Đề nghị đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện

NDO - Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dạy, học thêm là một nhu cầu thực tế, khi đưa vào danh sách ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ mới có cơ sở pháp lý để quản lý việc dạy thêm ở ngoài nhà trường.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: Đăng Khoa)
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: Đăng Khoa)

Tiếp tục kỳ họp thứ 6, sáng 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Dạy thêm là quyền lợi chính đáng của giáo viên

Phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) phản ánh tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học.

Theo đại biểu, Điều 4 của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT đã quy định các trường hợp không được dạy thêm. Tuy nhiên, việc dạy và học thêm là một hiện tượng ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội. Trong đó, không ít trường hợp việc dạy và học đã bị biến tướng. “Bài học trên lớp thì lửng lơ, nửa chừng sẽ được tiếp nối ở các lớp học thêm. Bài kiểm tra đúng dạng, đúng đề chỉ được hé lộ ở những lớp học thêm” - đại biểu Huy nói.

Đề nghị đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình). (Ảnh: Đăng Khoa)

Chi phí cho con học thêm cũng là khoản tiền lớn nhất trong không ít gia đình, nhất là cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Tuy nhiên, đại biểu Huy cũng cho rằng, nếu thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế đời sống của đại bộ phận giáo viên hiện nay, dạy thêm là giải pháp để cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống.

“Nếu bác sĩ có thể mở phòng khám tư sau giờ hành chính và nhiều người ở các ngành nghề khác có thể bôn ba ngoài giờ làm việc để tăng thu nhập thì nhà giáo dạy thêm là quyền lợi chính đáng” - đại biểu Huy nói.

Cán cân cung-cầu trong giáo dục là cơ hội cho giáo viên có thể kiếm thêm thu nhập cho cuộc sống cá nhân. Khi học sinh muốn ôn luyện kiến thức chưa vững, muốn rèn luyện thêm năng lực nâng cao sẵn sàng cho các kỳ thi tuyển sinh, chuyển cấp, thi học sinh giỏi… thì các lớp học thêm là địa chỉ tin cậy để người học tìm đến.

Việc học thêm nếu xuất phát điểm từ nguyện vọng chính đáng của người học thì không đáng bị lên án.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy nêu rõ, vấn đề cử tri và nhân dân mong muốn là quy định và tổ chức thực hiện việc dạy thêm học thêm như thế nào cho lành mạnh và đúng quỹ đạo.

Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu trình để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Cấp phép để quản lý

Đồng tình với đại biểu Nguyễn Văn Huy, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định, cần phải đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây chính là cơ sở pháp lý để quản lý việc học và dạy thêm ngoài trường học.

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo dẫn một ý kiến từng nhận được: “Thưa Bộ trưởng, tới ngày nào thì Bộ trưởng có thể quét sạch được việc dạy thêm, học thêm trên toàn cõi Việt Nam”.

Theo Bộ trưởng, đây là một tâm tư cảm xúc bởi việc dạy thêm, học thêm hay học tập ngoài nhà trường là một nhu cầu thực tế. Trong khuôn khổ kiểm soát của nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có rất nhiều văn bản quy định về việc dạy thêm, học thêm, đặc biệt là Thông tư 17. Thông tư nêu rõ những vấn đề trong đạo đức của nhà giáo, nguyên tắc ứng xử của trường học, văn hóa học đường, thi hành công vụ của nhà giáo,… cũng như quy định về việc học thêm, dạy thêm trong nhà trường.

Tuy nhiên, với môi trường ngoài nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có cơ sở pháp lý nào để quản lý, giám sát, điều tiết, xử lý đối với việc này.

Bộ trưởng Kim Sơn cho biết, Bộ đã từng gửi nhiều văn bản trong quá trình sửa Luật Đầu tư, trong đó có Văn bản số 1534 gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Kế hoạch và đầu tư, Văn bản 026 gửi Thủ tướng Chính phủ năm 2020, đề nghị bổ sung việc dạy thêm học thêm vào các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

“Nhưng không rõ lý do vì sao mà từ năm 2020-2021 việc này đã không được chấp thuận” - Bộ trưởng nói.

Với 53.000 trường học trên cả nước, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo mong các chính quyền địa phương sẽ cùng phối hợp để kiểm soát việc này việc học, dạy thêm nằm ngoài nhà trường.

Đề nghị đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện ảnh 2

Ảnh: Đăng Khoa

Bộ trưởng cam kết rằng sẽ quan tâm kiểm tra, giám sát trong môi trường theo ngành dọc. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng mong mỏi sự phối hợp từ phía các vị phụ huynh. Bởi, việc cho con đi học thêm một phần xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh.

“Có những người đem con tới gửi cho cô, nài nỉ cô vừa dạy vừa trông giúp. Thấy con đi học một ca, còn chưa yên tâm, nên cứ nghe thấy ở đâu có thầy tốt là phải mang đến ngay. Học một tối 3, 4, 5 ca” - Bộ trưởng Sơn nói và nhận định, việc này sẽ có tác động căng thẳng đối với việc học của trẻ em.

Trả lời trực tiếp những câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Huy, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đề nghị, trong quá trình nghe và thu thập các ý kiến của cử tri đại biểu có thể hỏi giúp cụ thể trường hợp giáo viên bớt kiến thức để đi dạy thêm. “Xem đấy là ai, người nào, ở đâu, trường nào để chúng tôi phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình xử lý đến nơi, đến chốn” - Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cam kết.

Trả lời chất vấn của nhiều đại biểu Quốc hội vào đúng Ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn bày tỏ: “Ngày 20/11 là ngày mà người dân nói những lời tri ân với các nhà giáo nhưng chúng tôi xác định đây là ngày để ngành giáo dục bày tỏ sự biết ơn đối với Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội, cảm ơn cuộc đời đã cho chúng tôi một nghề rất đặc biệt, cảm ơn các phụ huynh và người học đã chung sức cùng với chúng tôi”.