Trong cái se lạnh ngọt lành của mùa khô cao nguyên, với những loài hoa rừng rộn ràng khoe sắc, lòng người cũng như rạo rực và phấn chấn hơn. Người ta nói rằng “giá cà-phê là nhiệt kế đời sống” của xứ sở này cũng đúng, khi mà một lượng cư dân đông đảo của vùng Tây Nguyên đã lựa chọn cây cà-phê làm kế sinh nhai và kéo theo đó là mật độ các cơ sở kinh doanh loại sản phẩm này cũng phân bố khá dày trên năm tỉnh Tây Nguyên từ suốt nhiều thập niên qua.
Năm nay, người nông dân Tây Nguyên đang được đón một vụ mùa bội thu với đỉnh giá đến những ngày cuối tháng 1/2024 dao động từ 73 nghìn đến 74 nghìn đồng/kg, mức giá cao nhất trong gần 20 năm qua. Trên hành trình chúng tôi đi qua, tín hiệu về một cái Tết no đủ, ấm áp và niềm hứng khởi đang tràn ngập trên các buôn làng. Cà-phê tăng giá thì sẽ thêm nhiều ngôi nhà xây mới, thêm nhiều phương tiện phục vụ sản xuất và sinh hoạt được trang bị mới. Đời sống người dân đang hiện rõ những nét khởi sắc. Sinh khí bừng lên khắp vùng đất cao nguyên, từ phố thị sầm uất cho tới buôn làng trù phú...
★★★
Tây Nguyên là vậy. Mỗi cuộc trải nghiệm đều mang lại những thông điệp lạc quan, những thông tin mới mẻ và dòng cảm xúc thú vị. Xứ sở này luôn níu bước chân người bởi hình ảnh những đỉnh núi phủ sương mù huyễn hoặc, những dòng sông thác ngàn hùng vĩ, những buôn làng đa dạng sắc màu, những phố thị mang vẻ đẹp đặc trưng của miền sơn cước. Quê hương đại ngàn là xứ sở nuôi dưỡng khí phách kiên trung và kho tàng văn hóa vô giá.
Bên chân dãy Trường Sơn hùng vĩ, bao đời nay, các dân tộc anh em đã kề vai dựng nên bản tráng ca kiêu hãnh. Đó là dòng lịch sử chói sáng trong nghìn năm kiến tạo, xây đắp quê hương từ khí chất oai hùng, bất khuất. Đó là sự bền gan, vững chí của các tộc người trong những cuộc trường chinh vệ quốc.
Hình ảnh Tây Nguyên hôm nay hiện lên trên hành trình chúng tôi đi qua đẹp như một tấm hoa văn đa sắc. Mỗi buôn làng, phố thị, mỗi tộc người đã góp vào bức tranh chung đó những chấm phá đầy nét mỹ cảm. Để có được một vùng giang sơn gấm vóc trên miền cao nguyên phía tây Tổ quốc, vùng đất và con người Tây Nguyên đã phải trải qua biết bao năm tháng gian lao.
Những người già trong các buôn làng còn nhớ về những ngày xa xưa ấy, thuở đồng bào các dân tộc anh em đắm chìm trong đói nghèo, lạc hậu, thân phận nô lệ dưới gót giày ngoại xâm. Máu và nước mắt của người cao nguyên đã tưới lên những đồn điền tươi tốt, những hầm mỏ quý giá làm giàu cho những kẻ cướp nước. Núi rừng Tây Nguyên bị kẻ thù giày xéo, đồng bào các dân tộc thiểu số chịu cảnh đối xử kỳ thị, rẻ mạt. Kẻ thù còn chia rẽ khối đại đoàn kết bằng những chính sách “ngu dân” và “chia để trị”.
Niềm vui mùa cà-phê bội thu. |
Tây Nguyên bất khuất. Tây Nguyên cùng cả nước đứng lên. Từ trong máu lửa, đồng bào các dân tộc anh em không cúi đầu cam chịu thân phận tôi đòi, nhiều phong trào yêu nước do các thủ lĩnh khởi xướng đã nổ ra khắp nơi. Nhưng cho đến khi có ánh sáng của Bác Hồ, của Đảng do các chiến sĩ cộng sản mang về, Tây Nguyên bừng lên một tinh thần cách mạng mới. Sức mạnh bất khuất tiềm tàng của núi, của nước, của những giấc mơ đấu tranh, chinh phục thuở hồng hoang lịch sử được những “người của Đảng” thổi cháy bùng lên trên xứ sở đại ngàn.
