Đẩy mạnh xử lý, tái chế và sử dụng tro, xỉ, thạch cao hướng đến nền kinh tế tuần hoàn

NDO - Ngày 18/11, tại Hà Nội, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo với chủ đề “Xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao - Giải pháp cho phát triển bền vững”, theo cả hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến, kết nối 50 điểm cầu trên khắp cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
PGS, TS Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi-măng Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
PGS, TS Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi-măng Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Sự kiện nhằm đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; hưởng ứng Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022, và tăng cường tuyên truyền công tác quản lý, xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao hướng đến nền kinh tế tuần hoàn ở các địa phương, doanh nghiệp.

Tham dự hội thảo có PGS, TS Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi-măng Việt Nam; PGS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường; TS Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường; cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam…

Phát biểu khai mạc, TS Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, hội thảo là diễn đàn để các doanh nghiệp nêu ra những khó khăn trong xử lý, tái chế, tiêu thụ tro xỉ, thạch cao. Trên cơ sở đó, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp, khuyến nghị đối với công tác quản lý, xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao hướng đến nền kinh tế tuần hoàn phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.

Đẩy mạnh xử lý, tái chế và sử dụng tro, xỉ, thạch cao hướng đến nền kinh tế tuần hoàn ảnh 1

TS Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo.

“Tái chế và tái sử dụng tro, xỉ, thạch cao vào sản xuất và các hoạt động kinh tế khác sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, đây cũng là lợi ích và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chuyển giao những công nghệ hiện đại, hướng tới phương thức sản xuất thân thiện với môi trường” - TS Đào Xuân Hưng cho biết.

Theo PGS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, kinh tế tuần hoàn đang được đánh giá là một trong những giải pháp góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững, mang lại các lợi ích cả về kinh tế, tạo việc làm, sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm nguy cơ ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở ASEAN đưa ra quy định riêng về kinh tế tuần hoàn và nhiều công cụ chính sách khác có vai trò thúc đẩy kinh tế tuần hoàn khác như trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, tín dụng xanh, trái phiếu xanh, … trong pháp luật về bảo vệ môi trường 2020.

PGS Nguyễn Đình Thọ cho rằng đây là nền tảng chính trị, pháp lý quan trọng để phát triển các mô hình tăng trưởng mới giải quyết hài hòa được mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường, giữa con người với tự nhiên.

Đẩy mạnh xử lý, tái chế và sử dụng tro, xỉ, thạch cao hướng đến nền kinh tế tuần hoàn ảnh 2

PGS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Đối với công tác quản lý, xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao trong thời gian qua, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg năm 2021 về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng. Đây được xem là “cú huých” nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ tro, xỉ đang tồn đọng tại các nhà máy sản xuất điện, phân bón, hóa chất hiện nay.

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT. Theo đó, quy định tro bay từ quá trình đốt than của nhà máy nhiệt điện là chất thải rắn công nghiệp thông thường thay vì phải kiểm soát ngưỡng nguy hại theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật môi trường về ngưỡng chất thải nguy hại như trước đây. Việc thay đổi quy định này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tiêu thụ tro, xỉ phát thải từ các nhà máy nhiệt điện đốt than.

Tại hội thảo, các tham luận và ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tập trung làm rõ thực trạng quản lý, xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao tại các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón trên cả nước trong thời gian qua; đề cập những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn triển khai; đồng thời đưa ra những giải pháp thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao trong thời gian tới.

Hội thảo truyền thông điệp kêu gọi sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp tích cực thực thi những chính sách mới trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và có những giải pháp phù hợp trong quản lý, xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhằm bảo vệ môi trường sống an toàn, trong lành cho cộng đồng xã hội, đồng thời hướng tới các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, để bảo đảm sự phát triển bền vững, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và môi trường sống của nhân dân.

Theo số liệu tổng hợp từ các tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam và các nhà máy nhiệt điện khác, hiện cả nước có 29 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động. Trong năm 2021, tổng lượng tro, xỉ thải từ các nhà máy nhiệt điện trên cả nước khoảng hơn 16 triệu tấn.
Tính đến cuối năm 2021, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ cộng dồn qua các năm trên cả nước khoảng 43,4 triệu tấn, chiếm khoảng 48% tổng lượng phát thải từ trước tới nay (tăng hơn 7% so với thời điểm cuối năm 2020). Đồng thời, các nhà máy phân bón, hóa chất cũng phát thải ra hàng triệu tấn tro, xỉ, thạch cao hằng năm.