Phát triển khoa học - công nghệ để tăng trưởng nhanh

Xây dựng chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ quan trọng. Trong quá trình triển khai rất cần sự chủ động tham gia tích cực và đồng hành xuyên suốt của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp... để khoa học - công nghệ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư máy móc và công nghệ mới để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: BẮC SƠN
Doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư máy móc và công nghệ mới để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: BẮC SƠN

Đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ tại nhiều địa phương

Trong những năm gần đây, TP Đà Nẵng luôn chú trọng hình thành, phát triển thị trường khoa học - công nghệ. Nhiều chính sách được tích cực triển khai như: Chính sách đặc thù của thành phố về hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; chính sách về hỗ trợ phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chính sách phát triển tài sản trí tuệ và hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa... đã góp phần phát triển nguồn cung hàng hóa khoa học - công nghệ từ các viện, trường và gia tăng nhu cầu, năng lực tiếp cận, làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Các chính sách đã xác định mục tiêu lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo liên kết, kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và thúc đẩy phát triển thị trường khoa học - công nghệ...

Ths Trần Thị Thùy Dương, Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin. Thành phố hiện có 2,1 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân; đây là tỷ lệ cao thứ hai cả nước chỉ sau TP Hồ Chí Minh. Nhân lực đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin khoảng 44 nghìn người (chiếm 7,5% lực lượng lao động). Bên cạnh đó, Đà Nẵng là địa phương có tốc độ internet nhanh nhất Việt Nam với 41,75 Mb/giây; mạng dữ liệu di động phủ sóng 100% khu vực dân cư; có 38 trường đại học, cao đẳng với khoảng 6.000 học viên mỗi năm.

Ông Võ Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng, Trưởng Làng công nghệ Metaverse Việt Nam cho rằng, thị trường khoa học - công nghệ của thành phố đang từng bước hình thành nhưng chưa sôi động, thiếu vắng các tổ chức trung gian mạnh, nhất là các tổ chức có năng lực về tư vấn, định giá, xúc tiến, kết nối chuyển giao công nghệ. Lượng giao dịch hàng hóa công nghệ còn hạn chế, tốc độ phát triển còn chậm và thị trường còn nhỏ lẻ; việc hình thành các doanh nghiệp khoa học - công nghệ và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học vẫn còn hạn chế. Vì vậy, TP Đà Nẵng cần xây dựng Đề án phát triển thị trường khoa học - công nghệ trên cơ sở nghiên cứu chuyên sâu với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học; tổ chức trung gian phát triển thị trường khoa học và công nghệ; đề xuất biện pháp khắc phục những hạn chế, vướng mắc để phát triển mạnh mẽ thị trường, tăng lượng giao dịch chuyển nhượng, chuyển giao công nghệ, hàng hóa khoa học và công nghệ...

Tại tỉnh Sóc Trăng, trong thời gian qua, các nhiệm vụ khoa học - công nghệ được xác định theo hướng chú trọng giải quyết các nhu cầu cấp thiết của địa phương, nội dung của các đề tài, dự án tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm của tỉnh. Kết quả nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống, đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng Vũ Thị Hiếu Đông, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu năng suất lao động tăng từ 6,2-6,5%/năm; năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 40% GRDP; kinh phí từ ngân sách tỉnh chi cho hoạt động sự nghiệp khoa học - công nghệ hằng năm giữ mức ổn định, đạt từ 0,25- 0,3% tổng chi ngân sách. Huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học - công nghệ, phấn đấu đến năm 2025 chiếm từ 46-50%; nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt từ 9-10 người trên một vạn dân; số đơn đăng ký mới về sở hữu trí tuệ tăng trung bình từ 8-10%/năm. Tỉnh cũng phấn đấu có ít nhất 40% số sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ; hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm công nghệ, kết nối với đối tác trong nước và ngoài nước…

