Thiết kế trưng bày nghệ thuật là một nghề thực thụ

Là một người được đào tạo bài bản về thực hành giám tuyển nghệ thuật tại Singapore, Giám tuyển Ace Lê có trao đổi ý kiến cởi mở với Nhân Dân cuối tuần chung quanh thực tế trưng bày mỹ thuật và nghệ thuật đương đại ở nước ta hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Không gian triển lãm Sáu nghệ sĩ Singapore sau năm 1965, tại National Gallery Singapore, 2021. Ảnh: NVCC
Không gian triển lãm Sáu nghệ sĩ Singapore sau năm 1965, tại National Gallery Singapore, 2021. Ảnh: NVCC

Quan trọng và được đầu tư

- Theo anh, sắp đặt không gian trưng bày sáng tác mỹ thuật có tầm quan trọng như thế nào trong việc mở ra các lối tiếp cận dễ dàng hơn cho công chúng? Nếu có thể định lượng, việc này đóng góp chừng bao nhiêu phần trăm cho thành công của một trưng bày?

- Thiết kế triển lãm rất quan trọng. Theo tôi, nó là một trong bốn khâu trụ cột quyết định sự thành công của một triển lãm, bên cạnh ý tưởng giám tuyển, chất lượng tác phẩm và chương trình tương tác với công chúng.

Một thiết kế tốt sẽ ấn định được cả công năng và thẩm mỹ của triển lãm, đồng thời bổ trợ cho mạch nội dung giám tuyển. Ngôn ngữ thiết kế, kết cấu không gian, mật độ và tương quan bố trí tác phẩm, số lượng và chi tiết của nhãn dán thông tin, mầu sắc và phông chữ... tất cả các yếu tố này đều có ảnh hưởng đến cách khán giả tiếp cận, tương tác và lưu nhớ trải nghiệm với/trong triển lãm.

- Theo tiêu chuẩn quốc tế nói chung, các phòng trưng bày tĩnh (permanent display) trong một bảo tàng được thể hiện theo những nguyên tắc cơ bản nào?

- Từ thế kỷ 19 trở về trước, ở châu Âu, người ta thường bày tranh, tượng phủ kín từ tường tới sàn theo phong cách salon, khán giả sẽ đứng giữa phòng, phóng tầm mắt ra tứ phía để thưởng lãm và đánh giá chất lượng nghệ thuật. Đầu thập niên 20 của thế kỷ trước, Alfred Barr (1902-1981), vị giám đốc đầu tiên của Museum of Modern Art (MoMA, Bảo tàng nghệ thuật hiện đại, New York, Mỹ) đã phát kiến cách trưng bày vẫn đang được ứng dụng trong hầu hết các bảo tàng, không gian nghệ thuật trên thế giới hiện nay: Các tác phẩm sẽ được treo ngang tầm mắt của một người có chiều cao trung bình, dọc theo các bức tường được sơn mầu nền trầm ấm. Điều này tạo ra hai thay đổi mang tính cách mạng. Thứ nhất, mối quan hệ giữa người xem với tác phẩm được thu gọn xuống tương quan 1-1, tạo ra sự tập trung nhất định, một khoảng chiêm nghiệm, suy tư riêng biệt khi họ ngắm nhìn tác phẩm ấy. Thứ hai, việc sắp xếp chúng theo một tuyến lần lượt như vậy tạo cơ hội cho giám tuyển kiến thiết và kể một mạch nội dung theo thứ tự, hay theo nhóm bố trí. Đây là hai tiền đề quan trọng cho việc thưởng lãm và giám tuyển một trưng bày.

Tại các bảo tàng lớn, việc thiết kế triển lãm mang một ngôn ngữ chung theo định dạng của kinh viện, trong đó, sự nhất quán là thiết yếu. Họ có một cuốn nhận diện thương hiệu lên tới cả nghìn trang, thảo ra chi tiết các quy tắc thiết kế cho các trưng bày tĩnh để bảo đảm sự nhất quán, từ cách dùng kích thước logo, mầu và kiểu chữ chính/phụ cho tới hướng dẫn viết nhãn tác phẩm, chất liệu in ấn, cách lựa chọn và sử dụng hình ảnh quảng bá, v.v. Tất cả đều được quy chuẩn để bảo đảm một bộ máy vài trăm người trải trên vài chục phòng, ban vận hành cho mỗi triển lãm sẽ có tiếng nói chung, giữ vững hình ảnh cho tổ chức và tối ưu trải nghiệm cho khán giả.

- Vậy những nhân công tham gia công việc trưng bày nghệ thuật ở nước ngoài phải được đào tạo chuyên nghiệp?

