Tạo sinh kế cho người dân vùng thủy điện miền trung-Tây Nguyên

Song song với phát triển hệ thống thủy điện, việc xây dựng các chính sách, giải pháp tạo sinh kế bền vững cho nhân dân khu vực thủy điện là hết sức cần thiết. Các mô hình sản xuất đa dạng, tập trung phát triển rừng, thủy sản, nông-lâm nghiệp có sự tham gia của các doanh nghiệp làm thủy điện và chính quyền địa phương đã giúp ổn định, từng bước nâng cao đời sống người dân tại các tỉnh miền trung-Tây Nguyên.
0:00 / 0:00
0:00
Nhận cây giống có giá trị kinh tế cao như quế, giổi, cây ăn quả, nhiều hộ dân xã Trà Cang, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) trồng cây trên rẫy, vườn nhà với hy vọng sẽ có thêm thu nhập sau nhiều năm chăm sóc.
Nhận cây giống có giá trị kinh tế cao như quế, giổi, cây ăn quả, nhiều hộ dân xã Trà Cang, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) trồng cây trên rẫy, vườn nhà với hy vọng sẽ có thêm thu nhập sau nhiều năm chăm sóc.

Khu vực miền trung-Tây Nguyên có hệ thống sông suối dày đặc, địa hình dốc, có tiềm năng lớn để phát triển các dự án thủy điện.

Toàn khu vực hiện đã đưa vào vận hành khai thác khoảng 60 thủy điện bậc thang, tổng công suất 7.025 MW, và hơn 160 thủy điện nhỏ với tổng công suất 1.565 MW.

Góc nhìn từ tỉnh Quảng Nam

Theo quy hoạch, tỉnh Quảng Nam có 40 dự án thủy điện, với tổng công suất thiết kế hơn 1.775 MW, điện lượng trung bình mỗi năm 6.183 triệu kW giờ; trong đó, 10 dự án thủy điện bậc thang, 30 dự án thủy điện vừa và nhỏ.

Đến nay, tỉnh Quảng Nam đã có 28 nhà máy vận hành phát điện, 12 dự án đang xây dựng và thực hiện thủ tục đầu tư.

Hiện thực hóa chủ trương ổn định đời sống người dân vùng thủy điện, ngày 13/4/2022, tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định 978/QĐ-UBND về chương trình sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Mục tiêu của Chương trình là huy động mọi nguồn lực nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân làm kinh tế; kết hợp đa dạng các loại hình, mô hình lĩnh vực thủy sản nông-lâm nghiệp, du lịch tạo sinh kế lâu dài cho nhân dân; phấn đấu đến năm 2025, tất cả các huyện có hồ chứa thủy điện đều có mô hình sinh kế bền vững.

Để hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân khu vực thủy điện Nước Biêu ở xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, mỗi tháng, Công ty cổ phần Thủy điện Nước Biêu cấp cho nhân dân có đất trong khu vực thủy điện 15 kg gạo mỗi khẩu. Đồng thời, cung ứng giống cây trồng, chăn nuôi theo nhu cầu thực tế của bà con.

Năm 2023, đơn vị phối hợp với xã Trà Cang hỗ trợ ba đợt, gồm: 10 nghìn cây quế, cây giổi cho 80 hộ dân; 700 kg gạo cho 35 gia đình trong vùng thủy điện; xây dựng đường bê-tông vào khu sản xuất, sửa chữa nhà văn hóa.

Thủy điện Nước Biêu thực hiện chính sách hỗ trợ cấp gạo, cây, con giống trong 10 năm với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng. Để chương trình sinh kế hiệu quả, doanh nghiệp và người dân ký cam kết dưới sự giám sát của chính quyền địa phương, cùng thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi khi được hỗ trợ.

Nhận gạo mỗi tháng và 200 cây quế giống đợt hai về trồng trong vườn nhà, giáp ranh thủy điện Nước Biêu, anh Nguyễn Văn Út vui mừng chia sẻ: Có gạo mình đỡ phải lo về lương thực, mình nhận cây về trồng trong vườn sau này cây lớn mình khai thác quế bán lại có thêm tiền. Nhận hỗ trợ thì mình bảo vệ rừng, làm ăn để dành lo cho con.

Đồng chí Ngô Tấn Lạc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trà Cang cho biết: Hỗ trợ gạo và cấp cây giống có giá trị như cây dược liệu, cây lấy gỗ, cây ăn quả là biện pháp căn cơ giúp bà con ổn định trước mắt và lâu dài. Doanh nghiệp, bà con cùng hưởng lợi, xã giám sát tránh lãng phí, cùng có trách nhiệm, sống nhờ rừng vững bền hơn.

Sau hơn một năm thực hiện, những mô hình sinh kế cho người dân đã được nhiều doanh nghiệp thủy điện tại Quảng Nam triển khai bước đầu gồm: Mô hình hỗ trợ lương thực và cây giống trồng rừng thay thế nương rẫy ở thủy điện Nước Biêu; trồng cây giổi lấy hạt khu vực thủy điện Đak Mi 4; thả cá giống, nuôi cá lồng bè trên các hồ thủy điện A Vương, Sông Tranh 2, Sông Bung 2, Sông Bung 4…

Bên cạnh đó, ngành chức năng tỉnh cũng lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu quốc gia và địa phương để phát triển kinh tế dân cư lưu vực thủy điện như nuôi cá thát lát cườm lồng bè, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, cây dược liệu, cây ăn quả, chăn nuôi dưới tán rừng tại huyện Tiên Phước, Nam Trà My, Tây Giang…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My, Trần Văn Mẫn khẳng định: Toàn huyện quy hoạch 13 thủy điện vừa và nhỏ, trong đó có năm thủy điện đã hoạt động.

