Để không “lãng phí” chất xám từ các nghiên cứu khoa học

NDO - Thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ là mơ ước của các nhà khoa học. Nhưng bài toán “đầu ra” cho sản phẩm nghiên cứu, còn gặp nhiều thách thức. Nếu không có “bệ đỡ” từ các quỹ tài trợ, không có cơ duyên gặp các doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm, nhiều nghiên cứu sẽ phải cất vào ngăn tủ.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo.
Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo.

“Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và hướng tới thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ” là tọa đàm trong khuôn khổ Hội thảo “Dấu ấn 5 năm hoạt động quỹ VINIF” diễn ra trong 2 ngày 26-27/7 nhận được sự quan tâm lớn của giới nghiên cứu khoa học, các nhà quản lý trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Bất cập trong thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ

Để sản phẩm có thể thương mại hóa từ các nghiên cứu khoa học công nghệ, theo Giáo sư Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các đơn vị cần phải quan tâm xây dựng chương trình phát triển công nghệ và chương trình thương mại hóa sản phẩm.

Chương trình phát triển công nghệ chú trọng tạo ra sáng chế hữu ích. Chương trình thương mại sẽ dựa trên công nghệ hoặc sáng chế của cán bộ đã sở hữu, hợp tác với các doanh nghiệp hình thành sản phẩm đăng ký bước đầu thương mại hóa ra thị trường.

“Tuy nhiên, việc thương mại hóa sản phẩm có nhiều khó khăn. Nếu người làm khoa học tự lập doanh nghiệp, hoàn thiện công nghệ và kinh doanh bằng chính công nghệ này thì vướng Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức.

Theo một con đường khác, nếu công nghệ đó được bán ra cho công ty bên ngoài, việc định giá rất khó. Tôi thí dụ, có những sản phẩm công nghệ tốt được định giá khoảng một tỷ đồng, nhưng nếu sau 5 năm, doanh nghiệp phát triển công nghệ đó thu được lợi 1.000 tỷ đồng, khi đó đơn vị nghiên cứu có thể bị quy tội làm thất thoát tài sản nhà nước. Đó là điều hiện hữu, khá nguy hiểm”, Giáo sư Chu Hoàng Hà bày tỏ.

Do đó, Giáo sư Chu Hoàng Hà cho rằng, Việt Nam nên nghiên cứu cách triển khai thương mại hóa sản phẩm của nước ngoài, để Nhà nước thu thuế trên doanh nghiệp triển khai công nghệ.

Nếu Việt Nam không làm quyết liệt việc bảo hộ sở hữu trí tuệ thì sẽ có nhiều chất xám bị đánh cắp và bị nhân bản.

Tiến sĩ Phạm Đình Đoàn

Tiến sĩ Phạm Đình Đoàn Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ BKFund cho rằng, các nhà khoa học ít nhất cũng cần phải có tư duy kinh doanh và suy nghĩ theo hướng: làm đề tài công trình nghiên cứu không phải để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ mà đề tài đó phải giúp chính bản thân chúng ta làm giàu nhờ sản phẩm có tính thực tiễn cao.

Một điều bất cập trong việc thương mại hóa sản phẩm chính là các công trình nghiên cứu khoa học hiện nay chưa được giới thiệu rộng rãi đến doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp thành lập phòng nghiên cứu riêng nhưng không thể tập hợp được hết các chất xám, trong khi đó, nhiều nghiên cứu từ các trường đại học lại không tiếp cận được doanh nghiệp.

“Cần phải tạo ra sự gắn kết giữa doanh nhân và các nhà khoa học để doanh nghiệp tìm hiểu, đầu tư, giúp cho hoạt động trường đại học gắn liền doanh nhân. Việc kết hợp trường đại học, cựu sinh viên, doanh nghiệp bên ngoài rất quan trọng”, Tiến sĩ Phạm Đình Đoàn nói. Đây là việc mà quỹ BKFund đã và đang làm rất hiệu quả.

