Để Tây Nguyên phát triển bứt phá, toàn diện và bền vững

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, là vùng phên dậu của Tổ quốc. Vùng đất đại ngàn hùng vĩ là nơi sinh sống của gần sáu triệu người, gồm tất cả 54 dân tộc anh em.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Dân tộc và phát triển.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Dân tộc và phát triển.

Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước, như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Cả nước vì Tây Nguyên, Tây Nguyên vượt khó vươn lên cùng cả nước và vì cả nước!”.

Tây Nguyên là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế để “kích hoạt” trở thành nguồn lực phát triển, với tổng diện tích đất nông nghiệp hơn năm triệu ha, trong đó khoảng 1/3 đất đỏ bazan màu mỡ; vùng có tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp năng lượng, giàu khoáng sản; khí hậu ôn hòa rất thích hợp cho phát triển nông nghiệp chất lượng cao; diện tích rừng hơn ba triệu ha, đa dạng cảnh quan, địa hình, sông suối, thác nước cùng với nền văn hóa đặc sắc là tiềm năng lớn phát triển kinh tế lâm nghiệp và du lịch sinh thái, văn hóa.

Từ ngày nước nhà thống nhất, Đảng, Nhà nước đã triển khai nhiều nghị quyết, tổ chức nhiều chương trình và đầu tư nguồn lực lớn để phát triển Tây Nguyên, từng bước khơi dậy tiềm năng, lợi thế vùng đất chiến lược này. Gần đây là Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, các tỉnh Tây Nguyên, sự đồng lòng tham gia tích cực của nhân dân, vùng đất đại ngàn có bước phát triển tích cực.

Thực tiễn cho thấy, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, các tỉnh Tây Nguyên, sự đồng lòng tham gia tích cực của nhân dân, vùng đất đại ngàn có bước phát triển tích cực. Hình ảnh Tây Nguyên hôm nay hiện lên như tấm thổ cẩm hoa văn đa sắc; màu cây trái, thảm xanh đại ngàn, những cung đường lớn uốn lượn qua núi đồi, cùng sắc màu nông thôn mới và những đô thị sầm uất đã phủ tràn màu đất đỏ bazan.

Tây Nguyên đổi thay, phát triển thấy rõ. Tuy nhiên, vùng đất có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh nhưng chưa phát triển tương xứng. Để Tây Nguyên giàu và mạnh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; quốc phòng-an ninh được củng cố, giữ vững, như mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết số 23, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành Đề án phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên. Tại tỉnh Gia Lai mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho rằng: “Với những tiềm năng, lợi thế, để Tây Nguyên nghèo là không chấp nhận được!”.

Tây Nguyên phải ngày càng giàu đẹp hơn. Tây Nguyên phải phát triển đột phá, toàn diện và bền vững, như kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân. Song, để hiện thực hóa những điều đó, trước hết phải xây dựng sức mạnh nội sinh, tạo nguồn kháng thể mạnh mẽ trước mọi khó khăn, biến động. Tây Nguyên phải tự lực tự cường, đi lên bằng bàn tay, khối óc và khung trời, mảnh đất của mình; quyết liệt khơi thông các “điểm nghẽn”; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, đột phá và chiến lược lâu dài là quyết định.

Cùng với tập trung mọi biện pháp, nguồn lực của Trung ương, rất cần sự thống nhất, đồng lòng, hành động quyết liệt của hệ thống chính trị các tỉnh Tây Nguyên, các bộ, ngành Trung ương, để thực hiện hiệu quả các quan điểm chỉ đạo trong các nghị quyết, chương trình của Đảng và Chính phủ đã ban hành. Các tỉnh Tây Nguyên cần xây dựng cơ chế để phối hợp trong việc thực hiện thu hút đầu tư, với nguyên tắc vì lợi ích chung của khu vực. Phát triển Tây Nguyên đột phá, toàn diện, bền vững phải xuất phát từ bài toán quy hoạch có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn.

Nói tới vùng đất Tây Nguyên không chỉ nói đến chuyện phát triển kinh tế, mà nói đến sự bình yên và phát triển. Đề án của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên đã thể hiện tinh thần “5 quyết liệt”: Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn; quyết liệt hoàn thiện, triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù đối với Tây Nguyên; quyết liệt thúc đẩy điểm đột phá, đánh thức, khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng; quyết liệt giải quyết từ sớm, từ xa, từ cơ sở các yếu tố tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự, không để bị động, bất ngờ và quyết liệt củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Trong đó, yếu tố quyết liệt hoàn thiện thể chế xuất phát từ thực tiễn, xây dựng và triển khai chính sách đặc thù đối với Tây Nguyên rất quan trọng, được xem là “chìa khóa” để khai mở tiềm năng, thế mạnh vùng Tây Nguyên.

Tây Nguyên, vùng đất kiên trung, anh hùng, bất khuất trong kháng chiến và mạnh mẽ, sáng tạo vươn lên trong đổi mới; tinh thần đoàn kết, một lòng son sắt theo Đảng, theo Bác Hồ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; cùng sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, là nguồn năng lượng tạo nên những xung lực và sinh khí mới, giúp Tây Nguyên vững niềm tin đi tới. Những điều đó, cùng với những tiềm năng, lợi thế, Tây Nguyên sẽ phải ngày càng giàu đẹp hơn.