Nhiều chính sách hỗ trợ sinh kế đã được triển khai để bảo vệ rừng, giữ nguồn nước bảo đảm hoạt động của thủy điện và người dân có thể sinh sống nhờ rừng, qua đó, thể hiện trách nhiệm, chia sẻ lợi ích, giúp đời sống của bà con bền vững hơn.

Đồng bộ các giải pháp

Là những tỉnh có số lượng thủy điện lớn trong khu vực, ba tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum quy hoạch 155 dự án, công trình thủy điện với tổng công suất 3.321 MW.

Đến nay, ba tỉnh có 73 nhà máy thủy điện vận hành phát điện, 30 dự án đang thi công và thực hiện các thủ tục đầu tư.

Từ thực tế triển khai tại tỉnh Quảng Nam, việc tìm kiếm giải pháp căn cơ, phù hợp, có sự tham gia của doanh nghiệp vận hành thủy điện để cùng chia sẻ lợi ích và thể hiện trách nhiệm với nhân dân ở lưu vực thủy điện đang là yêu cầu cấp thiết đối với các tỉnh miền trung-Tây Nguyên.

Huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi có 9 nhà máy thủy điện vận hành, thu ngân sách trung bình 250 tỷ đồng mỗi năm. Nhà máy thủy điện Đăkđrinh có công suất thiết kế 125 MW, có lưu vực 420 km2, thuộc địa bàn hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum. Năm 2023, nhà máy đạt sản lượng điện 527 triệu kW giờ, doanh thu 627 tỷ đồng.

Hằng năm, đơn vị hỗ trợ người dân chung quanh nhà máy, hồ chứa các giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhà ở, trường học tùy thời điểm, thời vụ.

Đại diện Công ty cổ phần thủy điện Đăkđrinh cho biết: Chủ trương của đơn vị là luôn quan tâm đến người dân trong khu vực công trình thủy điện. Phúc lợi dành cho người dân được thực hiện tùy thuộc vào kết quả hoạt động kinh doanh.

Đơn vị luôn đồng hành cùng ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi trong chương trình tạo sinh kế, nâng cao đời sống người dân vùng thủy điện với mục tiêu hỗ trợ hiệu quả nhất.

Tương tự, tại tỉnh Kon Tum, ngành chức năng, địa phương cũng phối hợp cùng các nhà đầu tư thủy điện hỗ trợ, thực hiện nhiều chương trình về nông thôn mới, làm đường giao thông nông thôn, cầu vượt sông...

Theo Giám đốc Công ty Thủy điện Thượng Kon Tum Trần Công Đàm, bên cạnh công tác sản xuất, kinh doanh, công ty luôn ý thức trách nhiệm, chung tay với chính quyền địa phương trong hoạt động an sinh xã hội.

Năm 2023, đơn vị hỗ trợ hơn 900 triệu đồng xây dựng ba nhà tình nghĩa; hỗ trợ thanh niên xã lập nghiệp; cấp keo giống trồng rừng cho thanh niên giải ngũ, thanh niên nghèo lập nghiệp; hỗ trợ điện thắp sáng các xã trong vùng thủy điện…

Trong thực tế, chính sách sinh kế, an sinh cho người dân vùng thủy điện tại Quảng Ngãi, Kom Tum thường ngắn hạn, hỗ trợ theo đề nghị của địa phương, từng thời điểm; tập trung lĩnh vực an sinh xã hội, từ thiện, chăm lo dịp lễ, Tết.

Do đó, việc xây dựng và triển khai các chương trình sinh kế mang tính chiến lược, bền vững, nhất quán để nâng cao đời sống người dân, thay đổi diện mạo vùng nông thôn, vùng thủy điện cần được quan tâm hơn nữa.

Trong đó, tùy thực tế mỗi vùng, khu vực, giải pháp sinh kế được thực hiện từng bước theo hướng doanh nghiệp hỗ trợ, nhân dân thực hiện và hưởng lợi với sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương.

Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp vận hành thủy điện trên địa bàn các tỉnh miền trung-Tây Nguyên đều phát huy tính tự giác, chia sẻ với địa phương hỗ trợ người dân chung quanh nhà máy.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, Đinh Trường Giang, chính sách sinh kế cho người dân vùng thủy điện hiện còn manh mún, mang tính ngắn hạn không ổn định. Huyện dự kiến họp các chủ doanh nghiệp thủy điện thành lập quỹ để có nguồn hỗ trợ lo sinh kế cho dân, đồng thời cũng cần có chính sách chung, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở, nhà đầu tư nhằm xây dựng phương án hỗ trợ bài bản hơn.

Định hướng chính sách hỗ trợ sinh kế cho người dân khu vực nhà máy thủy điện tại miền trung-Tây Nguyên cần tập trung theo hướng phát triển rừng lưu vực thủy điện, tăng tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ nguồn nước cung cấp cho thủy điện hoạt động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Đồng thời, huy động, lồng ghép nguồn hỗ trợ từ các chương trình, chính sách khác để nâng cao đời sống nhân dân, thay đổi diện mạo vùng nông thôn miền núi.