Để không “lãng phí” chất xám từ các nghiên cứu khoa học ảnh 1

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chia sẻ tại hội thảo.

Ông cũng nhấn mạnh, nếu Việt Nam không làm quyết liệt việc bảo hộ sở hữu trí tuệ thì sẽ có nhiều chất xám bị đánh cắp và bị nhân bản. Nhà khoa học thiệt thòi, mất niềm tin, những đơn vị nhái công nghệ lại phất lên.

“Bệ đỡ” cho nghiên cứu khoa học công nghệ

Vai trò của các quỹ tài trợ cho khoa học công nghệ rất quan trọng, để các nhà khoa học có được những nghiên cứu từ cơ bản đến ứng dụng. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học-Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho hay, hệ thống tài chính hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vẫn hoạt động theo cơ chế của thời bao cấp.

Rào cản lớn với các nhà khoa học chính là họ phải xây dựng đề tài, dự án và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì mới được tổng hợp vào danh mục cấp tiền cho năm sau. Khó khăn của các quỹ hiện nay là vừa phải trông chờ hướng dẫn của các cơ quan quản lý và vẫn lo quỹ hoạt động không đúng quy định.

“Tôi cho rằng, cơ chế chính sách dành cho khoa học công nghệ cần đổi mới và cơ chế quỹ cần được hình thành. Khi ý tưởng của nhà khoa học được cấp có thẩm quyền đánh giá lập tức được cấp kinh phí để triển khai ngay hoạt động nghiên cứu", Tiến sĩ Nguyễn Quân bày tỏ.

Theo Giáo sư Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Quỹ Đổi mới sáng tạo VINIF - Tập đoàn Vingroup, nghiên cứu khoa học có 3 mảng: Nghiên cứu cơ bản; nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai (sản phẩm có thể thương mại hóa được). 3 dạng nghiên cứu này cần 3 dạng quỹ khác nhau tài trợ, mỗi quỹ có chính sách và độ chịu rủi ro khác nhau.

“Muốn làm sản phẩm ứng dụng thật sự, người làm khoa học phải trang bị thêm một số kỹ năng cần thiết”, với tinh thần đó, quỹ VINIF hướng đến dạy kỹ năng tài chính, startup, marketting cho các doanh nghiệp start-up. Đây là khoảng trống trong giáo dục tại các trường đại học.

Với triết lý đó, 5 năm qua, VINIF đã góp phần xây dựng một văn hóa nghiên cứu sáng tạo, trung thực và mang chuẩn mực quốc tế để tạo lập một lớp các nhà khoa học trẻ sáng tạo, có trách nhiệm với xã hội.

Chỉ mới ra mắt 5 năm, quỹ VINIF đã góp phần tạo ra hàng ngàn công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, gần 400 sản phẩm, trên 70 phát minh sáng chế, gần 20 doanh nghiệp start-up, spin-off (hình thức thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ) hình thành.

Tiến sĩ Nguyễn Quân nhận định: VINIF là hình mẫu, thí dụ sinh động để người quản lý nhà nước thấy vai trò cơ chế quản lý quỹ như thế nào để sớm có những thay đổi quỹ đầu tư, tài trợ cho khoa học công nghệ.

“Nếu quản lý theo cách hiện nay, người giỏi không trụ được ở khu vực nhà nước, đầu tư không hiệu quả dù mức đầu tư lớn. Nếu học mô hình của VINIFF, các đơn vị công lập mới có thể phát triển lành mạnh, vượt trội so với cơ sở tư nhân ngoài nhà nước”, Tiến sĩ Nguyễn Quân bày tỏ.

Để không “lãng phí” chất xám từ các nghiên cứu khoa học ảnh 2

Giáo sư Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Quỹ Đổi mới sáng tạo VINIF - Tập đoàn Vingroup.

