Theo báo cáo của đại diện lãnh đạo các đơn vị quản lý vận hành các Nhà máy Nhiệt điện trong Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân gồm: Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng và Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Tình hình sản xuất của các nhà máy được duy trì vận hành ổn định, hoàn thành tốt nhiệm vụ phát điện. Sản lượng điện năm 2020 của các nhà máy cơ bản đạt kế hoạch được giao, bảo đảm cung ứng đủ điện, đặc biệt tại khu vực miền nam vào các tháng mùa khô. Lũy kế ba tháng đầu năm 2021, bình quân các nhà máy sản xuất sản lượng điện hơn 1,2 tỷ kWh. Các nhà máy đã nỗ lực tích cực trong việc hoàn thiện đầy đủ tất cả các thủ tục cũng như thực hiện các quy định theo chính sách pháp luật về công tác bảo vệ môi trường. Tiếp tục đầu tư các hệ thống xử lý khí thải tại các nhà máy và duy trì tốt sự vận hành nhằm bảo đảm Quy chuẩn Việt Nam. Đẩy mạnh công tác truyền thông về bảo vệ môi trường.
Các nhà máy đã xây dựng quy trình thực hiện thu gom, vận chuyển tro xỉ, lưu trữ tại bãi và trình Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh phê duyệt. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và phối hợp cùng các nhà thầu vận chuyển tại bãi xỉ nhằm bảo đảm công tác thu gom, vận chuyển và xử lý tro xỉ theo đúng quy trình vận hành đã phê duyệt. Đến nay, tro xỉ của các nhà máy đều đã được hợp chuẩn hợp quy tương ứng với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hướng dẫn từng mục đích sử dụng làm nguyên vật liệu xây dựng phù hợp (phụ gia xi-măng, bê-tông, san lấp và nền đường, ....).
Các nhà máy nhiệt điện trong trung tâm đã tích cực hỗ trợ để chuyển giao khối lượng tro xỉ cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng làm phụ gia xi-măng, vật liệu xây dựng (trong năm 2020 tỷ lệ chuyển giao tro, xỉ của Vĩnh Tân 1 đạt 26,96%, Vĩnh Tân 2 đạt 54,01%, Vĩnh Tân 4 đạt 34,07%). Ngoài ra, Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân đang xuất tro bay qua cảng dầu nhà máy nhằm giảm tải việc vận chuyển khối lượng tro, xỉ ra bãi lưu chứa tro, xỉ. Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (Công ty BOT) quản lý vận hành Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 thực hiện hỗ trợ các đơn vị tiêu thụ tro xỉ 60.000 đồng/tấn tro xỉ.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Đức Hòa cho biết, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác theo dõi việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường đối với các Dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (Tổ công tác 1184). Qua giám sát, các nhà máy đã chấp hành tốt việc thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan, được cấp chứng nhận Giấy chứng nhận hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn TCVN ISO 14001:2015, các nhà máy đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động khí thải, nước thải theo quy định, công khai thông tin quan trắc tự động ở các nhà máy để người dân giám sát. Tình hình môi trường tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân trong thời gian qua nhìn chung ổn định, các thông số quan trắc môi trường nước thải, khí thải trong giới hạn cho phép.
Mặc dù các chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân đã tích cực triển khai đề án và hỗ trợ các đơn vị có chức năng tiếp nhận xử lý tro xỉ. Tuy nhiên, khối lượng tro xỉ tiêu thụ chưa đạt hiệu quả. Cụ thể đến hết tháng 2-2021, lượng tro, xỉ phát sinh và tồn trữ tại bãi chứa gần 11 triệu tấn. Trong đó, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 là 3,4 triệu tấn; bãi chứa của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, 4 và 4 mở rộng đến thời điểm này đã chứa 6,8 triệu tấn, gần đầy so với khả năng của bãi chứa là 7,2 triệu tấn.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, bãi chứa tro, xỉ của các Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4 và 4 mở rộng đã gần đầy, cho nên vấn đề tiêu thụ tro xỉ cần phải hết sức quan tâm. Việc sử dụng tro xỉ, hiện nay theo quy định của pháp luật về môi trường, tất cả trong xỉ đã được phân định theo các tiêu chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành và đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy thì được coi như là một dạng sản phẩm hàng hóa chứ không còn được coi là chất thải. Chính vì thế nên việc quản lý sử dụng từ khâu vận chuyển cho đến khâu sử dụng thì được thực hiện theo các quy định pháp luật chuyên ngành nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật đưa ra.