Tây Nguyên cùng đất nước đứng lên, kề vai sát cánh với cả dân tộc chiến đấu chống lại kẻ thù. Người Tây Nguyên nghe theo lời Đảng, lời Bác Hồ kính yêu đã sát cánh kề vai cùng các dân tộc anh em đánh Pháp, đuổi Mỹ, thu giang sơn về một mối thống nhất. Từ đó, Tây Nguyên bước vào giai đoạn cách mạng mới: Đập tan mọi âm mưu của kẻ thù phá hoại cuộc sống bình yên và kiến thiết, dựng xây quê hương giàu đẹp. Trong mỗi dáng nét của Tây Nguyên hôm nay đều khắc sâu dấu ấn sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và công ơn trời biển của Bác Hồ kính yêu.
★★★
Suốt từ sau ngày đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình quan trọng, định hướng tầm nhìn chiến lược, tạo ra những cơ hội mới cho Tây Nguyên phát triển thịnh vượng và hạnh phúc.
Đặc biệt, ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW “Về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Nghị quyết rất quan trọng này đã xác định mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn. Nhiều giải pháp đã được chỉ rõ, trong đó quan trọng là các nhóm giải pháp đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế nông, lâm, công nghiệp; đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh liên kết vùng; giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa bản sắc dân tộc, chăm lo đời sống nhân dân.
Nghị quyết số 23-NQ/TW đặt ra nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao.
Nghị quyết cũng xác định, liên kết để phát triển là một nhiệm vụ mang tính đột phá nhằm đưa Tây Nguyên phát triển trong điều kiện hoàn cảnh mới, trong đó hạ tầng giao thông là khâu trọng yếu. Xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, tôn trọng các giá trị văn hóa khác biệt giữa các dân tộc, coi đây là động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập quốc tế của vùng. Việc quan tâm đến đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số cũng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng.
Theo nghị quyết, các địa phương trong vùng cũng sẽ chú trọng đầu tư đồng bộ giáo dục-đào tạo, y tế, nguồn nhân lực. Trong đó thực thi có hiệu quả các chính sách riêng cho một số cộng đồng dân tộc thiểu số ít người và rất ít người. Các tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách, dự án nhằm bảo tồn, phát huy có hiệu quả văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở tạo tiền đề phát huy bản sắc văn hóa trong cộng đồng và buôn làng. Đồng thời, giữ gìn, phát huy phong tục, tập quán, tín ngưỡng, giá trị văn hóa dân tộc thiểu số; tuyên truyền đồng bào từng bước hạn chế tiến tới xóa bỏ các hủ tục còn rơi rớt trong một số cộng đồng...
Năm 2023, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, Tây Nguyên đã và đang trải qua một chặng đường rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng đã đạt không ít thành tựu.
Từ báo cáo của các tỉnh trong khu vực, chúng tôi đã được ghi nhận những con số thống kê khả quan. Tín hiệu vui là Kon Tum, một tỉnh từng phát triển chậm, nhưng năm 2023 đã vươn lên đứng đầu Tây Nguyên về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh đã đạt tới con số 18.938,78 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), đạt 97,62% kế hoạch; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,32%, đứng thứ 22 cả nước và thứ nhất khu vực Tây Nguyên.
Tổng sản phẩm trong nước của các tỉnh đều đạt xấp xỉ so với kế hoạch, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội tăng khá. Điều đáng ghi nhận là thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh Tây Nguyên đều giữ sự ổn định và tăng trưởng, trong đó Lâm Đồng đạt 86,12 triệu đồng, tiếp đó là Đắk Nông với 68,02 triệu đồng, Đắk Lắk với 61,7 triệu đồng, Gia Lai với 59,08 triệu đồng, và thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Kon Tum đã được nâng lên 58,42 triệu đồng, tăng 5,82 triệu đồng so với năm 2022...
Tại hội nghị triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng rằng, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên sẽ cùng với cả nước tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tạo chuyển biến thật mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh trong thời kỳ mới, theo tinh thần: Cả nước vì Tây Nguyên; Tây Nguyên vượt khó vươn lên cùng cả nước và vì cả nước! Đó chính là niềm tin, là khát vọng Tây Nguyên, khát vọng về một vùng đất đại ngàn trong lòng Tổ quốc ngày càng mạnh giàu và hạnh phúc. Đó cũng là nguồn năng lượng tạo nên những xung lực mới, những chuyển động và sinh khí mới, giúp Tây Nguyên vững niềm tin đi tới, phát triển thịnh vượng trong tương lai không xa.