Tính từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã xảy ra 7 cơn bão; 2 cơn áp thấp nhiệt đới; 211 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; 197 trận dông lốc, sét; 87 vụ sạt lở bờ sông, triều cường; 238 trận động đất; 9 trận gió mạnh trên biển và 2 đợt rét đậm làm 148 người chết, mất tích, 263 người bị thương, 730 nhà sập, 17.320 nhà hư hỏng, tốc mái và nhiều thiệt hại khác, ước tính tổng thiệt hại hơn 11.915 tỷ đồng.
Riêng đối với khu vực Tây Nguyên đã xảy ra 11 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; 14 trận dông lốc, sét; 211 trận động đất làm 5 người chết, mất tích, 9 người bị thương, hơn 200 nhà bị sập và hư hỏng và nhiều thiệt hại khác ước tính tổng thiệt hại tính đến thời điểm hiện nay là 45 tỷ đồng.
Đặc biệt, trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, nơi có 4 hồ chứa thủy điện và 25 hồ chứa thủy lợi nhỏ, đã xảy ra liên tiếp các trận động đất và xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ, trong đó, trận động đất có độ lớn 4,7 xảy ra vào ngày 24/8 là trận động đất được ghi nhận lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Kon Tum.
Những trận động đất xảy ra liên tiếp chưa gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng nhưng cũng đã gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến tâm lý lo lắng đối với người dân, học sinh trên địa bàn và có nguy cơ ảnh hưởng an toàn hồ đập, vùng hạ du.
Hội nghị nhằm hướng dẫn cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai cấp huyện nắm các nội dung để chủ động xây dựng tài liệu, bài giảng cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở, bảo đảm hiệu quả thiết thực cũng như hướng dẫn một số kỹ năng cơ bản ứng phó với thiên tai; lồng ghép một số chuyên đề về ứng phó với động đất để chủ động triển khai nhiệm vụ khi có tình huống, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân, học sinh khu vực thường xuyên xảy ra động đất không hoang mang, lo lắng.
Các đại biểu tham gia tập huấn. |
Bên cạnh nỗ lực của các lực lượng chuyên nghiệp của Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện trong công tác phòng, chống thiên tai, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã có vai trò nòng cốt thực hiện phương châm “4 tại chỗ” ở cơ sở là lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ phòng ngừa như: tuyên truyền, rà soát các vị trí xung yếu,… và các nhiệm vụ ứng phó và khắc phục hậu quả, khôi phục đời sống, sản xuất của nhân dân.
Qua hội nghị tập huấn, các cấp chính quyền địa phương sẽ xác định rõ trách nhiệm trong việc đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở, đặc biệt là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện để bảo đảm trong thời gian tới, 100% lực lượng xung kích trên địa bàn được đào tạo, tập huấn nâng cao các kỹ năng về phòng, chống thiên tai nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn khi thiên tai xảy ra tại địa phương. Bên cạnh đó, quán triệt các cấp trong việc thực hiện nghiêm Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 09/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Hội nghị tập huấn diễn ra trong thời gian 3 ngày từ 2-4/11/2022 sẽ tập trung về 2 nhóm nội dung chính là tập huấn lý thuyết và thực hành kỹ năng.