Họa sĩ Đặng Xuân Hòa

Không có dân tộc tính dễ bị lẫn lộn khi ra quốc tế

Trở lại tham gia làm thành viên Hội đồng nghệ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam sau nhiều năm vắng mặt để tập trung sáng tác, họa sĩ Ðặng Xuân Hòa lại tiếp tục nhận lời làm Trưởng ban giám khảo - Giải thưởng mỹ thuật UOB - UOB Paintingof the Year Việt Nam 2024. Họa sĩ Ðặng Xuân Hòa có những chia sẻ cùng Nhân Dân hằng tháng.
0:00 / 0:00
0:00
Tĩnh vật - Sơn dầu của họa sĩ Đặng Xuân Hòa
Tĩnh vật - Sơn dầu của họa sĩ Đặng Xuân Hòa

Lần thứ hai Giải thưởng mỹ thuật UOB được tổ chức tại Việt Nam, sau lần đầu diễn ra vào năm 2023. Sau một thời gian dài cách quãng, chúng ta lại có những giải thưởng mỹ thuật quốc tế uy tín. Điều này có quan trọng không, thưa ông?

Đúng là trước đây Việt Nam đã từng có những giải thưởng mỹ thuật quốc tế như ASEAN, Ánh mắt trẻ, Philip Morris... Tôi từng ngồi Hội đồng giám khảo các giải thưởng như Ánh mắt trẻ, hay Philip Morris ngay từ lúc còn trẻ...

Còn nói giải thưởng quốc tế quan trọng thì cũng không hẳn, nhưng chắc chắn là cần thiết. Cần tạo thêm những sân chơi cho người làm nghệ thuật thể hiện khả năng, có thêm chỗ để các nghệ sĩ tham gia, trình diễn những tìm tòi cách tân, những tư duy mới mẻ hiện đại.

Không có dân tộc tính dễ bị lẫn lộn khi ra quốc tế ảnh 1

Họa sỹ Đặng Xuân Hòa - Chân dung tự họa

Nghệ sĩ bên cạnh nhu cầu sáng tạo, còn nhu cầu trình bày phô diễn cho mọi người xem, đánh giá. Các nghệ sĩ làm việc nhiều, có tài năng, lao động nghệ thuật tạo ra kết quả tốt đẹp, được ghi nhận bằng một giải thưởng quốc tế sẽ là cột mốc đáng nhớ, mà nhiều người muốn đạt được.

Hơn nữa trị giá giải thưởng lại lớn, giải nhất lên tới 500 triệu đồng, nghệ sĩ giành giải có cơ hội giao lưu quốc tế, ít nhất trong khu vực ASEAN, tạo nên một dấu ấn trong nghề nghiệp của các cá nhân. Giải thưởng này lại có hai hạng mục, dành cho nghệ sĩ thành danh và triển vọng, sẽ thu hút được số đông người tham gia hơn.

UOB Painting of the Year Việt Nam mới bước sang năm thứ 2, nhưng ông đã là một Giám khảo quen mặt của Giải thưởng này?

Tôi đã từng là thành viên Hội đồng giám khảo UOB Painting of the Year ở Singapore từ cách đây cả trên dưới chục năm. Ngay lúc đó tôi đã hỏi, sao cái giải thưởng đã 30 năm có lẻ mà chưa có mặt ở Việt Nam. Sao chưa tổ chức ở Việt Nam mà lại mời tôi làm giám khảo.

Lúc đó họ nói, vì Ngân hàng UOB chưa có hoạt động chính thức ở Việt Nam, khi nào triển khai hoạt động ở Việt Nam, họ sẽ mở rộng giải thưởng này. Từ ngày đó, cũng phải gần 10 năm giải thưởng này mới tới Việt Nam.

Vậy các nghệ sĩ Việt Nam có nên tham gia các cuộc thi, giải thưởng quốc tế?

Nên quá, nhất là với các nghệ sĩ trẻ. Vừa thử thách mình, vừa đánh dấu bước đường hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ sớm. Mà có mất công sức gì quá đâu, chụp cái ảnh tác phẩm gửi tới ban tổ chức, được chọn thì mới gửi tranh thật không thì thôi.