Hiện nay, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã xây dựng quỹ BKFund và đã đầu tư cho sinh viên, giảng viên, cựu sinh viên Đại học Bách khoa có dự án khởi nghiệp. “BK Fund" là Quỹ đầu tiên trong đại học công lập được thành lập.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, để khối lượng chất xám trong trường có thể biến thành hàng hóa, phát triển thương mại, BKFund đã kêu gọi được nhiều cựu sinh viên thành công trong kinh doanh trở lại trường.

Nếu quản lý theo cách hiện nay, người giỏi không trụ được ở khu vực nhà nước, đầu tư không hiệu quả dù mức đầu tư lớn. Nếu học mô hình quản lý quỹ của VINIFF, các đơn vị công lập mới có thể phát triển lành mạnh, vượt trội so với cơ sở tư nhân ngoài nhà nước.

Tiến sĩ Nguyễn Quân

Ngoài việc tạo động lực, truyền cảm hứng cho đội ngũ sinh viên nghiên cứu khoa học, các cựu sinh viên có thể cùng kết hợp phát triển thương mại các nghiên cứu. Đến nay, các dự án do BKFund đầu tư đã có giá trị tăng lên gấp nhiều lần. Việc này sẽ giúp cho các sinh viên khoa học, nghiên cứu có thêm động lực, có thể làm giàu.

Là trường duy trì “Quỹ phát triển Đại học Quốc gia” hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận tương tự VINIF rất hiệu quả, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ cho hay, quỹ có những chương trình, hoạt động tương tự VINIF khi tài trợ cho cao học, nghiên cứu sinh. Mỗi năm, quỹ của Đại học Quốc gia sẽ có khoảng 30 suất gồm 15 suất cho cao học và 15 nghiên cứu sinh với tổng trị giá học bổng 1,5 tỷ đồng/năm. Quỹ phát triển Đại học Quốc gia đứng ra bảo trợ để cho các sinh viên nghèo có thể vay để đóng học phí đại học và hỗ trợ một số đề tài, dự án.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư Vũ Hải Quân cũng cho rằng, để duy trì một quỹ hoạt động phi lợi nhuận gặp rất nhiều khó khăn. Điều quan trọng của quỹ là làm thế nào để người tài trợ có niềm tin rằng khi doanh nghiệp tài trợ họ muốn tiền được sử dụng đúng mục đích. Thứ 2, văn hoá hiến tặng của Việt Nam có thể đạt được như các nước phát triển hay chưa? Thứ 3, phải có cơ chế, chính sách để quỹ sinh ra được tiền.

Phải chuẩn bị lực lượng cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, số liệu đăng ký tuyển sinh đại học trong 2-3 năm gần đây cho thấy, số các em học sinh đăng ký ngành khoa học giảm rõ rệt.

“Mỗi năm giảm 3% số các em đăng ký khoa học kỹ thuật, cho thấy, số lượng giới trẻ quan tâm ngành này càng giảm đi. Khi đội ngũ khoa học kỹ thuật giảm đi, chất lượng sẽ giảm đi. Như thế, theo tinh thần Nghị quyết 29 của Việt Nam phát triển đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ bấu víu vào ai. Do đó, chúng ta cần có nhiều tấm gương nhà khoa học chứng minh được các nhà khoa học Việt Nam có năng lực làm sản phẩm khoa học có ích, định hướng cho bạn trẻ nuôi dưỡng đam mê theo đuổi ngành khoa học”, ông Thắng bày tỏ.

Để không “lãng phí” chất xám từ các nghiên cứu khoa học ảnh 3

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo Tiến sĩ Phạm Đình Đoàn, việc nghiên cứu khoa học công nghệ vô cùng quan trọng với một đất nước đang phát triển như Việt Nam. Hiện, tài sản trí tuệ đang nằm ở các trường đại học và trung tâm nghiên cứu của Việt Nam nhưng nếu không có các bệ đỡ để các em sinh viên tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học, nếu những tài năng trong trường học không được phát huy sẽ là điều vô cùng đáng tiếc.