đề xuất 4 nghề/công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (điều kiện lao động loại IV) với những đặc điểm điều kiện lao động của nghề, công việc đặc thù.
Giờ dạy 1 cô, 1 trò cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Minh Tuấn) |
Cụ thể, nhân viên tư vấn Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 phải thường xuyên tiếp nhận thông tin qua điện thoại và tư vấn, trả lời, hướng dẫn, căng thẳng thần kinh tâm lý.
Giáo viên trực tiếp can thiệp, dạy văn hóa, dạy nghề, hỗ trợ đối với người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng là công việc căng thẳng thần kinh tâm lý.
Sản xuất, lắp ráp dụng cụ chỉnh hình là công việc nặng nhọc, chịu tác động của bụi, ồn.
Người trực tiếp giải quyết chế độ chính sách đối với thương bệnh binh và hỗ trợ trực tiếp người có công về điều dưỡng tại đơn vị là công việc nặng nhọc, căng thẳng thần kinh tâm lý.
Cả nước có khoảng 235 nghìn người làm công tác xã hội. Trong số này, có hơn 35 nghìn công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở liên quan tới cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập và ngoài công lập.
Đa số các công việc nêu trên có liên quan tới hoạt động trong hệ thống cơ sở liên quan đến cung cấp dịch vụ công tác xã hội trên toàn quốc.
Thông tin từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, trong cả nước hiện có 425 cơ sở liên quan đến cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Con số này gồm 195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập được thành lập, hoạt động. Số lượng cơ sở liên quan tới dịch vụ công tác xã hội này mới đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho khoảng 30% đối tượng.
Về tổng quan, đến nay, cả nước có khoảng 235 nghìn người làm công tác xã hội. Trong số này, có hơn 35 nghìn công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở liên quan tới cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập và ngoài công lập.
Trên toàn quốc hiện có 425 cơ sở liên quan đến cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Con số này gồm 195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập.
Các tỉnh, thành phố thành lập mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội. Cụ thể, có gần 100 nghìn người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp. Hơn 100 nghìn cộng tác viên giảm nghèo; phòng, chống tệ nạn xã hội; bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng… Qua đó, tạo thành một mạng lưới cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trợ giúp các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo và các đối tượng xã hội khác tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.
Trước đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng, lấy ý kiến về dự thảo Nghị định về công tác xã hội với 8 chương, 56 điều.
Dự thảo Nghị định quy định vai trò, nhiệm vụ của công tác xã hội, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ công tác xã hội; tiêu chuẩn, điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người hành nghề công tác xã hội. Văn bản nêu rõ quy trình, điều kiện bảo đảm cung cấp dịch vụ công tác xã hội; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác xã hội.
Dự thảo cũng nhấn mạnh bốn vai trò quan trọng của công tác xã hội.
Cụ thể là: Nâng cao năng lực, thúc đẩy khả năng tự giải quyết vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng; Kết nối đối tượng với hệ thống các nguồn lực, dịch vụ và cơ hội trong xã hội; Thúc đẩy hiệu quả và tính nhân văn của các hệ thống nguồn lực và dịch vụ xã hội; Phát triển và cải thiện chính sách xã hội.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề cập đến chính sách của Nhà nước về công tác xã hội.
Trước hết, xây dựng cơ chế chính sách và bố trí ngân sách nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của nhân dân, đặc biệt là các nhóm người ưu tiên cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
Tiếp đó, có chính sách khuyến khích xã hội hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
Cùng với đó, khuyến khích việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong cung cấp dịch vụ công tác xã hội.