Tất nhiên có thể có tâm lý, nhất là những người đã có danh tiếng. Tham gia được giải không sao, không được giải lại ngại. Cả nghìn người tham gia, có một giải nhất, không được giải mới là bình thường chứ. Thế hệ chúng tôi trước đây, muốn tham gia các cuộc thi cũng rất hiếm.

Chờ năm, bảy năm mới có Triển lãm mỹ thuật toàn quốc, hay Triển lãm mỹ thuật Thủ đô. Được tham gia là vinh dự lắm. Mà có phải ai cũng được tham gia, ai cũng được treo tranh đâu. Tiền thù lao treo tranh, gọi vui là “nhuận treo” chả đáng bao nhiêu, nhưng ai cũng háo hức, trông đợi.

Không có dân tộc tính dễ bị lẫn lộn khi ra quốc tế ảnh 2

Cha và con - Sơn dầu của Đặng Xuân Hòa

Ông có nhắn nhủ gì tới các đồng nghiệp trẻ của mình?

Giải thưởng này là tương đối lớn trong khu vực ASEAN, vậy nên các nghệ sĩ Việt Nam khi ra khỏi đất nước mình, phải mang được dấu ấn truyền thống của con người Việt Nam, có dân tộc tính, nếu không sẽ bị lẫn lộn, không dễ phân biệt khi đặt trong sự so sánh quốc tế.

Muốn có cái riêng, phải có tâm hồn riêng, có được chính kiến, nhãn quan riêng, diễn đạt được tiếng nói cá nhân. Bây giờ các bạn trẻ rất năng động mạnh mẽ, nhưng vì quá trẻ nên thường thiếu thực tế. Khả năng nghĩ ngợi thường đi trước khả năng xúc động.

Trẻ nên tư duy nhanh mạnh gấp rút, họ suy nghĩ nhiều quá, nặn bóp trong đầu nhiều quá, moi móc mình ra nhiều quá. Có thể họ tưởng thế là cao siêu, đi cùng thời đại mà lấn át đi sự xúc động, nhưng thật ra là chưa hiểu rõ được mình. Nghệ thuật nói gì thì nói phải có thực tế, hiểu biết tường tận thực tế, phải đi ra từ chính cuộc sống.

Hiện nay các triển lãm mỹ thuật cũng mở ra thường xuyên, thậm chí hằng tuần, hằng ngày và ai cũng có quyền đăng ký tham dự? Những người hoạt động nghệ thuật có nhiều cơ hội hơn đưa tác phẩm của mình tới công chúng, thưa ông?

Tất nhiên xã hội thay đổi, đời sống đi lên, nghệ sĩ có nhiều cơ hội lựa chọn hơn. Đời sống trăm hoa đua nở, người làm nghề tự do thoải mái, nhiều chỗ để chơi nên không còn thấy gì là quan trọng nữa.

Ai cũng có thể thuê không gian ở đâu đó để trưng bày, giới thiệu tác phẩm, thậm chí cả ở nước ngoài. Có khả năng, có tiền, có quan hệ, làm gì ở đâu chả được. Xưa có một triển lãm là giá trị lắm, được treo tranh triển lãm thì quý lắm.

Tuy nhiên đó cũng là con dao hai lưỡi, có nhiều cái hay và kèm cả cái dở. Nghệ sĩ tự tin vì cá nhân họ có nhiều sân chơi, thoải mái chơi, rồi quên đi các tổ chức khác. Hoặc ngược lại cũng tự ti, dễ thỏa hiệp với những thuận lợi trước mắt mà sao nhãng cái đích đến của mình.

Mô hình quỹ bảo trợ nghệ thuật được nhiều công ty, tập đoàn lớn trên thế giới áp dụng và giúp ích rất nhiều cho hoạt động sáng tạo của các nghệ sĩ, thưa ông?

Các công ty lớn, tập đoàn lớn quan tâm tới các hoạt động xã hội thay vì làm từ thiện, họ thường trích một khoản ngân sách để đầu tư cho nghệ thuật. Có tập đoàn thì chú trọng tổ chức các các concert quảng bá nhạc cổ điển; có đơn vị thì đầu tư cho mỹ thuật, hội họa.

Điều này đã thành truyền thống với nhiều doanh nghiệp lớn. Ngay như ngân hàng UOB cũng có bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật rất lớn và hằng năm họ lại chọn lựa để hiến tặng cho bảo tàng nhà nước của họ.

