Để nghệ sĩ Việt "bước ra" thị trường nghệ thuật quốc tế

NDO - Sáng 7/6, tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) diễn ra tọa đàm "Kỹ năng cho nghệ sĩ khi ra khơi". Sự kiện do ngân hàng UOB Việt Nam tổ chức, nhằm chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng hỗ trợ nghệ sĩ khi tham gia thị trường nghệ thuật khu vực và quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Các diễn giả tham gia tọa đàm.
Các diễn giả tham gia tọa đàm.

Tham gia tọa đàm có các diễn giả: Họa sĩ Đặng Xuân Hòa, họa sĩ Trịnh Tuân, giám tuyển Ace Lê và Giám đốc Hanoi Grapevine Trương Uyên Ly.

Đánh giá tiềm năng và cơ hội của nghệ sĩ Việt Nam khi tham gia thị trường khu vực và thế giới, giám tuyển Ace Lê nhìn nhận, các nghệ sĩ của Việt Nam hiện nay đang có rất nhiều tiềm năng để bước ra khu vực và thế giới. Nội dung, đề tài sáng tác có nhiều điểm chung cùng các nghệ sĩ trong khu vực Đông Nam Á. Điều này khiến các nhà sưu tập trong khu vực cảm nhận được các tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam. Bên cạnh đó, mỹ cảm và thẩm mỹ của họa sĩ Việt Nam tương đồng với nhóm các nước có ngôn ngữ dựa trên Hán tự như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Vì vậy, số lượng nhà sưu tập các tác phẩm Đông Dương và đương đại ở Việt Nam ngày càng tăng.

Về mặt thị trường, những năm 1990, 90% số lượng nhà sưu tập là khách quốc tế, chỉ 10% là nhà sưu tập nội địa. Hiện nay, tỷ lệ này đã đảo ngược với 70% nhà sưu tập nội địa. Sự đảo chiều này giúp nghệ sĩ Việt Nam có lợi thế khi đối thoại được với các nhà sưu tập trong nước. Thêm nữa, trên các sàn đấu giá, các tác phẩm hội họa đương đại của nghệ sĩ Việt Nam đang có mức giá thấp hơn so với nghệ sĩ trong khu vực. Điều này tạo điều kiện để giới nghệ sĩ Việt Nam nhận được sự ủng hộ từ các nhà sưu tập trong khu vực. Tuy nhiên, khi cơ hội rộng mở, các nghệ sĩ cần phải chú trọng kỹ năng chuyên môn của mình.

Bên cạnh nỗ lực của bản thân nghệ sĩ và khả năng tự định vị bản thân, thì hệ sinh thái nghệ thuật (giám tuyển, phòng tranh, không gian nghệ thuật và truyền thông) đang hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động sáng tác và phát triển sự nghiệp của nghệ sĩ tốt hơn.

Để nghệ sĩ Việt "bước ra" thị trường nghệ thuật quốc tế ảnh 1

Giao lưu, trao đổi tại tọa đàm.

Là giám đốc nền tảng trực tuyến về văn hóa và nghệ thuật, chị Trương Uyên Ly chia sẻ: Cộng đồng nghệ thuật hiện nay có rất nhiều cơ hội giao lưu với quốc tế. Nhiều năm trước, khán giả truy cập nền tảng trực tuyến Hanoi Grapevine chủ yếu là người nước ngoài, nhưng hiện nay, cộng đồng khán giả đa số là người Việt Nam, trong lứa tuổi từ 18 đến 50. Số lượng truy cập tăng dần cho thấy sự quan tâm nhất định của khán giả đối với các hoạt động nghệ thuật, văn hóa của Việt Nam. Hanoi Grapevine đang hỗ trợ nghệ sĩ truyền thông theo cách chuyên nghiệp và bài bản hơn. Khi thể hiện tốt hơn tác phẩm và quá trình sáng tạo của mình, nghệ sĩ có nhiều cơ hội bước ra thị trường thế giới thông qua nền tảng trực tuyến này.

Hiện nay, Hanoi Grapevine còn tập trung quản lý, nghiên cứu về thị trường và lịch sử nghệ thuật, giúp định hướng cho nền nghệ thuật Việt Nam, trong đó có cộng đồng nghệ sĩ sáng tạo kể được câu chuyện của mình với thế giới một cách bài bản, rõ ràng và minh bạch hơn. Ngoài ra, Hanoi Grapevine thường xuyên xây dựng các workshop, khoá học ngắn, các buổi trao đổi nhằm cung cấp, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ và bản quyền, nghệ sĩ lưu trú sáng tác… để nghệ sĩ cập nhật, nắm bắt được bối cảnh nghệ thuật thế giới hiện nay.

Trao đổi với những người yêu nghệ thuật tham dự tọa đàm, họa sĩ Đặng Xuân Hòa, người đã có nhiều tác phẩm trưng bày trong và ngoài nước chia sẻ, bên cạnh sự hỗ trợ của các nền tảng xã hội, tình yêu với nghệ thuật, trải nghiệm cuộc sống, quan sát xã hội, cảm nhận thiên nhiên... nghệ sĩ trẻ cần trang bị nền tảng kiến thức về mỹ thuật nói riêng và nghệ thuật nói chung, quan niệm về đời sống xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Họa sĩ Trịnh Tuân - người có kinh nghiệm kết nối nghệ thuật Việt Nam với thế giới, thành lập nhóm nghệ sĩ mỹ thuật Đông Nam Á (Asia Art Link) nhấn mạnh, bên cạnh kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ là yếu tố quan trọng để nghệ sĩ Việt tự tin bước ra thị trường quốc tế. Khi được trao cơ hội và biết nắm bắt cơ hội, ngoại ngữ sẽ là chìa khóa để nghệ sĩ bước ra khỏi vùng an toàn, tiếp cận và hội nhập.

Để nghệ sĩ Việt "bước ra" thị trường nghệ thuật quốc tế ảnh 2

Triển lãm hội họa tại VCCA (Hà Nội).

Đa dạng về góc nhìn, trải nghiệm, tọa đàm đã tạo không gian kết nối, đối thoại, giao lưu, giúp nghệ sĩ định vị được bản thân đồng thời trang bị kỹ năng, kiến thức cần thiết trước khi tham gia đấu trường quốc tế. Tại tọa đàm, các diễn giả đã cung cấp thêm thông tin về định giá tác phẩm nghệ thuật, kỹ năng mô tả tác phẩm nghệ thuật… cho các nghệ sĩ xác định theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.

Cuộc thi UOB Painting of the year là dự án phát triển cộng đồng do ngân hàng UOB tổ chức. Với vai trò là nhà bảo trợ nghệ thuật, UOB thiết lập các chương trình thúc đẩy nghệ thuật thị giác ở tất cả các nước trong khu vực mà ngân hàng có hoạt động. Năm 2023, lần đầu tiên cuộc thi Painting of the year được tổ chức tại Việt Nam, thu hút đông đảo sự tham gia của nghệ sĩ trên cả nước.

Năm nay, UOB Painting of the year được khởi động từ ngày 7/5, tiếp tục mang đến sân chơi hội họa cho các nghệ sĩ Việt Nam. Hội đồng Giám khảo gồm: họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam- Cố vấn nghệ thuật; họa sĩ Đặng Xuân Hòa, Trưởng Ban giám khảo; họa sĩ Trịnh Tuân và họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang.