Đầu tư phát triển khoa học-công nghệ đúng hướng

Với định hướng phát triển khoa học và công nghệ tạo động lực gia tăng các chỉ số phát triển bền vững, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ các nhà khoa học.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội.

Các cơ chế, chính sách tập trung, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các nhóm nghiên cứu có công bố tốt và các chương trình, đề tài khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia.

Theo PGS, TS Vũ Văn Tích, Trưởng Ban Khoa học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), thời gian vừa qua, các cơ chế, chính sách được Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành, tạo hành lang pháp lý, phát triển sản phẩm khoa học và công nghệ. Điển hình là quy định về quản lý tài sản trí tuệ; hướng dẫn phát triển và ưu đãi nhóm nghiên cứu mạnh; hỗ trợ công bố quốc tế; công nhận, quản lý và phát triển phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu trọng điểm.

Đáng chú ý, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Đây là văn bản pháp lý quan trọng nhằm định hướng phát triển khoa học và công nghệ của đơn vị lên một tầm cao mới, tạo đột phá chiến lược để trở thành đại học thông minh, đổi mới sáng tạo.

Chủ trương hỗ trợ tài chính đối với cán bộ khoa học trẻ cũng được đưa ra nhằm nâng cao thu nhập cho cán bộ khoa học trẻ yên tâm công tác, tập trung vào giảng dạy, nghiên cứu để tăng số lượng, chất lượng các sản phẩm nghiên cứu khoa học, góp phần gia tăng chỉ số đổi mới sáng tạo.

Các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội được bố trí vốn đầu tư phát triển, tăng cường năng lực nghiên cứu để thực hiện dòng sản phẩm khoa học và công nghệ ưu tiên. Trong đó, đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh theo nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia trọng điểm từ 1-3 tỷ đồng trong vòng ba năm; đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp từ 1-2 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển thị trường thương mại hàng hóa.

Ngoài ra, Đại học Quốc gia Hà Nội phát triển tiềm lực theo định hướng đổi mới sáng tạo gắn kết nhu cầu thị trường với 10 phòng thí nghiệm trọng điểm, 30 nhóm nghiên cứu mạnh... Nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm nghiên cứu trọng điểm giai đoạn 2023-2028 đã được triển khai hiệu quả. Điển hình như Phòng thí nghiệm trọng điểm “Phát triển năng lượng sinh học” năm 2022 thực hiện công bố 25 bài báo khoa học trên hệ thống ISI, một đề tài độc lập cấp nhà nước, một đề tài Nafosted, một đề tài VinIF, đề tài quỹ phát triển khoa học công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội)...

Phòng thí nghiệm trọng điểm Vật liệu tiên tiến ứng dụng trong phát triển xanh, năm 2022, thực hiện 30 công bố quốc tế; 6 đề tài nghiên cứu trong nước và 3 đề tài hợp tác quốc tế; đào tạo 3 nghiên cứu sinh... Trong khi đó, nhiều nhóm nghiên cứu mạnh hoạt động hiệu quả. Điển hình như nhóm nghiên cứu mạnh Kinh tế phát triển (do PGS, TS Nguyễn An Thịnh làm trưởng nhóm) là đồng tác giả 50 bài báo quốc tế, trong đó tác giả chính của 25 bài trên hệ thống SCOPUS... Các nghiên cứu công bố quốc tế năm 2022, chưa được tài trợ, được Đại học Quốc gia Hà Nội hỗ trợ 4,462 tỷ đồng; năm 2023 là 6,1 tỷ đồng.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - GS, TS Lê Quân cho biết, nhiều nhà khoa học tham gia vào các tổ tư vấn chính sách, phản biện chính sách của các bộ, ban, ngành; tham gia phối hợp với các địa phương triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển kinh tế-xã hội. Với các chính sách đã được triển khai, Đại học Quốc gia Hà Nội thu hút được hơn 100 nhà khoa học trẻ trình độ cao về làm việc và số lượng bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín cũng tăng mạnh với 1.600 bài năm 2022.

Đầu tư phát triển khoa học-công nghệ đúng hướng ảnh 1

Nhóm sinh viên Viện Hàng không Vũ trụ, Trường đại học Công nghệ thuyết trình đề tài nghiên cứu khoa học. (Ảnh Đại học Quốc gia Hà Nội)

Cùng với đó, xếp hạng, chỉ số về mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng và chỉ số uy tín trong cộng đồng của đơn vị gia tăng mạnh. Theo bảng xếp hạng ảnh hưởng của Times Higher Education, Đại học Quốc gia Hà Nội có tên trong danh sách 70 cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới về giáo dục có chất lượng.

Năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội xác định đột phá về hoạt động khoa học và công nghệ. Bên cạnh những chính sách đã ban hành và triển khai, đơn vị tập trung phát triển các nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm, tháo gỡ vướng mắc về việc thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Phát triển hệ thống phòng thí nghiệm liên ngành tại khu 22,9ha ở Hòa Lạc để đổi mới việc tổ chức nghiên cứu gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; các nghiên cứu tham gia giải quyết các vấn đề lớn của đất nước. Theo GS, TS Lê Quân, chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Đại học Quốc gia Hà Nội xác định ưu tiên tập trung vào các chương trình, nhiệm vụ hỗ trợ các địa phương nghiên cứu, hướng tới triển khai sản phẩm khoa học và công nghệ ứng dụng vào thực tiễn, phát triển sinh kế của người dân. Đại học Quốc gia Hà Nội khuyến khích doanh nghiệp cùng tham gia hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm và cam kết tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, cơ chế chính sách.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết, năm 2023 và giai đoạn tới, Đại học Quốc gia Hà Nội cần tập trung triển khai đồng bộ và hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ, trong đó quan tâm đến thúc đẩy thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia.

Huy động các nguồn lực để đầu tư cho hoạt động, thúc đẩy đổi mới các phương thức triển khai hoạt động khoa học và công nghệ; nhất là hoạt động thương mại hóa, chuyển giao kết quả nghiên cứu. Bộ Khoa học và Công nghệ quan tâm ủng hộ các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.