Tuy nhiên, ngoài các yếu tố vì cộng đồng, trách nhiệm với cái chung, thể hiện tình yêu nghệ thuật, ủng hộ các nghệ sĩ... thì những quỹ, những hoạt động bảo trợ nghệ thuật như thế này cũng có hiệu quả tích cực cho chính doanh nghiệp.

Các công ty, tập đoàn vừa tạo được danh tiếng, được quảng bá rộng rãi, lại được nhà nước tạo điều kiện bằng những chính sách ưu đãi thí dụ về thuế cho các hoạt động đó, đem lại nhiều lợi ích thực tế.

Không có dân tộc tính dễ bị lẫn lộn khi ra quốc tế ảnh 3

Thủy phủ của họa sỹ Trịnh Minh Tiến giành giải nhất hạng mục Nghệ sỹ thành danh năm 2023

Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư cho các bộ sưu tập nghệ thuật lớn đấy chứ?

Đúng vậy, nhưng mới dừng lại ở mức mua để chơi, sưu tầm hoặc buôn bán làm ăn chứ chưa có ý thức thành lập các quỹ hỗ trợ, tài trợ cho nghệ thuật. Có thể do chúng ta thiếu một cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực tạo điều kiện để doanh nghiệp lập các quỹ bảo trợ nghệ thuật.

Sẵn sàng một cơ chế tốt, chính sách minh bạch rõ ràng, ưu tiên ưu đãi, theo tôi sẽ có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư, lập các quỹ bảo trợ, phát triển nghệ thuật... Ngay bản thân giải thưởng UOB Painting of the Year có tuổi đời hơn 40 năm, những năm đầu cũng chỉ tổ chức ở Singapore rồi tới các quốc gia lân cận. Sau đó mới lan ra toàn khu vực và hai năm nay tới Việt Nam.

Nếu được quan tâm, theo tôi nhiều doanh nhân, những người giàu trong nước cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động thúc đảy sự phát triển của nghệ thuật. Trước đây thường chỉ có các nhà sưu tầm nước ngoài mua tranh của họa sĩ Việt Nam, giờ chính người Việt cũng đã mua nhiều.

Người dân có của ăn của để, đời sống đầy đủ hơn, bắt đầu hướng tới chăm lo cho đời sống tinh thần, quan tâm tới nghệ thuật. Bắt đầu làm quen, tìm hiểu, khi hiểu biết hơn, đã ngấm rồi sẽ quan tâm hơn và có thể lại trở thành những nhà đầu tư cho nghệ thuật.

Ông có thấy các gallery, phòng trưng bày, không gian nghệ thuật đang nở rộ, được mở ra nhiều hơn?

Điều đấy là tốt cho đời sống nghệ thuật. Mà thực tế, các gallery thế vẫn hơi ít, mở ra ít dần đi so với trước đây. Hình thành và phát triển thị trường mỹ thuật thì cần có hệ thống gallery.

Chúng ta đã có, nhưng thật ra vẫn còn thiếu các gallery, các curator, giám tuyển, các nhà phê bình... Đội ngũ này phải đủ lớn mạnh, đủ tinh, đủ năng lực thì mới tạo đà cho nghệ thuật và thị trường nghệ thuật phát triển.

Trân trọng cảm ơn họa sĩ Đặng Xuân Hòa!

Giải thưởng mỹ thuật UOB hằng năm (UOB Painting of the Year) do Ngân hàng UOB (Singapore) bảo trợ và tổ chức được hình thành từ năm 1982 dành cho khu vực ASEAN “với mục tiêu công nhận các nghệ sĩ ở khu vực Ðông Nam Á và mang đến cho họ cơ hội giới thiệu các tác phẩm của mình đến với cộng đồng rộng lớn hơn”. Giải thưởng lần đầu tiên diễn ra ở Việt Nam năm 2023 với chiến thắng thuộc về họa sĩ Trịnh Minh Tiến. Giải thưởng năm 2024, ban tổ chức nhận tác phẩm dự thi đến hết ngày 1/8/2024 với hai hạng mục dành cho Nghệ sĩ thành danhNghệ sĩ triển vọng.