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, tỉnh Sóc Trăng đã đưa ra đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tỉnh tham gia, được thụ hưởng kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ từ các nhiệm vụ khoa học - công nghệ quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, trọng tâm là đổi mới sáng tạo, phát triển các thế mạnh liên quan đến khoa học kỹ thuật của địa phương. Cụ thể là xây dựng các mô hình ứng dụng, giải pháp công nghệ mới trong lĩnh vực trồng trọt (số hóa các dữ liệu trồng trọt để phục vụ công tác quản lý nhà nước hiệu quả hơn); thủy sản (quản lý vùng nuôi, ứng dụng theo dõi, quan trắc môi trường nước tự động); quản lý khai thác biển (ứng dụng công nghệ thông tin lập nhật ký khai thác, nhật ký thu mua điện tử kết nối với Ban quản lý Cảng cá để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác)… Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tỉnh các dự án gắn với các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, như: “Đa dạng hóa sản phẩm chế biến và nâng cao hiệu suất thu hồi sản phẩm xay xát lúa gạo, phát triển các sản phẩm tạo giá trị gia tăng từ lúa gạo ST”; “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ chế biến các sản phẩm từ trái cây (vú sữa, bưởi, nhãn,...). Đồng thời, hỗ trợ tỉnh xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Sóc Trăng” cho sản phẩm gạo thuộc giống lúa ST24 và ST25 trên địa bàn tỉnh, đưa nhãn hiệu đã được bảo hộ vào chương trình, kế hoạch hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài…

Ứng dụng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo

Từ năm 2017, Việt Nam đã sử dụng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố hằng năm nhằm xác định các điểm mạnh, điểm yếu của quốc gia để đưa ra các giải pháp, biện pháp cải thiện phù hợp, cũng như kịp thời xây dựng, ban hành các chính sách liên quan nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, trong 12 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo. Việt Nam là một trong số ít những quốc gia thu nhập trung bình thấp được WIPO ghi nhận có tốc độ bắt kịp về đổi mới sáng tạo nhanh nhất. Kết quả này được GII đánh giá theo 80 tiêu chí, tùy từng địa phương để thay đổi tiêu chí cho phù hợp và được áp dụng trên 20 tỉnh, thành phố của cả nước.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: Thời gian tới, các địa phương cần sử dụng các kết quả đánh giá vào công tác, chỉ đạo điều hành, xây dựng và thực hiện các biện pháp, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo của các địa phương và quốc gia. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với tổ chức WIPO và các đơn vị, tổ chức liên quan để triển khai đánh giá, sử dụng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII; hỗ trợ các địa phương trong việc tìm hiểu phương pháp, cách tính toán, ý nghĩa của các chỉ số, xếp hạng và cách thức thu thập, cung cấp thông tin phục vụ đánh giá, xếp hạng; xây dựng các nhóm chuyên gia theo từng lĩnh vực để thiết kế các chỉ số phù hợp thông lệ quốc tế, bảo đảm tính khả thi trong thu thập dữ liệu và phục vụ tính toán, xếp hạng. Qua đó, đề nghị các đơn vị, cơ quan lồng ghép chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương vào trong các bộ chỉ số khác nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành. Đồng thời, sắp xếp nguồn lực, tổ chức cung cấp dữ liệu kịp thời, chính xác để phục vụ tính toán, cũng như sử dụng các kết quả đánh giá vào công tác chỉ đạo điều hành tại địa phương, góp phần nâng cao năng lực kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo của các địa phương và của quốc gia.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang đề xuất Chính phủ cho triển khai chính thức GII từ 2023 trên phạm vi toàn quốc. Bộ sẽ hỗ trợ các địa phương trong việc tìm hiểu phương pháp, cách tính toán, ý nghĩa của các chỉ số xếp hạng và cách thức thu thập, cung cấp thông tin phục vụ đánh giá, xếp hạng. Từ đó rút kinh nghiệm cũng như hoàn thiện phương pháp, cách thức triển khai, đánh giá tác động của bộ chỉ số với các địa phương.