- Đúng. Thí dụ ở Singapore, trong ngành học Thực hành giám tuyển, bậc cao học, Thiết kế triển lãm là môn học quan trọng. Nhiều giáo sư chuyên về ngành này bắt đầu học và làm việc trong ngành kiến trúc, rồi rẽ nhánh vào Thiết kế triển lãm. Các bảo tàng lớn thường sẽ có một phòng, ban phụ trách thiết kế triển lãm đồng thời kết hợp với những cố vấn độc lập bên ngoài theo dạng dự án. Thí dụ, một triển lãm quy mô lớn tại National Gallery Singapore, theo như tôi được biết, sẽ có ngân sách tới sáu chữ số dành riêng cho khâu thiết kế triển lãm, từ nghiên cứu và lên ý tưởng cho đến tạo hình 3D và xuất file thi công.

Thiết kế triển lãm ở Việt Nam chưa được đầu tư đúng mức

- Anh có nhận xét gì về chất lượng của việc thiết kế trưng bày nghệ thuật ở cả hệ thống bảo tàng công cho đến các không gian tư nhân ở Việt Nam?

- Tại Việt Nam, tôi quan sát và thấy khâu thiết kế triển lãm chưa được chú ý một cách đúng đắn cả về phân bổ nhân lực lẫn ngân sách. Triển lãm ở đây là nói chung cho triển lãm văn hóa-lịch sử-khoa học chứ không riêng gì về nghệ thuật. Các định chế lớn như bảo tàng mỹ thuật công lập từ bắc tới nam, hoặc không gian trưng bày trong các trường đại học nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa lớn cũng đang sao lãng về khâu này, nên vai trò của giám tuyển hay thiết kế triển lãm thường bị thiếu vắng, dẫn đến những sắp đặt tùy tiện, suồng sã, không theo quy chuẩn hay mạch nội dung nào.

Tuy nhiên, đáng mừng là khối không gian tư nhân trong thập niên gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Rất nhiều tổ chức độc lập đã ra đời, với tầm nhìn và sự đầu tư đúng mức vào cơ sở vật chất, và ngân sách đã bắt đầu bao gồm thù lao nhất định cho giám tuyển và thiết kế triển lãm. Ở Hà Nội, có thể kể đến Trung tâm nghệ thuật đương đại VINCOM, Mơ Art Space, Manzi Art Space, Á Space, Cúc Gallery, v.v.; TP Hồ Chí Minh có Nguyễn Art Foundation, Sàn Art, Galerie Quỳnh, v.v. Các tỉnh, thành phố khác cũng đã có những không gian vận hành chuyên nghiệp như Phố bên đồi (Đà Lạt)...

- Từ thực tiễn giới thiệu mỹ thuật ở Việt Nam thông qua các triển lãm, trưng bày mà anh dự phần thời gian qua, anh hy vọng gì vào tương lai gần của thị trường này?

- Sự chuyển mình nào cũng cần có thời gian, và là một quá trình bao gồm nhiều thành tố xúc tác. Quá trình ấy bắt đầu từ nhà đầu tư không gian, cùng với người giám tuyển và thiết kế triển lãm. Tôi tin là một khi chất lượng triển lãm đạt chuẩn, nhà tổ chức hoàn toàn có thể đưa ra những biện pháp để bảo đảm sự tôn trọng với không gian triển lãm, thí dụ như giới hạn số lượng người hay bán vé vào cửa. Với cơn khát hoạt động văn hóa như hiện nay, khán giả thông thái sẽ tự biết gạn đục khơi trong, và sẽ tập cho mình được thói quen "mở hầu bao" cho nghệ thuật như một sự tôn trọng hai chiều.

Thiết kế trưng bày nghệ thuật là một nghề thực thụ ảnh 1
Ace Lê tốt nghiệp bậc Thạc sĩ ngành Nghiên cứu bảo tàng và Thực

hành giám tuyển tại Trường đại học Công nghệ Nanyang (Nanyang Technological

University) năm 2020. Một số triển lãm gần đây do Ace Lê làm giám tuyển là Phổ

hiếu kỳ, giới thiệu 46 bộ/ tác phẩm đơn lẻ của 26 nghệ sĩ đương đại tên tuổi,

trong đó phần lớn là người Việt Nam, được trưng bày đồng thời tại hai trường phổ

thông quốc tế ở TP Hồ Chí Minh, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 12/2022; Hồn xưa

bến lạ, giới thiệu sáng tác của một số họa sĩ thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương, tháng

7/2022 tại TP Hồ Chí Minh.