Về mặt quy định pháp lý, về mặt môi trường Tổng cục Môi trường cũng đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn nội dung này. Quan trọng nhất là chúng ta phải tính được phương án tiêu thụ lượng tro xỉ này.
Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng nêu rõ, trong các năm 2018, 2019 Bộ Xây dựng đã ban hành tiêu chuẩn sử dụng tro xỉ của nhà máy nhiệt điện đốt than để làm vật liệu san lấp; tiêu chuẩn dùng tro xỉ nhiệt điện đốt than làm nền đường giao thông và các tiêu chuẩn kỹ thuật trong xây dựng, thi công và nghiệm thu. Đến nay, Bộ Xây dựng có 17 tiêu chuẩn quốc gia dùng tro xỉ làm gạch, phụ gia, gạch không nung… Tiêu chuẩn là của quốc gia chứ không phải là tiêu chuẩn của địa phương, trong khi đó tro xỉ đã hợp chuẩn, hợp quy rồi nên có thể dùng để san lấp, làm đường giao thông là được, không phải xin hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường mà chỉ cần hướng dẫn về việc vận chuyển tro xỉ phù hợp với quy định về bảo vệ môi trường.
Việc hoàn nguyên mỏ sử dụng tro xỉ cũng là san lấp mặt bằng, chủ yếu là yêu cầu về cường độ, nền đáy ra sao hoặc là san lấp làm nhà thì yêu cầu cường độ đất nền là bao nhiêu… Vì vậy, Bình Thuận nên mạnh dạn sử dụng tro xỉ để thực hiện san lấp, làm đường giao thông hoặc là làm kè, đê bao chắn sóng…
Ông Huỳnh Thanh Cảnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận nêu lên những băn khoăn của Bình Thuận, hiện nay, lượng tro xỉ lưu trữ tại các bãi chứa quá lớn, tiềm ẩn rất nguy cơ, rất tốn kém. Vấn đề tiêu thụ tro xỉ do cự ly xa là có nhưng không phải là cơ bản, mà là vấn đề thiếu niềm tin, e dè, chưa thực sự tin tưởng trong sử dụng tro xỉ làm đường, san lấp, vật liệu xây dựng, phụ gia… Vấn đề căn cơ là phải có cơ chế trong việc đầu tư sử dụng tro xỉ để lấn biển hoặc sử dụng để san lấp, làm đường giao thông…
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, khu vực xóm 7, thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong có khoảng 400 hộ dân với khoảng 2.000 nhân khẩu, cách hàng rào Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng 80 m, nên bắt buộc phải di dời tái định cư người dân khu vực này. Nhưng vấn đề kinh phí để thực hiện việc này cần phải bàn thật cụ thể, theo hướng chủ đầu tư dự án di dời và tái định cư là huyện Tuy Phong, còn kinh phí thực hiện từ các nhà máy tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Việc sử dụng tro xỉ, tỉnh cũng rất cân nhắc do quá khứ có nhiều vấn đề về môi trường. Hiện nay, tỉnh rất quan tâm vấn đề này và ủng hộ quan điểm sử dụng tro xỉ để san lấp lấn biển, làm nền đường tại địa phương… nhưng cũng cần phải làm rõ về chất lượng khi san lấp lấn biển… Tỉnh cũng sẽ chỉ đạo các sở, ngành chủ động trong việc sử dụng tro xỉ.
Qua đi khảo sát thực tế, nghiên cứu báo cáo và trao đổi trực tiếp, thay mặt Đoàn công tác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội Trần Văn Minh đánh giá Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên tính nghiêm túc và quyết liệt các biện pháp thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội năm 2019. Kết quả thực hiện khá tốt, đạt được nhiều hiệu quả trong tổ chức thực hiện. Đã hoàn chỉnh đầy đủ các thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; làm tốt công tác truyền thông về bảo vệ môi trường; Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên đẩy mạnh việc tiêu thụ tro xỉ; cũng đã khắc phục có hiệu quả các tồn tại mà đoàn giám sát đã kiến nghị. Đề nghị các nhà máy cần đẩy mạnh hơn nữa việc tiêu thụ tro xỉ, giảm tải các bãi chứa.
Đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện và xem xét các kiến nghị của chủ đầu tư các nhà máy để chung tay, tháo gỡ khó khăn trong việt tiêu thụ tro xỉ. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần làm báo cáo chuyên đề về việc di dời gần 400 hộ dân với khoảng 2.000 nhân khẩu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần phải làm việc với tỉnh để xem xét để chia sẻ kinh phí với tỉnh trong việc di dời tái định cư.