Lấy khoa học-công nghệ làm động lực tăng trưởng

Hoạt động khoa học-công nghệ của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu khá toàn diện, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội của thành phố phát triển nhanh và bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Trưng bày các sản phẩm khoa học-công nghệ tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Trưng bày các sản phẩm khoa học-công nghệ tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù khoa học-công nghệ của thành phố đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng cũng còn nhiều thách thức, khó khăn và hạn chế cần được nhanh chóng tháo gỡ.

Tạo lực phát triển kinh tế-xã hội

Trong giai đoạn 2016-2022, Thành phố Hồ Chí Minh chi ngân sách cho đầu tư, hoạt động khoa học-công nghệ khoảng 13.650 tỷ đồng, bình quân đạt 2,55% tổng chi ngân sách của thành phố. Bằng sự đầu tư có trọng điểm cho khoa học-công nghệ, trong những năm qua, khoa học-công nghệ thật sự trở thành đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế-xã hội của thành phố phát triển theo chiều sâu.

Cụ thể, tỷ trọng bốn ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học-công nghệ cao: Cơ khí chế tạo; điện tử-công nghệ thông tin; hóa chất-nhựa, cao-su; chế biến tinh lương thực, thực phẩm đang tăng dần qua các năm. Ngành nông nghiệp thành phố đang chuyển dần sang nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây, giống con và các sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị.

Kết quả này được thể hiện thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) luôn tăng và ở mức cao trong giai đoạn 2016-2022, đạt trung bình 46,7%; trong đó, đóng góp của khoa học-công nghệ vào tăng trưởng TFP là 74%. Cũng trong giai đoạn này, năng suất lao động xã hội của thành phố cao hơn 2,7 lần so với cả nước, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cao gấp 1,7 lần so với cả nước.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh được xem là địa phương luôn tiên phong trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ và trở thành cái nôi của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp trên cả nước.

Nhiều dự án khởi nghiệp được hỗ trợ thông qua các chương trình đã gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư. Khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo đang dần đưa thành phố tiến dần đến tốp 100 hệ sinh thái năng động nhất toàn cầu.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải cho biết: Thời gian tới, thành phố tiếp tục phấn đấu giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Giai đoạn 2021-2025, thành phố cần tập trung phát huy vai trò của khoa học-công nghệ trong việc phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố.

Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực. Đầu tiên, cần đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu và phát triển công nghệ, nhất là các lĩnh vực có ưu tiên như công nghệ xanh, trí tuệ nhân tạo và IoT (Internet of Things).

Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi để chuyển giao công nghệ từ các trung tâm nghiên cứu sang doanh nghiệp, từ ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm và dịch vụ thực tế. Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa các doanh nghiệp công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và cộng đồng địa phương sẽ tạo ra một môi trường thúc đẩy sự phát triển bền vững hơn...

Để khoa học-công nghệ là đòn bẩy

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng thành phố cũng vẫn gặp nhiều thách thức, khó khăn và hạn chế trong hoạt động nghiên cứu khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cụ thể, đầu tư cho khoa học-công nghệ còn nhỏ lẻ và tản mạn; tỷ lệ chi cho hoạt động khoa học-công nghệ chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của thành phố với xu hướng chung của khu vực và thế giới. Đội ngũ cán bộ khoa học-công nghệ tuy có tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thiếu các tập thể khoa học mạnh, các chuyên gia đầu ngành có khả năng dẫn dắt các hướng nghiên cứu mới, hoặc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ khoa học-công nghệ ở trình độ quốc tế.

Ngoài ra, cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa tạo động lực cho phát triển khoa học-công nghệ, ứng dụng kết quả khoa học-công nghệ vào sản xuất. Cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị cho hoạt động khoa học-công nghệ còn thiếu, chưa đồng bộ, năng lực áp dụng và hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp còn thấp…

Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng: Để khoa học-công nghệ thật sự trở thành động lực, nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội thì cần phải khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật về khoa học-công nghệ với pháp luật liên quan.

Đồng thời, cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ khoa học-công nghệ đầu ngành, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài cùng hợp tác, hỗ trợ giải bài toán cụ thể của thành phố; cần có những giải pháp để tăng cường đầu tư cho khoa học-công nghệ không chỉ từ Nhà nước mà còn từ xã hội, nhất là từ doanh nghiệp; tăng cường liên kết viện, trường và doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, nơi đưa các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân không chỉ trên địa bàn thành phố mà còn cho cả nước, khu vực và thế giới.

Nhấn mạnh đến vai trò khoa học-công nghệ là nền tảng quan trọng đưa sự phát triển của thành phố bền vững, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để khoa học-công nghệ giúp thành phố giải quyết những vấn đề tồn tại, kìm hãm sự phát triển như ngập nước, ô nhiễm, năng suất lao động thấp...

Đồng thời, khoa học-công nghệ phải đi vào công nghiệp và dịch vụ để hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố nâng cao khả năng cạnh tranh qua các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Thành phố cần phải trở thành trung tâm khoa học-công nghệ kết nối vùng và có khả năng cạnh tranh với các đô thị khác trong khu vực.