Gần 60 bức tranh chân dung đặc sắc được trưng bày tại triển lãm “Phạm Luận - Chân dung”

NDO - Để kỷ niệm tuổi 70 của mình, đầu xuân năm mới Giáp Thìn 2024, họa sĩ Phạm Luận đã trình làng triển lãm tranh cá nhân thứ 24 mang tên “Phạm Luận - Chân dung”. Triển lãm trưng bày gần 60 bức tranh chân dung đặc sắc như một món quà đặc biệt gửi đến công chúng yêu hội họa, đồng thời ghi dấu một nét mới trong hội họa của Phạm Luận ở thể loại tranh chân dung.
0:00 / 0:00
0:00
Phòng tranh của họa sĩ Phạm Luận.
Phòng tranh của họa sĩ Phạm Luận.

Triển lãm diễn ra từ ngày 28/2 đến hết ngày 5/3 tới tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Phạm Luận là họa sĩ tên tuổi trong làng hội họa đương đại. Ông thành danh ở thể loại tranh phong cảnh vẽ theo trường phái ấn tượng với những con phố đầy nắng, những cánh đồng hoa quyến rũ, mơ mộng, hay những cảnh biển xanh bát ngát chân trời.

Sinh năm 1954, ông đã có 52 năm cầm cọ, trong 70 năm cuộc đời. Và “ngay từ những bức tranh nho nhỏ đầu tiên, ông đã lẳng lặng đặt cược tâm hồn lành sạch của mình với đời, với nghề trong phố nắng, làng hoa, lãng đãng thả bước tự tin theo bốn mùa thiên nhiên và trên mọi nẻo đường được duyên đưa tới” (họa sĩ Lương Xuân Đoàn).

Gần 60 bức tranh chân dung đặc sắc được trưng bày tại triển lãm “Phạm Luận - Chân dung” ảnh 1
Tự họa của Phạm Luận.

Triển lãm trưng bày gần 60 bức tranh chân dung từ hàng trăm bức tranh đã được ông vẽ ngay từ những ngày đầu tiên trong sự nghiệp hội họa. Đáng chú ý, 2/3 số tranh có mặt tại triển lãm này đã được ông tập trung sáng tác trong vòng 2 năm trở lại đây.

Với thể loại tranh phong cảnh, Phạm Luận nổi tiếng bằng khả năng diễn tả ảnh sáng tài tình, bút pháp sơn dầu chắc khỏe nhưng cũng vô cùng tinh tế. Thế mạnh ấy đã được ông tiếp tục phát huy ở dòng tranh chân dung.

Đối với ông, tranh chân dung phải thể hiện đúng hình ảnh, thần thái của người được vẽ. Ông không sa đà vào vờn tỉa khéo tay mà thể hiện bút pháp phóng khoáng, tự nhiên, ấm áp, trữ tình như vốn có. Những bức tranh chân dung đẹp nhất là tranh ông vẽ vợ, các con, những anh em, đồng nghiệp, bạn bè thân thiết và… chính mình, đơn giản bởi vì ông “thuộc” họ nhất.

Đáng chú ý, trong các bức tranh vẽ bạn bè, ông đã sử dụng những nét bút nhanh, những mảng miếng tạo nên các đường nét trên gương mặt, ánh mắt, sống mũi, khóe miệng…

Ông thường vẽ với bố cục đơn giản, để tập trung thể hiện tinh thần, nội tâm và vẻ bề ngoài sống động của nhân vật, đúc kết từ rất nhiều năm kinh nghiệm cầm cọ của ông.

Ở một góc nhìn khác, trong một số bức tranh chân dung ông lại vẽ phong cảnh là chính, nhân vật chỉ được điểm xuyết trong tranh. Ở đây, thế mạnh của thể loại tranh phong cảnh đã được ông tiếp tục phát huy, kết hợp với chân dung nhân vật, tạo nên vẻ đẹp mang đậm dấu ấn Phạm Luận.

Gần 60 bức tranh chân dung đặc sắc được trưng bày tại triển lãm “Phạm Luận - Chân dung” ảnh 2

Tối nay có khách (Tranh sơn dầu trên vải).

Bên cạnh tranh chân dung cá nhân, lần này họa sĩ Phạm Luận còn công bố những bức tranh chân dung nhóm, có thể kể đến các bức Studio của Phạm Luận, Tối nay có khách… Từng con người là đồng nghiệp hoặc người thân trong gia đình đã được ông “đặt” vào tranh, hiện lên với cá tính và sắc thái riêng biệt, mang tới nhiều thú vị cho người xem. Đây có lẽ là thử nghiệm mới trong vẽ tranh chân dung của Phạm Luận.

Vẽ chân dung người khác cũng có nghĩa họa sĩ đang vẽ chân dung (nghệ thuật) của chính mình. Điều này đúng cả nghĩa bóng và nghĩa đen với Phạm Luận. Bởi vì, ngoài chân dung của người thân, bạn bè, đồng nghiệp, người quen, chính khách…, ông còn công bố nhiều bức tranh tự họa. Đây là nơi họa sĩ Phạm Luận thỏa sức thể nghiệm các cách tạo hình khối trên gương mặt.

Chẳng hạn ở bức Chân dung tự họa V, ông không đơn thuần ghi lại hình ảnh chân thực của bản thân mà còn thể hiện sự tìm tòi, trải nghiệm về màu sắc với những mảng màu lạ, tương phản tạo nên các phần của khuôn mặt, tái hiện làn da hằn dấu vết thời gian, qua đó tôn vinh vẻ đẹp nghệ thuật trong dòng tranh chân dung. Người xem còn có thể khám phá nhiều tìm tòi ở dòng tranh chân dung của Phạm Luận qua nhiều bức tranh tự họa khác.

Hơn 50 năm qua, Phạm Luận đã đánh dấu từng chặng đường sáng tạo của mình bằng 23 triển lãm cá nhân. Triển lãm đầu tiên tổ chức vào năm 1991 và triển lãm gần nhất mang tên “Tíc Tắc Sài Gòn” diễn ra năm 2022, vẽ về sự hồi sinh của thành phố Sài Gòn sau 2 năm đại dịch Covid-19, đã gây được tiếng vang lớn. Tranh của ông cũng có mặt tại nhiều bảo tàng và các bộ sưu tập cá nhân nổi tiếng trong nước và quốc tế.

Triển lãm lần thứ 24 này ghi dấu một nét mới trong hội họa của Phạm Luận ở thể loại tranh chân dung. Ông đã vượt ra ngoài sự thành công quen thuộc để tự đặt cho mình những thách thức mới. Điều này thể hiện sự dấn thân, sáng tạo không ngừng nghỉ. Đúng như họa sĩ Lương Xuân Đoàn đã viết về Phạm Luận: “Không gian Hội họa của riêng ông luôn để ngỏ muôn cửa vào, lối ra khó biết”,...