Nâng cao năng lực sản xuất của ngành ô-tô

Chung quanh phát ngôn gây tranh cãi “Việt Nam chỉ làm được ốc-vít cho biển số ô-tô” của PGS, TS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) khi đặt vấn đề “Việt Nam đã có một nền công nghiệp ô-tô chưa?”, nhiều chuyên gia đã đưa ra ý kiến của mình về ngành công nghiệp ô-tô ở Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều dòng xe Việt Nam có tỷ lệ nội địa hóa từ 30-40%. Ảnh: ANH QUÂN
Nhiều dòng xe Việt Nam có tỷ lệ nội địa hóa từ 30-40%. Ảnh: ANH QUÂN

Chưa sản xuất được ốc-vít ô-tô?

Phát ngôn của PGS, TS Phan Đăng Tuất nhấn mạnh khi đặt vấn đề Việt Nam đã có một nền công nghiệp ô-tô chưa?”. Ông Tuất khẳng định: “Chúng ta chưa có công nghiệp ô-tô vì không có nền khoa học cơ bản. Công nghiệp ô-tô là ngành tích hợp của rất nhiều ngành khoa học cơ bản, như ngành vật liệu, động lực học, điện, điện tử, môi trường sinh thái…”.

Theo ông Tuất, để có một nền công nghiệp ô-tô, đầu tiên phải có một nền khoa học kỹ thuật và công nghệ cơ bản. Sau đó, phải có nền công nghiệp vật liệu, phải sản xuất ra thép hợp kim. Trên một chiếc ô-tô (xe bốn chỗ ngồi) có hơn 20.000 chi tiết linh kiện, dùng hơn 200 mác thép kim loại và Việt Nam chưa chế tạo được mã nào trong số 200 mã thép đó để có được công nghiệp ô-tô.

Thí dụ ông Tuất đưa ra là “chúng ta duy nhất chỉ làm cái ốc-vít bắt cho biển số và chỉ sáu tháng sau, nó gỉ mất rồi”.

Bình luận về phát ngôn đó của PGS, TS Phan Đăng Tuất, đại diện Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) nói thẳng “chưa xác đáng, chưa hiểu rõ về năng lực của doanh nghiệp Việt Nam”. Đại diện VEAM cho biết, các doanh nghiệp thành viên của VEAM là DISOCO, FOMECO đã xuất khẩu được nhiều linh kiện ô-tô. Còn tính riêng về sản xuất ốc-vít, Công ty CP Ốc-vít Brother Việt Nam ở Bắc Ninh cũng đã có nhiều sản phẩm phục vụ cho các ngành công nghiệp như ô-tô, đồ gia dụng, thiết bị điện, điện tử và gần đây đang hướng tới các sản phẩm cho ngành hàng không.

Chưa kể, những “ông lớn” ngành ô-tô của Việt Nam như Vinfast còn sản xuất được cả động cơ ô-tô điện và các chi tiết khác. Hay Hyundai Thành Công cũng đã xây dựng các nhà máy sản xuất phụ tùng, linh kiện để lắp ráp ô-tô. Còn Tập đoàn Thaco Trường Hải, nhiều năm nay, nhiều dòng xe có tỷ lệ nội địa hóa từ 30-40% và còn xuất khẩu linh kiện cho các nhà máy của hãng xe Kia trong khu vực.

Dung lượng thị trường sẽ quyết định

Bình luận về nền công nghiệp ô-tô Việt Nam, PGS, TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô-tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhìn nhận, công nghiệp luyện kim, khoa học cơ bản của Việt Nam chưa tốt để có thể sản xuất được hết. Tuy nhiên, đó cũng là tình trạng của Thailand hay Indonesia. Theo ông Phúc, cả thế giới cũng chỉ có một vài nước phát triển công nghiệp luyện kim tốt, quan trọng là ngành công nghiệp hỗ trợ tốt là được.

Thực tế, báo cáo từ Bộ Công thương cho thấy, hiện chỉ một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô-tô tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nói về vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ thị trường. Dung lượng thị trường sẽ quyết định nền công nghiệp ô-tô. Dẫn chứng thực tế “Chiếc xe máy hiện nay không có quy định gì về tỷ lệ nội địa hóa, nhưng tỷ lệ nội địa hóa vẫn rất cao, hơn 90% vì thị trường đủ lớn”, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, chuyên gia về chuỗi cung ứng nhấn mạnh, tăng tỷ lệ nội địa hóa không phụ thuộc vào quy định và mong muốn của cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan quản lý cũng không can thiệp được vào tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất để quyết định doanh nghiệp nội địa hóa hay không là quy mô thị trường. “Nếu như quy mô thị trường đủ lớn, chi phí để đầu tư sản xuất trong nước rẻ hơn. Khi đó, doanh nghiệp sẽ tự đầu tư sản xuất linh kiện”, bà Thúy bình luận.

Vì lẽ đó, theo bà Thúy, điều kiện đầu tiên để làm được các sản phẩm linh kiện là phải bảo đảm chất lượng của sản phẩm; hai là phải bảo đảm tính kinh tế của sản phẩm.

Đồng quan điểm, PGS, TS Đàm Hoàng Phúc cho rằng, ngành ô-tô sẽ mở ra nhiều cơ hội, nhiều phân khúc, nhiều phân tầng khác nhau và chúng ta phải tự định hình mình đang ở đâu, mạnh cái gì để phát triển tập trung. Chúng ta cũng không nên đánh giá theo tình hình thế giới, bởi sản lượng thị trường quá thấp nên rất khó cạnh tranh khi chúng ta đi theo dung lượng thị trường khác.

“Thailand năm 2000 sản lượng cũng như Việt Nam hiện nay, nhưng bây giờ họ có sản lượng hai triệu xe, một nửa tiêu dùng trong nước, một nửa xuất khẩu. Sản lượng lớn như vậy thì mới trở thành động lực thúc đẩy nội địa hóa”, ông Phúc dẫn chứng.

Chuyên gia cơ khí Ngô Văn Tuyển cũng cho rằng, vấn đề của chế tạo máy là công nghệ vật liệu, công nghệ gia công. Linh kiện làm ra vừa phải đáp ứng về mặt kỹ thuật, công nghệ, vừa phải có tính cạnh tranh. Do đó, trong khi, quy mô thị trường ngành ô-tô hiện nay là không lớn, lại có quá nhiều mẫu xe, nên sẽ gần như không đủ sản lượng kinh tế cho bất kỳ linh kiện nào.

Đến nay, Việt Nam có hơn 40 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, lắp ráp xe ô-tô; một số doanh nghiệp trong nước đã tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất ô-tô toàn cầu như Thaco, Vinfast… Sau hơn 20 năm, tỷ lệ nội địa hóa trung bình 7-10%, như xe bus Thaco đã nội địa hóa hơn 60%; xe tải sơ-mi rơ-móc Thaco xuất khẩu sang Mỹ với tỷ lệ nội địa hóa 35-45%. Một số dòng xe ô-tô của Mazda, Peugeot cũng được Thaco nội địa hóa 15-25%.