Tây Nguyên rộn ràng đón Tết

Trong mùa nắng lạnh ngọt lành của mùa khô Tây Nguyên, muôn loài hoa khoe sắc đón chào Xuân mới, lòng người trở nên rạo rực và phấn chấn hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng bào dân tộc làng Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum trang hoàng nhà Rông đón Tết. (Ảnh PHÚC THẮNG)
Đồng bào dân tộc làng Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum trang hoàng nhà Rông đón Tết. (Ảnh PHÚC THẮNG)

Dạo quanh phố thị, về với những buôn làng trên vùng đất Tây Nguyên những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhân dân các dân tộc trên vùng đất đại ngàn đang rộn ràng, hân hoan trong không khí Xuân về, Tết đến.

Trên những cung đường từ phố thị đến những buôn làng của miền rừng xanh, núi đỏ đều rạng rỡ sắc xuân. Những bản tình ca Tây Nguyên, những bản nhạc chào đón năm mới cất lên rộn ràng. Từ những thôn, buôn dưới chân núi Ngọc Linh, đến miền cây trái ngọt lành bên dòng Đồng Nai, đã bừng hương sắc xuân mới.

Gác lại những bộn bề, lo toan năm cũ, người dân Tây Nguyên hân hoan đón Tết cổ truyền dân tộc với bao kỳ vọng về bức tranh tươi sáng trên hành trình đổi mới, phát triển của quê hương, đất nước.

“Tết năm nay, dân làng ở Tây Nguyên vui lắm, khi giá các loại nông sản, nhất là cà-phê, sầu riêng, hồ tiêu… đều được mùa, được giá, cho nên nhân dân vui mừng sắm Tết, ông Y Roan Rmah ở xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ.

Như lời ông Y Roan Rmah, khi mùa cà-phê bội thu, giá đạt đỉnh cao nhất trong vòng gần 20 năm qua, loài cây “biểu tượng” và chủ lực trong sinh kế người dân nơi đây đã trở thành chuyện vui ngày Tết, là chuyện của sự đổi thay, phát triển trong tương lai.

Tại Đắk Lắk, không khí đón Tết cổ truyền dân tộc đã rộn ràng từ phố thị sầm uất Buôn Ma Thuột, trung tâm các huyện đến những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều nông dân trồng sầu riêng, cà-phê, hồ tiêu ở vùng thủ phủ Tây Nguyên năm nay có mức thu nhập hàng tỷ đồng cho nên họ sẵn sàng mạnh tay chi tiêu sắm sửa, chăm lo cho gia đình đón Tết sung túc.

Tại trung tâm huyện Cư M’gar, Đắk Lắk, anh Y Jrao Kbuôr ở xã Ea Tul đang chở vợ đi sắm Tết.

Anh Y Jrao chia sẻ: “Năm nay gia đình thu hoạch sáu tấn cà-phê nhân, với giá như hiện nay, tôi cầm chắc gần 500 triệu đồng. Có khoản ấy, mình sắm Tết thoải mái, rồi đầu tư cho con cái học hành, mua sắm dụng cụ, thiết bị phục vụ sản xuất, sửa sang nhà cửa…”, anh Y Jrao cho biết.

Về xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk, địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có không khí đón Tết vui tươi, rộn ràng. Các trục đường chính từ xã đến các thôn, buôn đều được vệ sinh, trang trí sạch đẹp, màu cờ Đảng, cờ Tổ quốc tung bay trong không khí mùa xuân.

Anh Y Mrak Niê ở buôn Hlúk, xã Ea Tiêu, vừa đi sắm Tết về, cho biết, dịp Tết năm nay, người dân ở khắp các buôn làng đều phấn khởi, khi bảo đảm về phát triển kinh tế, bà con lại chăm lo cho đời sống tinh thần.

“Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng sự nỗ lực của nhân dân, bộ mặt thôn, buôn ngày càng đổi mới theo hướng văn minh, hiện đại. Nhà nước tạo sinh kế, hỗ trợ mọi điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, giờ mình phải đổi mới, phải đoàn kết để xây dựng buôn làng giàu đẹp, cuộc sống ấm no, hạnh phúc”, anh Y Mrak Niê chia sẻ.

Xã Ea Tiêu có 18 dân tộc cùng sinh sống tại 21 thôn, buôn; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 40%.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Ea Tiêu Nguyễn Công Trung cho biết: “Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, đồng bào các dân tộc xã Ea Tiêu đã có nhiều hoạt động thiết thực trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Đến nay, toàn xã có 98,6% số hộ có nhà kiên cố, các chỉ số khác đều bảo đảm; số hộ nghèo giảm còn 3,3%”.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, người dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum tất bật sửa sang nhà cửa, mua sắm Tết. Những cung đường từ phố thị đến các buôn làng được trang trí đẹp đẽ, rộn ràng sắc xuân.

Các gia đình ở thôn Măng Rao, xã Đăk Pék, huyện Đăk Glei tề tựu về nhà rông văn hóa để tham gia ngày hội “Bánh chưng xanh”.

Ông A Diệt, Trưởng thôn Măng Rao, chia sẻ: “Năm nay, thôn nấu bánh chưng, bánh coắt (bánh truyền thống của người Giẻ Triêng) để gửi tặng các gia đình nghèo, cận nghèo, người già neo đơn. Cùng với niềm vui về mùa nông sản được giá; qua ngày hội, nhân dân lại được gặp nhau chuyện trò, sẻ chia và giao lưu văn hóa, văn nghệ, biểu diễn cồng chiêng và gửi tặng nhau những lời chúc tốt đẹp nhất”.

Tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, cán bộ, đảng viên và nhân dân các thôn, buôn đang chung tay trang trí các không gian Tết.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông Đặng Quang Hà, cho biết: “Dịp Tết Nguyên đán này, huyện tổ chức các hoạt động “Mừng Xuân-Mừng Đảng” mang tính truyền thống, đậm bản sắc văn hóa dân tộc nhằm cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn thi đua phát huy nội lực, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh”.

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 rất đặc biệt với nhân dân các dân tộc trên đại ngàn Tây Nguyên, khi đã qua hơn một năm vùng đất này được tiếp thêm sinh khí mới trên hành trình phát triển, với Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị được ban hành, triển khai.

Nhìn lại quá trình sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW để thấy rằng, vùng đất huyền thoại từ chân núi Ngọc Linh đến miền trầm tích Cát Tiên bên dòng Đồng Nai đã thật sự đổi thay.

So với năm 2022, quy mô kinh tế vùng gấp 14 lần, GRDP bình quân đầu người gấp hơn 10 lần.

Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất một số nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao; vùng du lịch sinh thái-văn hóa có sức hấp dẫn; giá trị văn hóa các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy; hệ thống giáo dục-đào tạo được quan tâm đầu tư, mạng lưới y tế được củng cố; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học được chú trọng; an ninh chính trị được bảo đảm; niềm tin của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường…

Hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng, và giữa vùng với cả nước.

Sự đổi thay của Tây Nguyên thật sự rõ nét, như cảm nhận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lời phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW: “Thật đáng mừng khi ngày nay đến với Tây Nguyên, đến với vùng đất bao đời nắng gió, ngày càng giàu đẹp hơn, khiến ta quên cả lối về…”.

Xuân này, Tây Nguyên rạng rỡ hơn khi niềm vui mùa màng bội thu lan tỏa từ những nếp nhà đến các phố thị, buôn làng. Người người, nhà nhà tận hưởng niềm vui trong mùa xuân mới.

Trong ngôi nhà truyền thống ở xã vùng sâu Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, già làng Ha Bang đang soạn sửa lại bộ chiêng để cùng dân làng chơi Tết, già bảo: “Tết năm nay rất vui, khi đời sống kinh tế của bà con phát triển, buôn làng đổi thay rõ nét. Cùng với đó là sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và các đơn vị, tổ chức để ai cũng có Tết, nhân dân rất biết ơn”.

Cùng với những “mùa lúa mới” được xem là lễ hội lớn nhất trong năm của các dân tộc bản địa Tây Nguyên, từ lâu rồi, những cư dân sinh sống ở miền đất đại ngàn này đã hòa chung niềm vui với Tết cổ truyền của dân tộc. Người Ê Đê, Jrai, Cơ Ho, Mạ, Chu Ru, Mnông, Xê Đăng… đã tiếp nhận yếu tố “hội” trong Tết Nguyên đán.

Tết đối với họ là dịp nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi sau một năm lao động, mưu sinh cực nhọc.

“Khác những năm trước, năm nay, mọi nhà đều quan tâm sắm Tết. Một phần là nhờ mùa màng bội thu, nông sản được giá; phần nữa, Tết là dịp để vui chơi, gặp gỡ và chúc nhau những điều tốt đẹp. Vui như Tết mà”, chị Nai Luyến, người con dân tộc Chu Ru ở phía nam Tây Nguyên chia sẻ.

Trong chuyến đến thăm, trao quà Tết tặng các gia đình chính sách, hộ nghèo, già làng, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương, trước thềm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, bày tỏ niềm vui trước những đổi thay của xã.

Đồng chí nhấn mạnh, một xã vùng sâu thuộc diện khó khăn như Đưng K’Nớ cán đích nông thôn mới năm 2022, đó là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và địa phương, cùng với sự nỗ lực của nhân dân.

Tây Nguyên rộn ràng đón Tết ảnh 1

Nhà thiếu nhi thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, tổ chức gói bánh chưng tặng các hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh MAI VĂN BẢO)

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tỉnh Đắk Nông chi ngân sách hơn 25 tỷ đồng, tỉnh Gia Lai 45,8 tỷ đồng, Kon Tum hơn tám tỷ đồng, Đắk Lắk hơn 77 tỷ đồng và Lâm Đồng gần 83 tỷ đồng để hỗ trợ, trao hàng chục nghìn phần quà tặng các gia đình người có công với cách mạng, diện bảo trợ xã hội; các hộ nghèo, cận nghèo vui xuân, đón Tết.

Chính quyền các cấp, các ngành các tỉnh Tây Nguyên đều tập trung thực hiện tốt công tác chăm lo, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để nhân dân được đón Tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi.

Trong những chuyến đến thăm, trao quà Tết tặng gia đình chính sách, hộ nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh khẳng định, hoạt động này không chỉ tô thắm thêm truyền thống nhân văn, nhân ái của dân tộc, mà thể hiện trách nhiệm của các cấp, ngành với nhân dân để không có ai không có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Cùng với điều kiện kinh tế ngày càng khởi sắc, phát triển; sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cá nhân, bằng những hành động, việc làm thiết thực, mừng Xuân đón Tết, nhân dân các dân tộc trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã sẵn sàng đón một cái Tết tươi vui, ấm áp, đủ đầy.

Từ đó, tạo niềm hứng khởi để vươn lên trong cuộc sống, hướng đến năm mới tốt đẹp hơn, với khát vọng về một vùng đất đại ngàn trong lòng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh và hạnh phúc.