Sức vươn của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt
Từng được biết đến là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành chiếu sáng Việt Nam, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang hiện đã mở rộng sản xuất và kinh doanh các sản phẩm chiếu sáng đa dạng như hệ thống chiếu sáng như hầm xe thông minh, khách sạn, văn phòng, thời trang, nhà thông minh… hiện đại, tiết kiệm chi phí. Chẳng hạn như hệ thống chiếu sáng hầm xe sẽ phát hiện xe ra vào điều chỉnh ánh sáng phù hợp theo chuyển động thay vì bật 24/24 như thông thường.
Đại diện Điện Quang cho biết, doanh nghiệp sử dụng giải pháp chiếu sáng thông minh toàn diện của Điện Quang sẽ tiết kiệm tới 80% năng lượng điện tiêu thụ, bởi giải pháp cài đặt chế độ cảm biến và hệ thống quản lý đến từng điểm sáng. Hệ thống chiếu sáng tận dụng tối đa nguồn sáng tự nhiên nên đèn tự động điều chỉnh cường độ sáng tăng, giảm theo ánh sáng tự nhiên...
Ông Hồ Quỳnh Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Điện Quang cho biết với mảng công nghiệp hỗ trợ, Điện Quang tham gia với hai vai trò là nhà cung cấp (Supplier) và cả nhà mua hàng (Buyer). Hiện, Điện Quang đã và đang đẩy mạnh đầu tư quy mô lớn vào công nghiệp điện tử và nhựa kỹ thuật, để mở ra những cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.
Cũng theo ông Hưng, Điện Quang đã đầu tư dây chuyền sản xuất đồng bộ, hiện đại như nhà máy Chip LED, nhà máy sản xuất bo mạch điện tử, sản xuất lắp ráp các sản phẩm OEM, ODM…
Điện Quang là một trong những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã có sự đổi mới, bứt phá để phát triển trong thời gian qua. Theo số liệu cập nhật từ Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), hiện nay, cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia sản xuất cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô-tô, điện tử, cơ khí, dệt may, da giày. Trong đó, 70% doanh nghiệp tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước, 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% tham gia cung cấp cho cả hai. Như vậy, khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chưa thực sự phát triển hết tiềm năng. Tham gia lĩnh vực này phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, công nghệ, nguồn nhân lực, vốn… Bên cạnh đó, thị trường công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ, sản lượng thấp nên chưa thu hút các doanh nghiệp đối tác. Chính vì thế, việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam còn nhiều khó khăn.
Ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ô-tô Trường Hải (Thaco) cho biết, nút thắt của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện nay là làm sao để có sản lượng lớn, đủ năng lực thì khách hàng mới tìm đến. Tuy nhiên, các doanh nghiệp của chúng ta đầu tư chưa tới, chưa có tự tin để bước ra ngoài lãnh thổ của mình.
Một trong những nguyên nhân chính gây khó khăn cho ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam đó là quy mô thị trường và sản xuất nhỏ, chưa thu hút được các nhà cung cấp linh kiện.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Công ty Toyota Việt Nam
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh và Đối ngoại Công ty Toyota Việt Nam khẳng định thêm, một trong những nguyên nhân chính gây khó khăn cho ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam đó là quy mô thị trường và sản xuất nhỏ, chưa thu hút được các nhà cung cấp linh kiện. Sản lượng sản xuất tính trên mỗi mẫu xe tại Việt Nam thấp hơn hẳn so một số nước trong khu vực như Thái lan, Indonesia… Do thiếu quy mô sản xuất tập trung nên ngành ô-tô trong nước rất khó để nội địa hóa.
Nếu so sánh với các nước trong khu vực, Thái Lan hiện đang sản xuất khoảng 2 triệu xe thì trong đó 50% dành cho nội địa và 50% xuất khẩu, Indonesia sản xuất khoảng 1,1-1,2 triệu xe thì trong đó tiêu dùng nội địa chiếm 80-90% còn lại xuất khẩu, Việt Nam chỉ sản xuất khoảng 250-300 nghìn chiếc xe/năm. Thái Lan, Indonesia xuất khẩu sang Việt Nam và các nước khác.
Như vậy, xe ô-tô của Việt Nam cạnh tranh trực tiếp từ các nước trong khu vực, trong khi thuế suất nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước về Việt Nam 0%. Vì vậy ngay tại thị trường trong nước, ngành ô-tô cũng đã có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa hàng Việt với hàng nhập khẩu. Với ngành công nghiệp hỗ trợ, gần 500 doanh nghiệp Việt Nam có đủ tiêu chuẩn làm nhà cung ứng cấp 1 để cung ứng linh kiện cho ngành ô-tô.
Vấn đề gốc rễ để ngành ô-tô trong nước khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu và khó thu hút các doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu trong nước là do sản lượng sản xuất nhỏ, dẫn đến chi phí lớn.
Cần có những doanh nghiệp đầu tầu để dẫn dắt ngành công nghiệp hỗ trợ. |
Đẩy mạnh liên kết để thúc đẩy sản xuất
Để các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi liên kết với các nhà sản xuất là phải cắt giảm được chi phí sản xuất. Cụ thể, các doanh nghiệp cần được tiếp cận tín dụng tốt hơn thông qua hình thức vay ưu đãi, bảo lãnh không thế chấp... Song song đó là cải thiện khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, các thủ tục xây dựng nhà máy.
Để xây dựng nền công nghiệp tự chủ, cần có thêm cơ chế cho những doanh nghiệp đầu tàu.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương)
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) chia sẻ thêm, để xây dựng nền công nghiệp tự chủ, cần có thêm cơ chế cho những doanh nghiệp đầu tàu. Đến giai đoạn này, chúng ta đã manh nha những doanh nghiệp có tiềm năng phát triển. Đây sẽ là động lực dẫn dắt ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển trong tương lai.
“Hiện, Bộ Công thương đã triển khai thành lập 3 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại 3 vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền bắc, miền trung và miền nam, với mục tiêu sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm, nâng cao năng suất chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Hoài cho biết.
Theo các chuyên gia, để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu công nghiệp hóa, lấy công nghiệp chế biến, chế tạo làm trọng tâm, trong đó tập trung xây dựng nền sản xuất tự chủ. Để làm được điều này, chính sách phát triển công nghiệp cần tập trung vào những ngành và lĩnh vực nền tảng, ưu tiên. Trong đó, cần xây dựng những khu, cụm công nghiệp liên kết ngành quy mô lớn để thu hút đầu tư cũng như xây dựng các chuỗi sản xuất.
Ông Phạm Văn Tài nhấn mạnh thêm, hiện chúng ta có 3 lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ, đó là lực kéo của thị trường, lực đẩy của khoa học công nghệ và lực nâng của chính sách. Chính sách nhà nước cần phải cụ thể hơn, gắn bó mật thiết với các doanh nghiệp như các gói ưu đãi về thuế, đầu tư các khu công nghiệp chuyên ngành và giá trị lớn hay như những doanh nghiệp xuất khẩu phải có chính sách để khuyến khích, hỗ trợ để doanh nghiệp có thể hội nhập và vươn ra thế giới…
“Các doanh nghiệp phải đoàn kết, hợp tác với nhau. Để làm điều này cần có những doanh nghiệp lớn dẫn đường cho doanh nghiệp nhỏ”, ông Phạm Văn Tài nói.